Một thành phố Trung Quốc đặt mục tiêu chinh phục đỉnh cao hàng không vũ trụ
Hợp Phì không ngại đầu tư mạnh vào công nghệ, sẵn sàng chinh phục giới hạn tiếp theo của ngành hàng không vũ trụ…
Vào tháng 4/2008, cuộc họp quan trọng do một Giám đốc độc lập từ BOE Technology chủ trì đã mở ra giai đoạn hợp tác mang tính bước ngoặt giữa công ty và thành phố Hợp Phì, thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc. Thời điểm đó, BOE đang xem xét thành lập dây chuyền sản xuất LCD thế hệ thứ sáu ở Thâm Quyến. Tuy nhiên, lời đề nghị hấp dẫn của Hợp Phì, bao gồm phần bất động sản dành riêng cho công ty và khoản đầu tư đáng kể trị giá 6 tỷ RMB (828,6 triệu USD), đã khiến BOE “quay xe” lựa chọn thành phố này là địa điểm thực hiện dự án, theo KrASIA.
TẦM NHÌN ĐẦY THAM VỌNG
Mức độ cam kết mà Hợp Phì thể hiện trong việc đảm bảo dự án với BOE thật đáng ngạc nhiên, thậm chí thành phố sẵn sàng tạm dừng một dự án tàu điện ngầm để phân bổ đủ vốn cho sáng kiến LCD. Dòng thế hệ thứ sáu, cùng với các dòng thế hệ thứ tám và thứ mười tiếp theo, đã lấp đầy chuỗi cung ứng quan trọng đối với màn hình LCD trong ngành thiết bị gia dụng tại Hợp Phì. Cách tiếp cận của chính quyền Hợp Phì khi thực hiện mục tiêu phát triển ngành công nghiệp rất đơn giản: xác định lĩnh vực chính, tăng cường, mở rộng và củng cố chuỗi cung ứng từ đó hình thành các cụm công nghiệp mạnh mẽ. Phương pháp được áp dụng rộng rãi, bao gồm cả khoản đầu tư 7 tỷ RMB (966,7 triệu USD) vào Nio năm 2020.
Ngày nay, hầu hết thiết bị gia dụng do Hợp Phì sản xuất, bao gồm máy giặt, điều hòa không khí, tủ lạnh và tivi, liên tục đứng đầu về sản lượng toàn quốc và mở rộng ra thị trường quốc tế. Trong khi giới truyền thông và công chúng ca tụng thành tựu trên thì Hợp Phì đã đặt mục tiêu chinh phục lĩnh vực tiếp theo: hàng không vũ trụ.
THU HẸP KHOẢNG CÁCH VỚI NHỮNG ĐỐI THỦ HÀNG ĐẦU
Chiến lược tăng cường, mở rộng và củng cố chuỗi cung ứng của Hợp Phì không phải quyết định ngẫu nhiên mà là hệ quả thiết yếu do tính chất ngày càng phân tán của bối cảnh phát triển công nghiệp.
Vào tháng 5 vừa qua, công ty Monks có trụ sở tại Hợp Phì đã nhận được khoản tài trợ Series A trị giá 8 con số RMB từ một số quỹ đầu tư được chính quyền thành phố hậu thuẫn. Monks là một trong hai công ty tư nhân duy nhất tại Trung Quốc có khả năng phát triển, thiết kế và sản xuất các bộ phận tên lửa tích hợp.
Thân tên lửa, lớp vỏ nhẵn bên ngoài thiết bị, phục vụ chức năng quan trọng như bảo vệ động cơ, giảm lực cản khí quyển và đảm bảo tách biệt an toàn vệ tinh. Quá trình sản xuất bộ phận gặp rất nhiều khó khăn chủ yếu do điều kiện khắc nghiệt, chẳng hạn như ma sát khí quyển, nhiệt độ thấp và môi trường chân không.
Lớp vỏ ban đầu thường được làm từ hợp kim nhôm, mặc dù có độ bền và khả năng chịu nhiệt nhưng gây cản trở liên lạc. Do đó, hầu hết thân tên lửa hiện đại sử dụng vật liệu composite như sợi gốc nhựa và sợi carbon, nhẹ hơn, mang lại khả năng truyền sóng tốt hơn. Monks sử dụng công nghệ sợi làm từ nhựa nhằm mục đích giảm trọng lượng kết cấu và chi phí phóng vệ tinh.
Trên toàn cầu, Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc dẫn đầu về công nghệ tạo lớp vỏ tên lửa. Ví dụ, SpaceX đã phát triển sản phẩm tấm chắn nhẹ, có thể tái sử dụng, giúp cắt giảm đáng kể chi phí phóng, trong khi tên lửa Tianlong-3 sử dụng nhiên liệu lỏng của Trung Quốc sở hữu tấm chắn hoàn toàn bằng sợi carbon tổng hợp. Khoản đầu tư của Hợp Phì vào Monks thể hiện quyết tâm đặt cược vào công nghệ hàng không vũ trụ giai đoạn mới.
VƯƠN TỚI CÁC VÌ SAO
Vào ngày 12/9/2008, khi BOE chính thức đặt bút ký thỏa thuận với Hợp Phì, Thâm Quyến đã nỗ lực vào phút cuối nhằm đưa ra ưu đãi hấp dẫn tương tự. Kế hoạch của Thâm Quyến không thành công nhưng đánh dấu cột mốc quan trọng trong cuộc cạnh tranh dự án chất lượng cao giữa các thành phố Trung Quốc.
“Cuộc đua dự án” ngày càng trở nên khốc liệt, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp tiên tiến. Không nằm ngoài cuộc chơi, nhiều thành phố bắt đầu có ý định gia tăng đầu tư vào ngành hàng không vũ trụ.
Theo dự thảo kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy phát triển ngành hàng không vũ trụ chất lượng cao, tỉnh An Huy đặt mục tiêu sản xuất 100 tên lửa, động cơ thương mại, vệ tinh thương mại và máy bay thông thường vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu, các thành phố như Hợp Phì phải đẩy nhanh sự tham gia của nhóm công ty tư nhân trong chuỗi ngành. Một trong số động thái đáng chú ý bao gồm việc thành lập trụ sở chính của Jugong Technology tại Khu Phát triển Công nghiệp Công nghệ cao Quốc gia Hợp Phì nhằm phát triển thiết bị động cơ tên lửa lỏng vào tháng 1/2024.
Ngoài thiết kế và sản xuất tên lửa, Hợp Phì còn đánh dấu bước tiến đáng kể trong nỗ lực phóng vệ tinh, sản xuất thiết bị mặt đất, dịch vụ vận hành vệ tinh và ứng dụng dữ liệu. Kể từ khi toàn tỉnh An Huy triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng không vũ trụ vào năm 2021, Khu Phát triển Công nghiệp Công nghệ cao Quốc gia Hợp Phì đã thu hút hơn 110 doanh nghiệp, 11 viện nghiên cứu cũng như 43 dự án trọng điểm với tổng vốn đầu tư tích lũy đạt 28,6 tỷ RMB (3,95 tỷ USD).
Các biện pháp chủ động của Hợp Phì khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành chú ý. Một quản lý cấp cao tại công ty thiết kế phần mềm chia sẻ với 36Kr rằng ông biết về chiến lược chú trọng mạnh mẽ của Hợp Phì vào ngành hàng không vũ trụ thông qua tương tác với khách hàng và nhà đầu tư. Công ty của ông đặt mục tiêu phục vụ tệp khách hàng cao cấp như các tổ chức thiết kế tên lửa và tích hợp vào chuỗi cung ứng thông tin hàng không vũ trụ.
Bước phát triển tượng trưng cho tầm nhìn đầy tham vọng của Hợp Phì. Với khoản đầu tư vào một số công ty như Monks và sự vào cuộc của các doanh nghiệp hàng đầu như Leitu Tech, Piesat, Guodian Gaoke và Beihang UAS, thành phố đang dần xây dựng hệ sinh thái toàn diện, đặt nền tảng vững chắc cho quá trình phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ hàng không vũ trụ.