Intel và bài toán giành lại vị thế công nghệ
Con đường tìm lại hào quang của Intel sẽ không hề dễ dàng khi các đối thủ trong ngành đã có nhiều tiến bộ, khi rủi ro thuế quan đang ngày càng dâng cao…

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc – mối đe dọa lớn đối với nguồn doanh thu của Intel tại thị trường lớn nhất của hãng là Bắc Kinh – lại đang trở thành một động lực bất ngờ.
Căng thẳng liên tục leo thang đã giúp gia tăng nhu cầu đối với các dòng chip máy tính cá nhân và máy chủ đời cũ của nhà sản xuất chip đang gặp khó này, Reuters dẫn lời các lãnh đạo Intel cho biết.
Nguyên nhân là bởi, triển vọng kinh tế xấu đi và nguy cơ giá cả tăng cao do các mức thuế quan diện rộng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng trên toàn cầu cùng các đòn trả đũa từ Trung Quốc đang khiến khách hàng quay lại lựa chọn các dòng chip cũ, có giá rẻ hơn.
DẤU HIỆU TÍCH CỰC QUAY TRỞ LẠI
“Chúng tôi nhận thấy nhu cầu mạnh mẽ của khách hàng đối với dòng chip cũ và cả nhu cầu đối với mảng trung tâm dữ liệu”, bà Michelle Johnston Holthaus, phó chủ tịch điều hành của Intel, cho biết trong cuộc họp sau khi Intel công bố kết quả kinh doanh.
“Những lo ngại về kinh tế vĩ mô và các mức thuế quan khiến mọi người đều phải phòng ngừa rủi ro”, bà nói thêm. Doanh thu quý I của Intel đã dễ dành vượt qua kỳ vọng của Phố Wall nhờ việc khách hàng tranh thủ tích trữ chip trước nguy cơ thuế quan tăng mạnh.
Dù hiện tại chip chưa nằm trong danh mục bị Mỹ áp thuế, nhưng mức thuế trả đũa của Trung Quốc với hàng nhập khẩu từ Mỹ có thể trở thành đòn tấn công lớn với Intel.
Giám đốc tài chính của Intel, ông David Zinsner, đã lên tiếng cảnh báo về những rủi ro kinh tế vĩ mô phát sinh từ căng thẳng thương mại.
“Chính sách thương mại liên tục thay đổi tại Mỹ và nhiều nơi khác, cùng với các rủi ro từ quy định, đã làm tăng nguy cơ kinh tế suy giảm, với xác suất xảy ra suy thoái ngày một lớn hơn”, ông Zinsner nhận định. “Chúng ta chắc chắn sẽ chứng kiến chi phí tăng lên”.
Việc thuế quan bị đẩy cao có thể cản trở đà phục hồi của thị trường máy tính trong phần còn lại của năm. Điều có khả năng gây tổn thất cho Intel khi hãng đang kỳ vọng vào các tính năng AI tích hợp sẵn trên thiết bị và vòng đời hệ điều hành Windows mới của Microsoft có thể vực dậy nhu cầu tại thị trường quan trọng nhất, theo nhận định từ các nhà đầu tư và phân tích.
“Việc nhu cầu đối với chip đời cũ tăng vọt chính là một tín hiệu kinh tế vĩ mô rõ ràng”, ông Michael Ashley Schulman, Giám đốc đầu tư của Running Point Capital, nhận xét. “Trong bối cảnh kinh tế bất ổn, thứ ‘đủ dùng’ lại có giá trị hơn những công nghệ đắt đỏ nhất”.
TRIỂN VỌNG DÀI HẠN VẪN LÀ BÀI TOÁN KHÓ
Từ một hãng sản xuất chip có vốn hóa thị trường lên tới 500 tỷ USD vào năm 2000, giờ đây, giá trị của Intel chỉ còn chưa đầy 1/5 với khoảng 90 tỷ USD.
Lịch sử của Intel đã chứng minh những nhà lãnh đạo xuất sắc, từ vị CEO đầu tiên Robert Noyce – người phát minh ra con chip silicon đến ông Gordon Moore đã ghi dấu lịch sử công nghệ với dự đoán nổi tiếng về sức mạnh xử lý của chip hay như ông Andy Grove – người biến Intel thành thế lực thống trị ngành bán dẫn.
Giờ đây, bối cảnh thiếu gam sáng của Intel lại đang xuất hiện người đàn ông có thể mang đến hy vọng – tân Tổng giám đốc điều hành Lip-Bu Tan. Ông là người thành lập Walden International – một trong những quỹ đầu tiên rót vốn vào ngành công nghiệp chip mới nổi tại châu Á, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và Đài Loan, theo thông tin từ tờ Economist.
Ông còn là nhà đầu tư và người giữ ghế hội đồng quản trị tại nhà máy đúc chip lớn nhất Trung Quốc Công ty Sản xuất bán dẫn quốc tế (SMIC) cho đến khi nhà máy chịu lệnh trừng phạt từ Mỹ vào năm 2018.
Sau đó, chính người đàn ông này đã góp phần lớn trong việc cứu Cadence Design Systems thoát hiểm. Đây là một công ty phần mềm thiết kế chip từng lao đao vì biến động lãnh đạo và sản phẩm yếu kém. Theo Economist, các nhà đầu tư và hàng trăm ngàn nhân viên của Intel kỳ vọng ông Tan có thể tái lập kỳ tích này.

Intel đã bỏ lỡ bước chuyển sang chip trí tuệ nhân tạo, để vuột mất thị phần chip chuyên dụng vào tay Nvidia và vị trí dẫn đầu về sản xuất chip tiên tiến vào tay TSMC.
Thế nhưng, con đường quay trở lại chẳng hề dễ dàng khi Intel đã tụt lại quá xa so với các đối thủ. Dữ liệu từ Economist cho thấy, TSMC hiện có giá trị gấp khoảng tám lần Intel còn Nvidia gấp tới 30 lần.
Không chỉ vậy, các mức thuế quan lại tạo thêm một biến số bất lợi mới. Chính các lãnh đạo Intel cũng phải thừa nhận rằng, thuế quan có thể làm thu hẹp quy mô các thị trường mà hãng đang tham gia, trong đó mảng trung tâm dữ liệu – lĩnh vực tăng trưởng nhanh hơn – sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với mảng chip máy tính, tờ Financial Times dẫn lời.
Ít nhất thì ông Lip-Bu Tan cũng không đơn độc trên con đường này khi Boeing mới đây cũng báo cáo khoản lỗ đã được thu hẹp dưới sự dẫn dắt của CEO mới Kelly Ortberg – người cũng kế nhiệm một thương hiệu đầy bê bối, gánh nợ và liên tục gặp sự cố.
Một cái tên khác cũng chịu bối cảnh tương tự là ông Larry Culp, Giám đốc điều hành của General Electric (GE) – người đã giúp giá trị tài sản của cổ đông tăng hơn gấp ba lần kể từ khi tiếp quản một “đống hỗn độn” kém hiệu quả và ngập nợ vào năm 2018.
Dù vậy, học hỏi theo kinh nghiệm của GE có lẽ là khó có thể thành hiện thực với Intel. Trong khi ông Culp nhận được khoản thanh toán lên tới hơn 230 triệu USD nhờ chính sách gia hạn hợp đồng và các cam kết, khoản tiền của ông Tan lại chỉ dừng ở mức 66 triệu USD.
Quan trọng hơn, ông Culp đã mạnh tay chia tách GE để cứu công ty. Trong khi đó, lãnh đạo Intel mới chỉ bán 4,5 tỷ USD cổ phần tại mảng chip lập trình và dường như vẫn có ý định giữ nguyên hai mảng sản xuất chip và phát triển sản phẩm của Intel như một khối thống nhất, ít nhất cho tới khi cả hai có thể cân bằng trở lại.
Ông Culp cũng nhận được những thuận lợi mà ông Tan nhiều khả năng sẽ không có. Mảng hàng không vũ trụ của GE được hưởng lợi từ sự phục hồi của ngành hàng không sau Covid-19, còn lĩnh vực tua-bin điện tăng trưởng mạnh nhờ làn sóng tiêu thụ năng lượng do AI thúc đẩy.
Ngược lại, CEO Intel lại đang ở giai đoạn khởi đầu của một cuộc chiến thương mại và nguy cơ suy thoái kinh tế. Đợt bùng nổ AI thì đã qua thời sơ khai trong khi Intel thì vẫn ở lại phía sau, báo hiệu chặng đường dài trắc trở nếu Intel muốn tìm lại vị trí như trước đây.