Đề xuất tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng
Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được đề xuất tăng từ 1.624.000 đồng lên thành 2.055.000 đồng (tăng 26,54%)...
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 thì mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị là 2.000.000 đồng/người/tháng.
Trên cơ sở đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất 2 phương án điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
Phương án 1: Điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 1.624.000 đồng lên thành 2.055.000 đồng (cao hơn mức chuẩn nghèo thành thị 55.000 đồng, tương ứng với tỷ lệ tăng là 26,54%).
Phương án 2: Điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 1.624.000 đồng lên thành 2.111.000 đồng (cao hơn mức chuẩn nghèo thành thị 111.000 đồng, tương ứng với tỷ lệ tăng là 29,99%).
Quá trình soạn thảo Nghị định, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương đề nghị tăng mức chuẩn và các chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng với các ý kiến như sau: Có 2/23 Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 1/39 địa phương lựa chọn phương án 1 (mức chuẩn bằng 2.055.000 đồng). Trong đó có ý kiến của Bộ Tài chính trên cơ sở tính toán khả năng cân đối ngân sách nhà nước.
Có 8/23 Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 35/39 địa phương lựa chọn phương án 2 (mức chuẩn bằng 2.111.000 đồng). Có 13/23 Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 3/39 địa phương không lựa chọn cụ thể phương án nào.
Mặc dù quá trình soạn thảo, đa số ý kiến đề xuất lựa chọn thực hiện theo phương án 2, tuy nhiên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo phương án 1, tức là điều chỉnh tăng từ 1.624.000 đồng lên thành 2.055.000 đồng (tăng 26,54%). Bộ Tài chính cũng thống nhất lựa chọn theo phương án này.
Như vậy, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được đề xuất tăng từ 1.624.000 đồng lên thành 2.055.000 đồng (tăng 26,54%) và được thực hiện kể từ ngày 1/7/2023.
Theo phương án nâng mức chuẩn lên 2.055.000 đồng thì kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng năm 2023 là 32.223 tỷ đồng, tăng thêm 2.728 tỷ đồng.
Về chế độ điều dưỡng trong năm 2023 được thực hiện theo 2 mức chuẩn: 6 tháng đầu năm 2023 thực hiện theo mức chuẩn 1.624.000 đồng, 6 tháng cuối năm 2023 thực hiện theo mức chuẩn 2.055.000 đồng.
Như vậy, số tiền hưởng chế độ điều dưỡng của những đối tượng thuộc danh sách hưởng chế độ điều dưỡng 6 tháng đầu năm 2023 thấp hơn số tiền hưởng chế độ điều dưỡng của những đối tượng thuộc danh sách hưởng chế độ điều dưỡng 6 tháng cuối năm 2023.
Do đó, để đảm bảo các đối tượng hưởng chế độ điều dưỡng trong năm 2023 được thực hiện thống nhất cùng một mức chi tính theo mức chuẩn 1.624.000 đồng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất thời điểm điều chỉnh tăng mức chi chế độ điều dưỡng theo mức chuẩn kể từ ngày 1/1/2024.
Năm 2024, với cơ cấu điều dưỡng tập trung là 20% tổng số đối tượng hưởng chế độ điều dưỡng trong năm thì khoản kinh phí đảm bảo chế độ điều dưỡng với mức chuẩn 2.055.000 đồng là 1.113,7 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 233,7 tỷ đồng so với năm 2023.
Đối với mức quà tặng của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Lãnh đạo Bộ, cơ quan trung ương đối với gia đình và cá nhân theo quy định hiện hành như sau: tiền mặt 500.000 đồng/gia đình hoặc cá nhân và hiện vật trị giá 150.000 đồng/gia đình hoặc cá nhân.
Đến nay, mức quà tặng trên là quá thấp, vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi các mức quà tặng trên như sau: quà tặng tiền mặt là 1.000.000 đồng/gia đình hoặc cá nhân và hiện vật trị giá 250.000 đồng/gia đình hoặc cá nhân.
Nội dung này được thực hiện vào các dịp lễ, Tết theo chương trình công tác của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Lãnh đạo Bộ, cơ quan Trung ương, và thuộc nội dung chi công việc được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Qua thực tế thực hiện hàng năm, khoản kinh phí thực hiện thăm hỏi, tặng quà từ nguồn ngân sách trung quyết toán tối đa không quá 1 tỷ đồng/năm. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tính toán, với mức quà tặng cá nhân theo đề xuất trên thì khoản kinh phí tăng thêm tối đa không quá 1 tỷ đồng/năm. Khoản kinh phí phát sinh không tác động lớn đến nguồn ngân sách nhà nước cần phải đảm bảo.
Như vậy, với thời điểm thực hiện như trên và mức chuẩn là 2.055.000 đồng thì tổng nhu cầu kinh phí đảm bảo cho các chế độ là 33.336,7 tỷ đồng.