Big Tech phản đối Dự luật AI mới
Nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng tại Thung lũng Silicon ủng hộ một số hình thức giám sát AI, nhưng lại phản đối Dự luật SB 1047 của tiểu bang. Dự luật mới có thể được bỏ phiếu thông qua vào tuần này…
Các nhà lập pháp California sẽ tiến hành bỏ phiếu cho Dự luật SB 1047, dự kiến sớm nhất trong tuần này, nhằm điều chỉnh rộng rãi cách thức phát triển và triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) ở California bất chấp một số gã khổng lồ công nghệ lên tiếng phản đối, theo Inc.
SƠ LƯỢC VỀ DỰ LUẬT SB 1047
Được Thượng nghị sĩ Scott Wiener thuộc Đảng Dân chủ đề xuất, Dự luật SB 1047 yêu cầu thử nghiệm an toàn đối với toàn bộ mô hình AI tiên tiến nhất có chi phí phát triển hơn 100 triệu USD hoặc mô hình đòi hỏi lượng sức mạnh tính toán nhất định. Các nhà phát triển phần mềm AI hoạt động trong tiểu bang cũng cần phác thảo phương pháp có thể ngừng hoạt động các mô hình AI khi gặp trục trặc, về cơ bản tương tự như một công tắc tắt nguồn.
Dự luật cũng trao cho Tổng chưởng lý tiểu bang quyền khởi kiện nếu nhà phát triển không tuân thủ, đặc biệt trong trường hợp trí tuệ nhân tạo gây ra mối đe dọa tiềm ẩn, chẳng hạn khi AI chiếm quyền kiểm soát hệ thống của Chính phủ như lưới điện.
Ngoài ra, Dự luật sẽ yêu cầu nhà phát triển tìm tới bên kiểm toán thứ ba để đánh giá hoạt động an toàn AI của doanh nghiệp và cung cấp thêm biện pháp bảo vệ cho nhóm người tố giác lên tiếng chống lại tình trạng lạm dụng AI.
CÁC NHÀ LẬP PHÁP LÊN TIẾNG
SB 1047 được Thượng viện tiểu bang thông qua với tỷ lệ phiếu bầu 32-1. Tuần trước, Dự luật được Ủy ban Phân bổ Ngân sách thuộc Đại Hội đồng tiểu bang thông qua. Nếu tiếp tục được thông qua vào cuối phiên họp lập pháp vào ngày 31/8, Dự luật sẽ được chuyển đến Thống đốc Gavin Newsom để ký hoặc phủ quyết vào ngày 30/9.
Thượng nghị sĩ Wiener đại diện cho thành phố San Francisco, nơi đặt trụ sở của OpenAI và nhiều công ty khởi nghiệp khác đang phát triển công nghệ AI mạnh mẽ, cho biết Dự luật là cần thiết để bảo vệ công chúng trước khi những tiến bộ AI trở nên khó kiểm soát thậm chí không thể kiểm soát.
Tuy nhiên, một nhóm thành viên Đảng Dân chủ tại Quốc hội California nhanh chóng phản đối Dự luật, bao gồm bà Nancy Pelosi đến từ San Francisco; ông Ro Khanna, chính khách có tầm ảnh hưởng lớn tại khu vực Thung lũng Silicon; và ông Zoe Lofgren đến từ San Jose.
Mới đây, bà Pelosi đã nhận định Dự luật SB 1047 là thiếu hiểu biết và có thể gây hại nhiều hơn có lợi. Trong bức thư ngỏ, nghị sĩ Đảng Dân chủ cho biết Dự luật có thể khiến nhiều nhà phát triển công nghệ rời khỏi tiểu bang và đe dọa các hệ thống AI nguồn mở, mô hình dựa trên mã hoá giúp bất kỳ ai cũng có thể sử dụng hoặc sửa đổi miễn phí.
CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO CÔNG NGHỆ KHÔNG THÍCH DỰ LUẬT MỚI
Hầu hết công ty công nghệ phát triển AI từng nhiều lần kêu gọi các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn cho quá trình triển khai trí tuệ nhân tạo. Các doanh nghiệp đều nhận thức được rủi ro rằng phần mềm một ngày nào đó có thể tránh được sự can thiệp của con người và gây ra các cuộc tấn công mạng cùng nhiều lo ngại khác. Nhưng đa số vẫn tỏ thái độ không ủng hộ Dự luật SB 1047.
Nghị sĩ Wiener đã sửa đổi Dự luật nhằm xoa dịu các công ty công nghệ, một phần dựa trên ý kiến đóng góp từ Anthropic, startup AI được Amazon và Alphabet hỗ trợ. Trong số những thay đổi, ông Wiener đã loại bỏ việc thành lập Ủy ban Giám sát AI của Chính phủ.
Nhiều Big Tech như Google của Alphabet và Meta đã bày tỏ mối e ngại trong các lá thư gửi tới Nghị sĩ Wiener. Meta cho biết Dự luật có thể khiến tiểu bang trở thành môi trường không thuận lợi cho nỗ lực phát triển và triển khai AI. Giám đốc AI thuộc công ty mẹ Facebook, ông Yann LeCun, trong bài đăng trên X vào tháng 7 đã tuyên bố Dự luật có khả năng gây hại cho nhiều nỗ lực nghiên cứu.
OpenAI, công ty sở hữu ứng dụng đình đám ChatGPT - nhân tố được cho là đã thúc đẩy cơn sốt AI kể từ khi phát hành rộng rãi vào cuối năm 2022, vừa tuyên bố AI nên được Chính phủ liên bang kiểm soát nhưng SB 1047 tạo ra môi trường pháp lý “không chắc chắn”.
Điều đáng lo ngại đặc biệt là khả năng Dự luật áp dụng cho các mô hình AI nguồn mở. Nhiều lãnh đạo công nghệ tin rằng mô hình nguồn mở đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra ứng dụng AI ít rủi ro hơn một cách nhanh chóng, nhưng Meta và nhiều đại gia khác lo ngại rằng doanh nghiệp có thể phải chịu trách nhiệm giám sát các mô hình nguồn mở nếu Dự luật được thông qua. Ông Wiener tuyên bố ủng hộ các mô hình nguồn mở và một trong những sửa đổi gần đây đối với Dự luật đã tập trung nâng cao tiêu chuẩn bảo vệ các mô hình nguồn mở theo điều khoản nhất định.
Dự luật cũng thu hút một số người ủng hộ trong lĩnh vực công nghệ. Ông Geoffrey Hinton, được công chúng coi là "cha đỡ đầu của AI", cựu nhân viên OpenAI Daniel Kokotajlo và nhà nghiên cứu Yoshua Bengio đã lên tiếng ủng hộ Dự luật này.