Nhà ga T3 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất lại trễ hẹn khởi công

Ánh Tuyết
Chia sẻ

Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có công suất khoảng 20 triệu hành khách/năm dự kiến khởi công trong quý 4/2022, lùi một quý so với yêu cầu của Thủ tướng trong chuyến thị sát mới đây...

Dự kiến nhà ga hành khách T3 khởi công trong quý 4 năm 2022 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2024.
Dự kiến nhà ga hành khách T3 khởi công trong quý 4 năm 2022 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2024.

Cử tri TP. Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm sớm đầu tư, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó, xây dựng nhiều nhà ga, bãi đậu xe cho mỗi nhà ga, xây dựng hệ thống đường ống đưa đón khách ra vào máy bay cũng như xây dựng thêm xưởng bảo dưỡng máy bay để đạt độ an toàn cho các chuyến bay.

Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Giao thông vận tải, cho hay dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ như: nhà để xe cao tầng, hệ thống cầu ống lồng… của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện đang được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tổ chức triển khai thực hiện.

Theo trình tự, đất Bộ Quốc phòng giao cho TP. Hồ Chí Minh, sau đó thành phố giao cho Cảng vụ Hàng không và cơ quan này mới giao lại cho ACV để thực hiện dự án. 

 

"Dự kiến nhà ga hành khách T3 khởi công trong quý 4 năm 2022 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2024. Cùng với các nhà ga T1 và T2, sau khi hoàn thành nhà ga T3 sẽ nâng tổng công suất thiết kế của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lên khoảng 50 triệu hành khách/năm", Bộ Giao thông vận tải cho hay.

Các khâu chuẩn bị cho kế hoạch khởi công nhà ga T3 đã được ACV chuẩn bị theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên, ACV vẫn phải chờ mặt bằng.

Trong những năm gần đây, lượng hành khách thông qua Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất tăng mạnh, gần gấp đôi công suất thiết kế.

Đặc biệt, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trải qua những ngày đông khách kỷ lục.

Để giải quyết tình trạng quá tải sân bay Tân Sơn Nhất, năm 2020, Chính phủ có Quyết định số 657/QĐ-TTg ngày 19/5/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T3 có công suất 20 triệu hành khách/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khai thác nội địa tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đáp ứng yêu cầu khai thác, phù hợp với quy hoạch.

Đồng thời, phân chia sản lượng khai thác giữa sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất, giảm tải cho nhà ga T1 hiện đang quá tải, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Dự án có thời hạn hoạt động 50 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn hợp pháp của ACV, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Cuối tháng 7, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP về tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để thực hiện dự án nhà ga hành khách T3 và dự án đường giao thông kết nối với nhà ga hành khách T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Cụ thể, Chính phủ quyết nghị đồng ý chủ trương Bộ Quốc phòng bàn giao khoảng 27,85 ha đất quốc phòng tại quận Tân Bình cho UBND TP. Hồ Chí Minh quản lý để thực hiện dự án nhà ga hành khách T3 (khoảng 16,05 ha) và dự án đường giao thông kết nối với nhà ga hành khách T3 (đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, khoảng 11,8 ha); diện tích đất thu hồi theo số liệu đo đạc thực tế.

Đồng thời, giao Bộ Quốc phòng cập nhật, đưa diện tích đất nêu trên vào danh mục đất quốc phòng chuyển mục đích sử dụng, bàn giao cho địa phương quản lý trong Quy hoạch sử dụng đất quốc phòng thời kỳ 2021 - 2030. 

Về kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thu hồi đất; tháo dỡ 12 ụ bê tông xi măng cũ, nghị quyết nêu rõ đối với dự án đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, UBND TP. Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm thực hiện.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng sau chuyến thị sát đầu tháng 7. Theo đó, yêu cầu ACV và UBND TP. Hồ Chí Minh khởi công dự án nhà ga hành khách T3 và các dự án giao thông kết nối với ga hành khách T3 ngay trong quý 3/2022 sau khi nhận bàn giao mặt bằng, hoàn thành đồng bộ đưa vào khai thác, sử dụng trong tháng 9/2024.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con