Hà Nội đang có kế hoạch riêng về chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp công nghệ số
Hiện nay, Thành phố đang tập trung triển khai nhiều giải pháp trọng điểm, trong đó nổi bật là thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và các mô hình kinh tế mới...
Ngày 6/11, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) đã tổ chức khai mạc Triển lãm kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm công nghệ số thành phố Hà Nội năm 2024.
Triển lãm là một trong những nội dung thuộc Chương trình Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Kết nối cùng Phát triển "Link to Grow" - Hà Nội và các tỉnh thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng với chủ đề công nghệ số, công nghệ cao và các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp điện tử, hệ sinh thái liên quan (Hanoi DigiTech 2024) diễn ra từ ngày 06/11 đến ngày 08/11/2024 tại Bảo tàng Hà Nội.
HÌNH THÀNH 10.000 DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ SỐ VÀ 10 NHÓM SẢN PHẨM CÔNG NGHỆ SỐ CHỦ LỰC
Ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc HPA, cho biết Hà Nội có riêng một kế hoạch cho nội dung về chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp công nghệ số trong thời gian tới. Trong đó, Thành phố đặt mục tiêu hình thành 10.000 doanh nghiệp công nghệ số và 10 nhóm sản phẩm công nghệ số chủ lực. Đây là nền tảng để thành phố Hà Nội phát triển vượt bậc và đạt được mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới; đồng thời tiếp tục thể hiện vai trò đầu tàu của mình trong việc phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin cũng như công nghệ số.
Trong khuôn khổ triển lãm, hội nghị Hanoi Digitech 2024 với chủ đề “Công nghệ số thúc đẩy tăng trưởng kép, phát triển bền vững” đã diễn ra. Theo ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc HPA, Thủ đô Hà Nội, với vị trí chiến lược và vai trò là trung tâm của cả nước, có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực đầu tư vào công nghệ số và công nghệ cao.
“Hiện nay, Thành phố đang tập trung triển khai nhiều giải pháp trọng điểm, trong đó nổi bật là thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và các mô hình kinh tế mới nhằm phục vụ đa dạng ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh. Thành phố cũng chỉ đạo xây dựng các cơ chế, chính sách để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng vào nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ”, Phó Giám đốc HPA cho biết.
Theo Phó Giám đốc HPA, trong hai tháng cuối năm, Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách về tín dụng, thuế, đất đai, xúc tiến đầu tư và kết nối. Những hỗ trợ này sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn với chuyển đổi số và phát triển bền vững.
GẦN 30% DOANH NGHIỆP VẪN CHƯA BẮT ĐẦU THỰC HIỆN BẤT KỲ DỰ ÁN CHUYỂN ĐỔI SỐ NÀO
Ngoài ra, tại Hội nghị Hanoi Digitech 2024, các đại biểu cũng đã có nhiều tham luận, trao đổi về các nội dung chính như cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam khi tham gia thị trường quốc tế; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số; Phát triển nguồn nhân lực trong quá trình chuyển đổi số; Vai trò của các doanh nghiệp công nghệ số.
Đây là cơ hội không chỉ các cơ quan, doanh nghiệp mà còn để các nhà tri thức có cơ hội trao đổi, chia sẻ, để chúng ta có kiến thức tốt nhất về chuyển đổi số. PGS.TS Nguyễn Hoài Sơn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác phát triển, Trường Đại học Công nghệ-Đại học Quốc gia, cho biết chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong giáo dục đại học Việt Nam hiện nay. Để các trường có thể nâng cao thứ hạng trong nước và quốc tế, cải thiện chất lượng giáo dục, đào tạo và quản lý, cũng như thu hút người học, việc tiến hành chuyển đổi số là điều cần thiết.
"Đây là giải pháp nhằm đáp ứng các yêu cầu mới trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng sáng tạo và tiếp thu nhanh chóng những tiến bộ về khoa học và công nghệ trên thế giới, góp phần vào công cuộc phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay", PGS.TS Nguyễn Hoài Sơn nói.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Hoài Sơn cũng cho rằng quá trình chuyển đổi số thường gặp phải nhiều thách thức. Một trong những vấn đề nan giải là thiếu kinh phí đầu tư. Các trường thường gặp khó khăn trong việc huy động nguồn lực tài chính để nâng cấp cơ sở hạ tầng và phần mềm. Ngoài ra, hệ thống phần mềm hiện tại có thể bị phân tán, thiếu khả năng kết nối, gây cản trở quá trình chuyển đổi.
Một thách thức khác là sự kháng cự thay đổi từ con người. Cụ thể là các giáo viên và cán bộ có thể gặp khó khăn khi chuyển đổi sang môi trường làm việc số. Bên cạnh đó, vấn đề bảo mật và an toàn thông tin cũng là một rào cản lớn. Việc bảo vệ dữ liệu cá nhân và đảm bảo an toàn cho hệ thống trong môi trường số luôn là một ưu tiên hàng đầu.
Chia sẻ về những giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp số, bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc Chiến lược Viettel Logistic cho hay, hiện nay có khoảng 40% các doanh nghiệp đã thực hiện và đạt được những kết quả tích cực từ các dự án chuyển đổi số. Họ nhận thức rõ ràng rằng công việc của mình cần phải ứng dụng chuyển đổi số, bởi khối lượng công việc quá lớn và các luồng công việc ngày càng phức tạp, và chuyển đổi trở thành một yêu cầu bắt buộc.
Ngoài ra, các doanh nghiệp này cũng nhận thấy rằng, càng áp dụng chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ càng thu được nhiều lợi nhuận, lợi ích và giá trị lớn hơn. Trong khi đó, khoảng 40% các dự án hiện đang trong quá trình triển khai, và gần 30% doanh nghiệp vẫn chưa bắt đầu thực hiện bất kỳ dự án chuyển đổi số nào.
“Thực tế, các doanh nghiệp đã nhận thức rõ về tầm quan trọng của chuyển đổi số. Tuy nhiên, điều quan trọng là họ cần đánh giá tính phù hợp của quá trình này đối với đặc thù và điều kiện thực tế của chính mình. Nếu như về tài chính, doanh nghiệp chưa đủ nguồn lực, quy trình chưa hoàn thiện, hoặc đội ngũ nhân sự chưa đủ mạnh, thì việc áp dụng chuyển đổi số có thể chưa phù hợp hoặc doanh nghiệp chưa sẵn sàng thực hiện”, bà Cao Cẩm Linh nói.
“Mặc dù các doanh nghiệp đã hiểu rõ về giá trị và tầm quan trọng của chuyển đổi số, song liệu họ có thể thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố thực tế”. Bà Linh cho rằng những điều này cần được xem xét từ góc độ của các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị xây dựng chính sách, để từ đó có thể có những điều chỉnh, hỗ trợ thích hợp.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng để chuyển đổi số thành công, về phía mình các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư vào công nghệ và hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực công nghệ số. Tuy nhiên, về phía cơ quan nhà nước, cần xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như ưu đãi thuế và chính sách tài chính, đơn giản hóa quy trình phê duyệt dự án công nghệ như môi trường pháp lý linh hoạt, rút ngắn thời gian, giảm chi phí…