Xử lý hơn 100.000 vụ buôn lậu và gian lận thương mại, nộp ngân sách hơn 7.500 tỷ đồng
Thông qua công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tính đến hết tháng 9, hơn 100.000 vụ việc bị xử lý, nộp ngân sách hơn 7.500 tỷ đồng...
Ngày 14/10, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) chủ trì Hội nghị giao ban quý 3 năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng qua diễn biến phức tạp ở một số tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.
Tính đến hết tháng 9/2021, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 100.290 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 7.519 tỷ đồng; khởi tố 1.615 với 2.148 đối tượng, tăng 90,27% về số vụ và tăng 85,63% về số đối tượng so với cùng kỳ năm ngoái.
Điển hình là một số hoạt động sản xuất, buôn bán các sản phẩm thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Bên cạnh đó, buôn bán hàng nhập lậu và sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, liên quan đến hoạt động thương mại điện tử; buôn bán, vận chuyển một số mặt hàng cấm qua biên giới.
Đáng lưu ý, trong thời kỳ dịch bệnh, xuất hiện phương thức mới trong việc vận chuyển hàng lậu, hàng cấm là lợi dụng xe được cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên theo “luồng xanh” vận chuyển hàng hóa thiết yếu, phục vụ sản xuất, xuất khẩu và lưu thông thông suốt qua chốt kiểm soát dịch Covid-19 để vận chuyển, mua bán trái phép hàng lậu, hàng cấm…
Nhiều đối tượng lợi dụng chính sách quản lý rủi ro, thông thoáng trong hoạt động xuất, nhập khẩu để không khai báo, khai báo không đúng với hàng hóa thực nhập để trốn thuế, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập khẩu có điều kiện.
Đồng thời, móc nối, cấu kết với một số cán bộ, công chức, sỹ quan tha hóa, biến chất để "làm ngơ", "bảo kê" khi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm…
Về các mặt hàng vi phạm, thời gian qua nổi lên tình trạng buôn lậu khẩu trang, thuốc điều trị Covid-19, máy tạo ôxy, que test Covid-19, nước sát khuẩn, găng tay y tế đã qua sử dụng... tại nhiều địa phương trên cả nước, chủ yếu diễn ra phức tạp tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, các mặt hàng buôn lậu truyền thống như thuốc lá ngoại, đường cát, mỹ phẩm, tân dược vẫn diễn ra phức tạp tại các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Đà Nẵng, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Bình Phước, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang...
"Một số nơi còn có sự nể nang, bao che, thậm chí có bảo kê của một số người có trách nhiệm, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng",
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đánh giá, 9 tháng qua, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đã đạt được nhiều kết quả.
Tuy nhiên, một số địa phương chưa chỉ đạo sát sao, lực lượng chưa làm tốt quản lý địa bàn, đối tượng. Đặc biệt, thời gian qua có một số vụ việc gian lận, buôn lậu hết sức tinh vi.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, thời điểm này khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát và nước ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu sẽ tăng trở lại, cộng với đó là việc chuẩn bị dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nên nhu cầu hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng tăng cao, nhưng kèm theo đó là nguy cơ lớn về buôn lậu, gian lận thương mại.
Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động xây dựng và tổ chức triển khai các kế hoạch đấu tranh một cách kịp thời để phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các vụ vi phạm.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý: "Cần hết sức quan tâm đến vấn đề gian lận trên môi trường không gian mạng. Vừa qua, chúng ta đã phát hiện nhiều kho hàng bán online nhưng không kiểm soát được việc truy xuất nguồn gốc cũng như chất lượng hàng hóa. Do đó, cần có các biện pháp nghiệp vụ trong kiểm tra, kiểm soát, phát hiện vụ việc trên không gian mạng".