Hỗ trợ vốn cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên trường nghề
Để thực hiện đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động bố trí nguồn vốn; tìm kiếm, kết nối với các doanh nghiệp để có thêm nguồn hỗ trợ cho các dự án, ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên...
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa ban hành Quyết định số 228 về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” trong năm 2024.
Việc triển khai đề án này nhằm trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, giúp học sinh, sinh viên tự tin, chủ động, sáng tạo trong việc khởi nghiệp cũng như tìm việc làm, tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp.
Đồng thời, nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện học sinh, sinh viên, và hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, tự tạo việc làm.
Cùng với đó, cũng tạo điều kiện để học sinh, sinh viên hình thành, hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của họ.
Việc triển khai thực hiện kế hoạch sẽ được tổ chức rộng khắp trong các địa phương, và trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc; đảm bảo thực hiện hiệu quả, tránh lãng phí, hình thức.
Để hiện thực hóa các mục tiêu kế hoạch đề ra, trong năm 2024, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức, trong đó có cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” năm 2024 - Startup Kite 2024. Tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp năm 2024.
Song song đó, các hội nghị, hội thảo về khởi nghiệp, kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp cũng sẽ được tổ chức. Đồng thời, một diễn đàn kiến tạo khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng sẽ được tổ chức trong năm nay.
Bộ cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các chương trình giao lưu, tọa đàm về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Công tác đào tạo, tập huấn, bồi đưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cũng sẽ được chú trọng. Tập trung vào tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, nhà giáo, người làm công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Song hành đó là tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chuyên đề khởi nghiệp, và đưa vào chương trình đào tạo theo hướng bắt buộc, hoặc tự chọn để phù hợp với thực tiễn.
Các hoạt động giao lưu, hội thảo trao đổi, học tập kinh nghiệm về đào tạo khởi nghiệp trong nhà trường, cho đội ngũ làm công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp cũng sẽ được đẩy mạnh.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nữa là tạo môi trường hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, và tìm kiếm ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp.
Các hoạt động dự kiến tập trung vào đó là phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức hoạt động giao lưu, khởi nghiệp; tổ chức các hoạt động thực tập, trải nghiệm tại doanh nghiệp, để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được tiếp cận với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bộ khuyến khích cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, tạo không gian khởi nghiệp dùng chung cho học sinh, sinh viên trong nhà trường; thành lập các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Liên quan đến nguồn vốn cho các dự án, ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động bố trí để hỗ trợ sinh viên.
Bên cạnh đó, có thể tìm kiếm, kết nối với các doanh nghiệp để hỗ trợ nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án, ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, và các hoạt động triển khai công tác hỗ trợ khởi nghiệp tại cơ sở.