Công nghệ drone có thể “hại nhiều hơn lợi” với nền kinh tế Đông Nam Á
Tiềm năng ứng dụng drone ở nhiều ngành công nghiệp, lĩnh vực là rất lớn. Tuy nhiên, máy bay không người lái được cho là đang mang đến nhiều tác hại hơn lợi ích đối với nền kinh tế Đông Nam Á…
Drone - hay còn gọi là Máy bay không người lái (UAV) đã trải qua nhiều cuộc cách mạng đáng chú ý kể từ những ứng dụng quân sự đầu tiên. Từ cồng kềnh và tốn kém, hiện nay thiết bị được tối ưu về kích thước, pin và hệ thống điều khiển, theo Tech Collective Asia.
Đông Nam Á, với các quốc gia như Singapore và Malaysia đi đầu về công nghệ, trở thành điểm nóng trong việc sử dụng máy bay không người lái. Ngành nông nghiệp trọng điểm của ASEAN và nhu cầu ứng phó thiên tai ở mọi địa hình cũng thúc đẩy sự tăng trưởng của drone. Tốc độ bùng nổ công nghệ không chỉ mang lại lợi ích kinh tế như tăng trưởng GDP, tạo việc làm mà còn tăng sức mạnh công nghệ trong khu vực.
Tuy nhiên, cân bằng giữa việc sử dụng có trách nhiệm và tiến bộ công nghệ rất quan trọng đối với nền kinh tế Đông Nam Á để tận dụng tối đa lợi ích của máy bay không người lái.
MÁY BAY KHÔNG NGƯỜI LÁI MANG LẠI LỢI ÍCH GÌ CHO ĐÔNG NAM Á?
ASEAN đang trải qua cuộc cách mạng máy bay không người lái, tác động đáng kể đến nền kinh tế. Trong nông nghiệp, lĩnh vực quan trọng đối với nhiều quốc gia, máy bay không người lái ngày càng trở nên phổ biến bởi sự hiệu quả, hạn chế lãng phí nước và tiết kiệm lao động.
Nông nghiệp hiện là ngành sử dụng máy bay không người lái nhiều thứ hai chỉ sau xây dựng, với thị trường dự kiến tăng từ 1,3 tỷ USD lên 5,7 tỷ USD vào năm 2026. Tốc độ tăng trưởng kinh tế này không chỉ là lý thuyết mà đang diễn ra trên thực tế. Chẳng hạn, công ty khởi nghiệp Aonic của Malaysia, cung cấp giải pháp máy bay không người lái toàn diện, đang áp dụng rộng rãi giúp tối đa hóa năng suất canh tác.
Trong khi ở Makassar, Indonesia, máy bay không người lái được sử dụng để vận chuyển thuốc cho bệnh nhân trong đại dịch COVID-19, khẳng định giá trị to lớn trong lĩnh vực logistics (hậu cần). Bằng cách bỏ qua tuyến đường thông thường, drone giảm thời gian giao hàng và đảm bảo vật tư y tế quan trọng đến tay bệnh nhân mà không bị chậm trễ.
Quản lý thiên tai, mối quan tâm thường trực ở Đông Nam Á do bão và động đất thường xuyên xảy ra, cũng hưởng lợi từ drone. Công nghệ tiên tiến này cách mạng hóa nỗ lực ứng phó thảm họa bằng cách hỗ trợ xác định vị trí nạn nhân, đánh giá mức độ thiệt hại và lập bản đồ vùng lũ mà không gây nguy hiểm cho con người. Một số quốc gia như Philippines đã sử dụng drone để lập bản đồ và đánh giá thảm họa khi ứng phó với bão, thể hiện vai trò quan trọng trong việc điều phối nỗ lực cứu trợ.
THÁCH THỨC KHI ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ MÁY BAY KHÔNG NGƯỜI LÁI
Bên cạnh những lợi ích to lớn, việc tích hợp công nghệ đặt ra nhiều thách thức trong quản lý không phận, tác động đến ngành hàng không truyền thống và thay thế con người trong nhiều lĩnh vực công nghiệp khác nhau.
Đặc biệt, khả năng thay thế con người là mối lo ngại đáng kể. Trong nông nghiệp, hậu cần, bảo trì, máy bay không người lái có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ và thay thế công nhân.
Bên cạnh đó, quyền riêng tư cũng là vấn đề tối quan trọng. Máy bay không người lái thường có độ phân giải camera cao, cho phép thiết bị xâm nhập và giám sát cá nhân, cộng đồng. Các khu dân cư có thể bị ảnh hưởng tiêu cực từ việc giám sát bằng drone, vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư.
Ở Malaysia, một thiếu niên 14 tuổi và một người đàn ông 55 tuổi bị bắt vì điều khiển drone gần trung tâm đề cử bầu cử cấp bang, vi phạm quy định địa phương và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Những thách thức này không phải là không thể vượt qua nhưng đòi hỏi sự cân nhắc, lập kế hoạch và chính sách quy định cụ thể.
Theo nghiên cứu của Liên minh An toàn Hệ thống UAS, drone gây thiệt hại cho máy bay truyền thống lớn hơn chim do vật liệu kim loại, pin lithium cứng và đặc hơn.
Sử dụng drone trái phép gây nhiều tác hại đáng kể, chẳng hạn như chậm trễ chuyến bay tại Sân bay Changi vào tháng 6/2019, ảnh hưởng đến 25 chuyến bay của một số hãng hàng không Singapore Airlines, Garuda và AirAsia.
CHIẾN LƯỢC TỐI ĐA HÓA LỢI ÍCH KINH TẾ
Khu vực Đông Nam Á cần tiếp cận theo hướng đa phương bao gồm chính sách và giáo dục để tối ưu hóa lợi ích kinh tế mà đồng thời vẫn kiểm soát chặt chẽ rủi ro tiềm ẩn. Chính sách quy định rõ ràng, toàn diện là rất quan trọng, phải giải quyết vấn đề quyền riêng tư bằng cách xác định khu vực được phép bay và hoạt động thu thập dữ liệu. Quy định là cần thiết để đảm bảo công nghệ sử dụng an toàn và có trách nhiệm.
Hơn nữa, giáo dục đóng một vai trò quan trọng. Nâng cao nhận thức công chúng có thể giải quyết vấn đề quyền riêng tư và thúc đẩy việc sử dụng có trách nhiệm. Các chiến dịch giáo dục công chúng tôn trọng vùng cấm bay và sử dụng drone có đạo đức, nuôi dưỡng văn hóa tôn trọng giữa người dùng và cộng đồng.
Chương trình đào tạo người vận hành drone cũng quan trọng không kém. Người điều khiển cần có kỹ năng vận hành máy bay an toàn, tuân thủ quy định không phận phức tạp. Chương trình đào tạo cần xây dựng bài bản, đầy đủ từ kỹ năng bay, kỹ thuật nâng cao cho đến tuân thủ quy định.
Việc tích hợp công nghệ máy bay không người lái ở Đông Nam Á đi kèm tiềm năng to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế. Các quốc gia ASEAN có thể tối đa hóa lợi ích kinh tế bằng cách áp dụng cách tiếp cận toàn diện với khuôn khổ pháp lý rõ ràng, giáo dục rộng rãi và cải tiến công nghệ không ngừng.