Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp bán dẫn
Xác định thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là chiến lược quan trọng trong Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam giai đoạn 1 (2024 - 2030), Chính phủ đang cho thấy quyết tâm chính trị cao trong nỗ lực thu hút các “đại bàng” bán dẫn để ngành công nghiệp vi mạch quốc gia phát triển mạnh trong những năm tới...
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Mỹ vừa qua, bên cạnh các cuộc họp ngoại giao chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã dành nhiều thời gian tham dự các cuộc họp với các doanh nghiệp công nghệ Mỹ để đàm phán mở rộng cơ hội hợp tác phát triển hệ sinh thái và nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đặc biệt ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
THU HÚT ĐẦU TƯ BÁN DẪN "CÓ CHỌN LỌC"
Việt Nam đang tích cực mở cửa chính sách, nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tiến vào để tham gia phát triển ngành công nghiệp vi mạch. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ đang xây dựng đề án cải cách mang tính cách mạng đối với sự phát triển của ngành bán dẫn quốc gia.
Bộ kiến nghị cho phép các doanh nghiệp bán dẫn muốn hoạt động tại các khu kinh tế, công công nghệ cao, khu chế xuất đặc biệt, chỉ cần đăng ký đầu tư và thẩm định trong 15 ngày để nhận chứng nhận đăng ký đầu tư để đi vào triển khai hoạt động. Nếu được thông qua, đây sẽ là chính sách quan trọng giúp Việt Nam thu hút không chỉ các công ty trong nước mà còn cả các công ty FDI trong lĩnh vực bán dẫn.
Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, TS.Nguyễn Nhật Quang, Thành viên Hội đồng sáng lập Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ VINASA, khẳng định bán dẫn đang nằm trong “câu chuyện” tổng thể phát triển của đất nước. Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc đưa đất nước làm chủ công nghệ, thu hút những “ông lớn” trong ngành cũng là một trong những cách quan trọng để hình thành sức mạnh nội hàm.
"Phát triển công nghiệp vi mạch là chuỗi công nghệ rộng lớn, từ sản xuất những chip giá rẻ vài Cent đến những con chip có giá trị cả chục USD, nên nếu Việt Nam không chọn lọc, sản phẩm nào cũng tham gia sản xuất trong khi tài nguyên, con người có hạn, thì đó sẽ là “bước cản đối với sự phát triển của ngành bán dẫn Việt Nam".
TS.Nguyễn Nhật Quang, Thành viên Hội đồng sáng lập Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA)
Bán dẫn vốn là ngành công nghiệp toàn cầu hoá, không một quốc gia nào có thể làm chủ công nghệ kể cả các cường quốc công nghệ như Mỹ hay Trung Quốc. Vì vậy, theo TS. Nguyễn Nhật Quang, hợp tác với những “ông lớn” đang có vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn sẽ đưa Việt Nam ít nhất tiếp cận, hay thậm chí tham gia một công đoạn trong chuỗi giá trị quan trọng này.
Khẳng định tầm nhìn của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn, nhất là cụm từ “có chọn lọc” trong chiến lược phát triển bán dẫn quốc gia, TS. Nguyễn Nhật Quang cho rằng phát triển công nghiệp vi mạch là chuỗi công nghệ rộng lớn, từ sản xuất những chip giá rẻ vài Cent đến những con chip có giá trị cả chục USD, nên nếu Việt Nam không chọn lọc, sản phẩm nào cũng tham gia sản xuất trong khi tài nguyên, con người có hạn, thì đó sẽ là “bước cản đối với sự phát triển của ngành bán dẫn Việt Nam”. Do đó, Việt Nam cần chọn những ngành có giá trị gia tăng cao nhưng phù hợp với tiềm năng và lợi thế hiện có.
Các quốc gia đều nỗ lực cạnh tranh để tạo nhiều điều kiện thuận lợi đặc biệt bằng cơ chế chính sách và nguồn vốn đầu tư đề thu hút các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu. Ấn Độ đã đầu tư hàng tỷ USD để tạo nhiều điều kiện hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư và doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, Malaysia thậm chí đã phát triển năng lực công nghệ bán dẫn từ năm 1970. Đến nay quốc gia này cơ bản hình thành hệ sinh thái cùng nguồn nhân lực có chuyên môn cao.
Giới chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có cơ chế cạnh tranh khác biệt bằng chiến lược và tư duy đúng đắn. Qua nhiều đề án vừa được Chính phủ thông qua, có thể thấy Việt Nam sẽ đặt cược vào nguồn nhân lực và quyết tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao để hút đại bàng công nghệ bán dẫn đến với Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng giám đốc Công ty CoAsia SEMI Vietnam thuộc Tập đoàn CoAsia (Hàn Quốc), đặc thù trong mảng thiết kế chip là nguồn nhân lực kỹ sư thiết kế là rất quan trọng. Hiện nay, Việt Nam đang nổi lên như là một “hub” nhân lực với chi phí hợp lý. Quan trọng hơn là Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn có độ tuổi dân số vàng, thực tế là đã và đang có rất nhiều công ty có tên tuổi về thiết kế chip trên thế giới tìm tới Việt Nam.
BÀI HỌC CHO NƯỚC ĐI SAU NHƯ VIỆT NAM
Theo đánh giá của ông Yên, sau bốn năm hoạt động tại Việt Nam, các kỹ sư người Việt đã dần chứng minh được năng lực và được các cấp quản lý nước ngoài của tập đoàn nhìn nhận đánh giá tích cực. “Chắc chắn điều này sẽ có tác động tích cực tới các quyết định tiếp tục đầu tư mở rộng đội ngũ cũng như tìm kiếm các cơ hội kinh doanh ở Việt Nam của tập đoàn sắp tới”, ông Yên cho biết trong cuộc phỏng vấn với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần nhìn nhận thực tế môi trường phát triển tại Việt Nam còn tồn đọng nhiều hạn chế, chẳng hạn như vướng mắc về thuế, giấy phép lao động,... “Lãnh đạo các bộ, ban, ngành đều đã nhìn ra những điểm yếu này. Đất lành chim đậu, chỉ cần một doanh nghiệp FDI hàng đầu vào Việt Nam, họ sẽ dẫn cả một hệ sinh thái đến với chúng ta. Việt Nam còn rất nhiều điều phải làm để tạo ra một môi trường thuận lợi từ pháp lý đến cơ sở hạ tầng”, TS. Nguyễn Nhật Quang cho biết.
Đánh giá Việt Nam có rất nhiều chính sách ưu đãi để thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển bán dẫn, tuy nhiên qua hoạt động tại Việt Nam đến thời điểm hiện tại, ông Yên thẳng thắn chia sẻ rằng ngay bản thân CoAsia SEMI vẫn chưa cảm nhận được những ưu đãi từ các chương trình và chính sách của Chính phủ.
“Theo quan điểm cá nhân của tôi, chính sách của Việt Nam rất tốt nhưng khâu triển khai chính sách chưa thực sự quyết liệt. Do vậy, các cơ quan Chính phủ nên cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, ban hành các hướng dẫn đơn giản dễ thực hiện sao cho bất kể là doanh nghiệp nước ngoài đầu tư lĩnh vực vi mạch tại Việt Nam hay doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vi mạch tại Việt Nam, dù lớn hay nhỏ đều dễ dàng nhận được ưu đãi từ các chính sách thuế và hạ tầng của Chính phủ. Việc này sẽ góp phần làm hệ sinh thái bán dẫn của Việt Nam thêm vững chãi hơn trong quá trình hình thành và phát triển”, ông Yên chia sẻ....
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 41-2024 phát hành ngày 07/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam