Doanh nghiệp Ấn Độ đẩy mạnh thâu tóm, đầu tư ở nước ngoài

Bình Minh
Chia sẻ

Doanh nghiệp Ấn Độ từ đầu năm tới nay thâu tóm các công ty ở nước ngoài với tốc độ 2 thương vụ mỗi tuần, đồng thời tăng gấp đôi số dự án GI...

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi - Ảnh: Bloomberg.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi - Ảnh: Bloomberg.

Năm nay sẽ là một năm mang tính chất cột mốc đối với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Ấn Độ ở nước ngoài - hãng tin Bloomberg cho hay.

Trong bối cảnh đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Ấn Độ tăng trưởng chậm, doanh nghiệp Ấn Độ từ đầu năm tới nay thâu tóm các công ty ở nước ngoài với tốc độ 2 thương vụ mỗi tuần, đồng thời tăng gấp đôi số dự án GI (greenfield investment, một dạng đầu tư FDI trong đó công ty mẹ lập công ty con để xây dựng hoạt động sản xuất - kinh doanh mới ở nước ngoài) mới.

Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) của các công ty Ấn Độ ở nước ngoài đang trỗi dậy sau một thập kỷ im ắng, và được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng bùng nổ của thị trường chứng khoán nước này và lượng vốn mà các công ty niêm yết huy động được đạt mức kỷ lục.

“Mức định giá cổ phiếu cao của các công ty Ấn Độ là một yếu tố nguyên nhân ở đây”, trưởng bộ phận M&A và đầu tư cổ phần tư nhân của công ty Deloitte South Asia, ông Vivek Gupta, nhận định. Ông giải thích rằng các công ty Ấn Độ đang huy động được vốn ở hệ số giá cổ phiếu/thu nhập dự phóng (P/E) rất cao, trong khi mua được tài sản tại các thị trường khác ở mức định giá thấp hơn, nhờ đó lợi nhuận được bồi đắp ngay trong ngày đầu tiên sau khi hoàn thành giao dịch.

Trong quý 3 năm nay, các thương vụ M&A ở nước ngoài của doanh nghiệp Ấn Độ đạt mức cao nhất 10 năm về số lượng, với 35 thương vụ đạt tổng trị giá 5,3 tỷ USD - theo báo cáo Dealtracker của công ty Grant Thornton. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp Ấn Độ đã hoàn tất hơn 100 giao dịch M&A ở nước ngoài, chủ yếu tại thị trường Mỹ và châu Âu.

Trong số này phải kể tới một vài thương vụ lớn như vụ công ty Bharti Global của Ấn Độ mua cổ phần 24,5% trong công ty mạng viễn thông Anh BT Group Plc với giá 17 tỷ USD, hay các thương vụ trị giá hàng tỷ USD của Tata và Birla. Tuy nhiên, các thương vụ quy mô nhỏ vẫn chiếm chủ yếu.

“Các lĩnh vực đầu tư rất đa dạng, và doanh nghiệp đứng ra thâu tóm chủ yếu là các công ty tầm trung, có doanh thu từ 35-350 triệu USD”, trưởng tư vấn M&A của Grant Thornton Bharat, ông Sumeet Abrol, cho biết.

Làn sóng đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Ấn Độ bắt đầu nổi lên sau đại dịch Covid-19, ban đầu là những công ty với truyền thống thâu tóm trong các lĩnh vực như công nghệ, dược phẩm và ô tô, tiếp đó mở rộng sang các lĩnh vực mới như giáo dục, truyền thông, khách sạn, y tế và nông nghiệp. Một số ví dụ có thể kể tới như công ty Suparajit Engineering mua một công ty cáp vỡ nợ của Đức, PI Industries mua công ty Plant Healthcare của Anh, hay OYO thâu tóm công ty Motel 6 ở Mỹ…

Có trong tay nhiều lựa chọn nguồn vốn, các công ty Ấn Độ đang tìm kiếm mục tiêu thâu tóm là các doanh nghiệp có năng lực cao về công nghệ, quy trình sản xuất thông minh và sáng tạo. Ngay cả những công ty nhỏ hơn cũng cho thấy quyết tâm cao trong nỗ lực thâu tóm, thể hiện qua việc khoảng thời gian đi tới một vụ sáp nhập của những doanh nghiệp như vậy đã rút ngắn chỉ còn một nửa so với trong các chu kỳ trước - theo ông Abrol, đồng thời dự báo hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các công ty Ấn sẽ tiếp tục tăng, nhất là trong bối cảnh có nhiều mối lo về chiến tranh thương mại và nỗ lực nhằm xây dựng hoặc bảo vệ chuỗi cung ứng.

Các dự án GI của Ấn Độ ở nước ngoài cũng được dự báo sẽ lập kỷ lục trong năm nay, theo một báo cáo của FDI Intelligence. Từ đầu năm tới nay, doanh nghiệp Ấn Độ đã có hơn 400 dự án như vậy, nhiều gấp đôi so với con số hàng năm trước đại dịch. Đặc trưng của làn sóng này cũng là các dự án có giá trị nhỏ, tập trung vào lĩnh vực dịch vụ kinh doanh, và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang nổi lên thành một điểm đến hấp dẫn cho các công ty Ấn Độ.

Trong quý 3, Ấn Độ lập kỷ lục 195 dự án GI trên toàn cầu, trở thành nguồn dự án GI lớn thứ năm thế giới, đứng trên Trung Quốc - theo FDI Intelligence.

Làn sóng đầu tư ra nước ngoài của các công ty Ấn Độ có thể làm dấy lên những câu hỏi về thị trường nước này ngay cả các đối với các công ty trong nước. Tuy nhiên, giới chuyên gia khăng định rằng xu hướng này không nên bị xem là đánh đổi đối với hoạt động đầu tư vào nền kinh tế Ấn Độ.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con