Tính toán kỹ khả năng hấp thụ gói hỗ trợ, đừng "ném tiền qua cửa sổ"

Ánh Tuyết
Chia sẻ

Gói hỗ trợ mạnh tay hơn, chú trọng đến kích thích tiêu dùng để vực dậy nền kinh tế vừa được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, cần cẩn trọng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế, nếu không chẳng khác nào “ném tiền qua cửa sổ”...

Gói kích thích vừa được Quốc hội thông qua cần hỗ trợ đúng, trúng, tính toán kỹ khả năng hấp thụ của doanh nghiệp.
Gói kích thích vừa được Quốc hội thông qua cần hỗ trợ đúng, trúng, tính toán kỹ khả năng hấp thụ của doanh nghiệp.

Năm 2021, diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 khiến Việt Nam phải thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch ngặt nghèo, chưa từng có tiền lệ như giãn cách xã hội kéo dài hay đóng cửa biên giới.

Những hệ lụy từ biến chủng Delta khiến nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, đà tăng GDP đang chậm lại. Tăng trưởng GDP đảo chiều, từ mức 6,61% trong quý 2/2021, rơi xuống chạm đáy sâu nhất trong lịch sử, âm 6,17% trong quý 3, kéo giảm những thành quả Việt Nam đạt được trước đó.

DOANH NGHIỆP "THỞ ECMO", NỀN KINH TẾ LO "LỠ NHỊP"

Dù bức tranh doanh nghiệp mang gam màu trầm, nhưng ngân sách khá “rủng rỉnh”, thu ngân sách cán đích trước nhiều tháng. Bộ Tài chính đánh giá, các chỉ tiêu về bội chi, nợ công, nợ Chính phủ đều trong phạm vi Quốc hội quyết định, nằm trong “ngưỡng” an toàn là 4% GDP; 46,1% GDP và 41,9% GDP.

Trong khi đó, trong bối cảnh đại dịch, các quốc gia trên thế giới đều thực hiện những gói kích thích tài khóa quy mô lớn để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, chấp nhận mức thâm hụt ngân sách cao so với điều kiện kinh tế bình thường. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thâm hụt tại Mỹ là 18,73%, ở Trung Quốc là 11,88%, Nhật Bản là 10,77%, Úc là 10,06%...

Các chuyên gia đánh giá, quy mô gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường dù thấp hơn nhiều so với những đề xuất trước đây, tuy nhiên, điều cần thiết hiện nay là cần đẩy nhanh tốc độ triển khai để vực dậy doanh nghiệp và nền kinh tế.

Bình luận về các chính sách hỗ trợ tài khóa thời gian qua, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Holdings cho rằng, thời gian qua, doanh nghiệp không có doanh thu nên chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp không có tác dụng.

Còn về bản chất miễn thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp chỉ thu hộ, thời gian hỗ trợ ngắn nên không thấm vào đâu trong việc kích cầu tiêu dùng. “Doanh nghiệp thở ECMO rồi. Chúng tôi cần oxy. Chúng tôi mong gói hỗ trợ đủ lớn để giải quyết vấn đề”, Chủ tịch Vietravel Holdings chua xót.

Trước ý kiến lo ngại gói giải cứu có thể dẫn đến lạm phát leo thang giống năm 2011, ông Kỳ cho rằng vị thế, sức mạnh của Việt Nam năm 2022 khác hẳn năm 2011 về độ lớn nền kinh tế, dự trữ, tỷ lệ nợ công hay quy mô GDP. Đặc biệt, với kinh nghiệm của năm 2011, điều này sẽ không lặp lại.

Với hàng loạt các chính sách gia hạn, miễn, giảm một số loại thuế, phí, tiền sử dụng đất, cơ cấu nợ, lãi vay… thời gian qua, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho hay đây là gói giải pháp trải rộng nhiều lĩnh vực khác nhau, với nhiều gói nhỏ.

Nguồn: VnEconomy tổng hợp.
Nguồn: VnEconomy tổng hợp.

Mỗi khi nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn hay khủng hoảng, bao giờ chính sách về tài khóa, thuế, hải quan và chính sách tiền tệ đều là những chính sách tiên phong, tác động trực diện và trợ giúp cho các doanh nghiệp, đặc biệt khi chi phí tăng lên hay đứt gãy dòng tiền.

Tuy nhiên, chính sách thời gian qua chưa có nhiều tác động đến kích thích tiêu dùng, đến tổng cung và tổng cầu để hỗ trợ phát triển thị trường trong nước và phục hồi các chuỗi cung ứng, sản xuất và lao động.

MẠNH TAY GIẢM THUẾ, HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP CÓ SỨC TOẢ

Đáng lưu ý, chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp mặc dù mục tiêu rất tốt nhưng hầu hết các doanh nghiệp không có lãi, nên số doanh nghiệp được thụ hưởng thực tế không nhiều.

Chính sách giảm, giãn, hoãn phí công đoàn với điều kiện ngặt nghèo, chặt chẽ, doanh nghiệp cũng không tiếp cận được, cản trở nỗ lực của doanh nghiệp trong việc giữ chân người lao động. Một số chính sách đưa ra thời gian thực hiện ngắn và chưa tạo sự chủ động cho các doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận chính sách.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần sớm ban hành những giải pháp, triển khai thực hiện chương trình tổng thể phục hồi và phát triển nền kinh tế. Ngoài ra, dự báo Covid-19 sẽ là một phần của cuộc sống, khi đại dịch Covid-19 qua đi có thể dịch bệnh khác xuất hiện, những tai họa, khủng hoảng khác sẽ tiếp tục diễn ra.

Vì vậy, “vừa xử lý những vấn đề trước mắt, vừa phải bảo toàn lực lượng, giữ gìn những dư địa để tiếp tục ứng phó với những diễn biến mới”, ông Lộc nhấn mạnh.

Đề xuất hỗ trợ chính sách trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, do ngành du lịch và hàng không phải đến năm 2023 mới có khả năng phục hồi, vì vậy, nên chăng cần giảm thuế giá trị gia tăng xuống còn 5% kéo dài trong 2-3 năm, sau đó sẽ nâng thuế giá trị gia tăng lên mức cũ.

Về thuế thu nhập doanh nghiệp, Chủ tịch Vietravel Holdings chia sẻ: “Những doanh nghiệp có lợi nhuận mới nộp thuế nhưng khổ quá, lỗ hết nên lấy tiền đâu nộp”. Vì vậy, vẫn cứ giữ mức thuế 20% làm gì, nên chăng miễn thuế cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Miễn thuế chứ không phải giảm, giãn thuế, vì giãn, hoãn xong lại thu lại, doanh nghiệp làm sao có tích lũy.

Bên cạnh đó, với gói trợ giúp về an sinh xã hội, ông Kỳ đề xuất cấp thẳng cho doanh nghiệp, vì doanh nghiệp ký hợp đồng và trực tiếp quản lý người lao động. Các gói cho doanh nghiệp nên trực diện, tránh việc đè nặng lên hệ thống chính quyền cơ sở.

Chia sẻ những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, trong giai đoạn phục hồi, cần chuyển trọng tâm của các chính sách hỗ trợ từ mục tiêu ưu tiên phòng chống dịch sang mục tiêu phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội.

PGS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng, trưởng nhóm nghiên cứu nhấn mạnh thêm, do dư địa chính sách dần thu hẹp, nên cần tập trung cải thiện hiệu quả công tác tuyên truyền và thực thi đối với các gói chính sách hỗ trợ đã ban hành. Các quy trình cần được đơn giản hóa, đặc biệt là đối với người dân, nhưng tập trung vào giai đoạn hậu kiểm và các chế tài xử phạt đối với các hành vi trục lợi chính sách.

 
Ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC).
Ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC).

"Doanh nghiệp nói chung và đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng rất khó tiếp cận tín dụng của hệ thống ngân hàng. Cần có sự cộng hưởng, yểm trợ của chính sách tài khóa khi dòng vốn của ngân hàng đến với các doanh nghiệp còn hạn chế, để hỗ trợ dòng tiền và ổn định tài chính cho doanh nghiệp.

Bên cạnh chính sách chung để cứu doanh nghiệp, cần có những chính sách đặc biệt cho các lĩnh vực có tiềm năng để phục hồi nhanh chóng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế ngay trong đại dịch, chứ không phải chờ khi đại dịch qua đi mới hỗ trợ. Chính sách tài khóa cần phải đóng vai trò trung tâm”.

 

 
Ông Nguyễn Quốc Kỳ Chủ tịch Vietravel Holdings.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ Chủ tịch Vietravel Holdings.

"Hàng không lỗ mấy chục nghìn tỷ đồng, Vietravel cũng lỗ gần 1.000 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp phải tăng vốn để lấp lỗ châu mai. Doanh nghiệp thở ECMO rồi. Chúng tôi cần oxy. Chúng tôi mong gói hỗ trợ cần phải làm nhanh vì doanh nghiệp đang cần oxy, cần cấp tiền qua các kênh ngân hàng để trợ giúp về vốn vay, lãi suất vay hay tái cấp vốn”.

 

 
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh Học viện Tài chính, Chuyên gia kinh tế
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh Học viện Tài chính, Chuyên gia kinh tế

"Chính phủ sẵn sàng đi vay nợ nếu như khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, của nền kinh tế tốt và có hiệu quả.

Tuy nhiên, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước tăng những năm gần đây. Do thu năm 2021 tăng nên chỉ số này kéo về 24,8%. Ngân sách thu được 1 đồng nhưng bỏ 1/4 đồng để trả nợ, vì vậy, cần phải cẩn trọng.

Vốn không hấp thụ được chẳng khác nào “ném tiền qua cửa sổ”, càng nhiều tiền, càng lãng phí, càng tạo ra tham nhũng xin – cho. Tiền lưu thông nhiều, lạm phát leo thang, các cân đối quy mô bị phá vỡ, doanh nghiệp có bao nhiêu lợi nhuận cũng bị bào mòn hết. Doanh nghiệp vừa ốm dậy ăn quá nhiều sâm có khi phản tác dụng”.

 

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con