Cuộc họp Fed và báo cáo GDP sẽ khiến thị trường tài chính Mỹ biến động mạnh tuần này?
“Tôi nghĩ đây sẽ là tuần quan trọng nhất của mùa hè này, khi đồng thời có báo cáo GDP, chỉ số chi phí nhân công, cuộc họp của Fed, và báo cáo tài chính của 175 công ty trong S&P 500”...
Tuần này, thị trường tài chính Mỹ sẽ đón nhận nhiều thông tin quan trọng, bao gồm kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vào giữa tuần và tiếp đó là số liệu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) vào hôm thứ Năm.
Ngoài ra, một loạt công ty lớn sẽ báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 trong tuần này, bao gồm hai doanh nghiệp đại chúng lớn nhất của Mỹ là Microsoft và Apple lần lượt vào các ngày Ba và thứ Năm. Alphabet sẽ “trình làng” báo cáo tài chính vào ngày thứ Ba, Meta vào ngày thứ Tư, và Amazon vào ngày thứ Năm. Cả tuần, sẽ có hơn 1/3 số công ty trong S&P 500 công bố kết quả kinh doanh.
“Tôi cho rằng câu hỏi lớn nhất nằm ở điều gì sẽ diễn ra trong tháng 9. Nếu Fed tiếp tục mạnh tay thắt chặt trong thời gian kéo dài, chúng ta sẽ phải tính đến khả năng suy thoái kinh tế gia tăng thêm".
Giám đốc đầu tư Leo Grohowski, BNY Mellon Wealth Management
Điều khiến giới đầu tư lo lắng nhất ở thời điểm này là cuộc chiến chống lạm phát bằng cách mạnh tay tăng lãi suất của Fed có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái. Các số liệu kinh tế quan trọng công bố trong tuần này có thể khiến cuộc tranh luận về suy thoái thêm phần sôi nổi.
“Tôi nghĩ đây sẽ là tuần quan trọng nhất của mùa hè này, khi đồng thời có báo cáo GDP, chỉ số chi phí nhân công, cuộc họp của Fed, và báo cáo tài chính của 175 công ty trong S&P 500”, Giám đốc đầu tư Leo Grohowski của BNY Mellon Wealth Management nhận định.
Chỉ giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - sẽ công bố vào ngày thứ Sáu, cùng với chỉ số chi phí nhân công. Ngoài ra, còn có dữ liệu về giá nhà và doanh số bán nhà mới công bố vào ngày thứ Ba, chỉ số niềm tin tiêu dùng công bố vào ngày thứ Sáu.
“Tôi cho rằng đánh giá của các công ty lớn về triển vọng kinh tế sẽ quan trọng hơn nhiều so với con số lợi nhuận mà họ công bố… Khi bạn kết hợp những đánh giá đó với số liệu thống kê - vốn phản ánh những gì đã qua – tôi cho rằng tuần này sẽ là một tuần nhiều biến động và quan trọng, ông Grohowski nhận định.
Tâm lý hồi hộp của thị trường đã gia tăng trước cuộc họp vào ngày thứ Ba và thứ Tư tuần này của Fed, khi các nhà giao dịch có lúc tin rằng ngân hàng trung ương này sẽ tăng lãi suất với bước nhảy tròn 1 điểm phần trăm. Tuy nhiên, các quan chức Fed đã phát tín hiệu phủ nhận dự báo này. Ở thời điểm hiện tại, giới chuyên gia kinh tế đa phần dự báo Fed sẽ nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 7.
“Rõ ràng, 0,75 điểm phần trăm nhiều khả năng sẽ là bước nhảy lãi suất của lần họp này”, ông Grohowski nói. “Tôi cho rằng câu hỏi lớn nhất nằm ở điều gì sẽ diễn ra trong tháng 9. Nếu Fed tiếp tục mạnh tay thắt chặt trong thời gian kéo dài, chúng ta sẽ phải tính đến khả năng suy thoái kinh tế gia tăng thêm. Hiện tại, khả năng xảy ra một cuộc suy thoái trong 12 tháng tới đây là 60%”.
Fed đang ở trong chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ, và cuộc họp tuần này của Fed diễn ra trong bối cảnh nhà đầu tư cố gắng xác định xem liệu chính sách tiền tệ thắt của của Fed đã hay sẽ gây suy thoái. Điều này khiến cho loạt báo cáo kinh tế dự kiến công bố trong tuần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Về báo cáo GDP, nhiều nhà dự báo cho rằng nền kinh tế Mỹ suy giảm trong quý 2 vừa qua. Đó sẽ là quý giảm thứ hai liên tiếp sau cú giảm 1,6% ghi nhận trong quý 1. Hai quý suy giảm liên tiếp đồng nghĩa với nền kinh tế đã rơi vào một cuộc suy thoái kỹ thuật.
Công cụ theo dõi GDP Now của Fed chi nhánh Atlanta cho thấy nền kinh tế có thể suy giảm 1,6% trong quý 2. Theo dự báo bình quân của các chuyên gia được Dow Jones khảo sát, các chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ tăng 0,3% trong 3 tháng.
“Ai mà biết được. Báo cáo GDP tới có thể khẳng định một cuộc suy thoái. Khả năng báo cáo này cho thấy tăng trưởng âm là 50-50”, ông Grohowski nhận định. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng kinh tế Mỹ chỉ được coi là chính thức suy thoái nếu điều đó được công bố bởi Cục Nghiên cứu kinh tế Quốc gia (NBER), mà ngoài GDP, cơ quan này còn tính đến một số yếu tố khác.
Chuyên gia kinh tế trưởng Daniel Swonk của KPMG dự báo GDP Mỹ giảm 1,9% trong quý 2, nhưng cho rằng nền kinh tế chưa suy thoái vì tỷ lệ thất nghiệp chưa tăng mạnh. Suy thoái chỉ có thể được công bố nếu thất nghiệp tăng 0,5 điểm phần trăm – bà Swonk nói. “Có thể sẽ có hai quý âm liên tiếp, và nhiều người sẽ nói suy thoái rồi. Nhưng đó vẫn chưa phải là suy thoái”.
Chứng khoán Mỹ tăng điểm trong tuần qua, với chỉ số S&P 500 tăng 2,6% và Nasdaq tăng 3,3% nhờ loạt báo cáo tài chính khả quan của các công ty niêm yết. Tuần vừa rồi, các công ty đã gây bất ngờ theo chiều hướng tích cực, với 75,5% số doanh nghiệp S&P 500 công bố báo cáo trong tuần đưa ra con số lợi nhuận tốt hơn dự báo.
Tuy nhiên, ông Grohowski cho rằng thị trường đang có sự xê dịch. “Tôi thực sự cho rằng mối lo lớn nhất của thị trường hiện nay đang dịch chuyển từ lạm phát cao sang suy thoái”, ông nói.
Nỗi lo suy thoái của Phố Wall đang được phản ánh phần nào qua sự trượt dốc của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tụt về 2,76%, sau khi các báo cáo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Mỹ và châu Âu cho thấy tín hiệu u ám về nền kinh tế.
Trong cuộc họp báo sau cuộc họp tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell có thể khiến thị trường biến động nếu ông tỏ ra cứng rắn hơn so với những gì mà giới đầu tư kỳ vọng.
“Đang có nhiều dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế giảm tốc sẽ kéo lạm phát xuống. Hy vọng là Fed sẽ không thắt chặt quá mức trong thời gian quá dài”, ông Grohowski nói. “Khả năng xảy ra sai lầm chính sách của Fed vẫn đang tăng lên, vì đang có nhiều dấu hiệu cho thấy sự hạ nhiệt nhanh chóng, thay vì chỉ hạ nhiệt, của nền kinh tế”.