Phát triển bền vững ngành hàng sắn, hướng đến mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD vào năm 2030

Chương Phượng
Chia sẻ

Ngành hàng sắn đề ra mục tiêu đến năm 2030, diện tích trồng sắn được duy trì từ 480.000 – 510.000 ha; sản lượng sắn tươi cả nước đạt khoảng 11,5 - 12,5 triệu tấn/năm; kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8 - 2,0 tỷ USD/năm…

Việt Nam hiện là nước xuất khẩu sắn đứng thứ 2 trên thế giới.
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu sắn đứng thứ 2 trên thế giới.

Ngày 27/6/2024, tại Tây Ninh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị: "Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".

KHỐNG CHẾ BỆNH KHẢM LÁ SẮN

Thông tin tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết vai trò của cây sắn (khoai mì) đã chuyển đổi nhanh chóng từ chỗ là cây lương thực, cây xóa đói giảm nghèo thành cây làm giàu, cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, nhiên liệu sinh học. 

Hiện cả nước có trên 40 tỉnh, thành trồng sắn, tập trung ở 5 vùng trọng điểm chính, gồm: Trung du miền núi phía Bắc; Bắc Trung bộ; Duyên hải Nam Trung bộ; Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Diện tích sắn cả nước năm 2023 là 511.000 ha, giảm khoảng 60.000 ha so với năm 2015.

Tính đến thời điểm này, năng suất sắn bình quân cả nước đạt từ 19-20 tấn/ha, tổng sản lượng đạt trên 10 triệu tấn củ tươi. Về chế biến, hiện cả nước có khoảng trên 140 nhà máy chế biến tinh bột sắn, với tổng công suất thiết kế 13,4 triệu tấn củ tươi/năm, tổng công suất thực tế 9,3 triệu tấn/năm.

 

"Tinh bột sắn và sắn lát đã trở thành một trong 7 mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu sắn đứng thứ 2 trên thế giới sau Thái Lan, trong 5 năm gần đây đều đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD".

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt.

Ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho hay diện tích sản xuất sắn của tỉnh Tây Ninh hiện nay trên 61.000 ha, chiếm 23% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh, sản lượng sắn hàng năm trên 2 triệu tấn. Năng suất bình quân đạt 33,2 tấn/ha, cao nhất cả nước.

"Để năng suất bình quân sắn đạt trên 33 tấn/ha và diện tích sắn nhiễm bệnh khảm lá giảm mạnh, tỉnh đã tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT), Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc khảo nghiệm các giống sắn có khả năng kháng bệnh khảm lá đề đưa vào sản xuất", ông Chiến thông tin thêm.

Tính đến nay, diện tích trồng giống kháng khảm lá sắn tại tỉnh Tây Ninh đạt trên 4.500 ha; trong đó giống HN1 trên 4.400 ha. Bên cạnh đó, hiện nay, người sản xuất sắn trên địa bản tỉnh đã chủ động tìm mua các loại giống sắn không bị nhiễm bệnh ở các tỉnh vùng, địa phương lân cận để sản xuất, đồng thời cũng đã tăng cường nhân nhanh các giống sắn kháng/chống chịu với bệnh khảm lá.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung (giữa) chủ trì hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung (giữa) chủ trì hội nghị.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết bệnh khảm lá sắn được phát hiện từ năm 2017 tại xã Tân Hà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh và lan rộng ra cả nước. Đỉnh điểm năm 2021, tổng diện tích nhiễm bệnh là 120.686ha (nhiễm nặng 30.035ha). Được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương trong việc phòng chống bệnh, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, thời gian qua, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật canh tác... được nghiên cứu và từng bước áp dụng vào sản xuất.

Nhiều giống sắn kháng bệnh khảm lá như HN3, HN5, HN36, HN97, HN80, HN1 đã được lưu hành và phát triển trong sản xuất. Kèm theo đó là các quy trình nhân giống sạch bệnh, quy trình phòng trừ bệnh khảm lá sắn, các quy trình canh tác sắn cũng đã được xây dựng, ứng dụng trong thực tế sản xuất.

“Hiện cả nước có khoảng 5.500ha diện tích sắn đã được nông dân trồng bằng giống kháng bệnh. Chủ yếu tập trung ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh, Đồng Nai… Nhờ vậy năm 2023, tổng diện tích nhiễm bệnh là 83.734ha, nhiễm nặng 20.956ha, giảm hơn 30% so với năm 2021”, ông Dương thông tin.

THỰC THI ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NGÀNH SẮN

Ngày 17/4/2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 1115/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo Đề án, mục tiêu đến năm 2030, diện tích trồng sắn được duy trì từ 480.000 – 510.000 ha, sản lượng sắn tươi cả nước đạt khoảng 11,5 - 12,5 triệu tấn/năm.

Trong đó, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính,...) chiếm khoảng 85%; diện tích trồng sắn sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40-50%; diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8 - 2,0 tỷ USD vào năm 2030.

Tầm nhìn đến năm 2050, ngành hàng sắn của Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, 70-80% diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính,...) chiếm trên 90%, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 2,3 - 2,5 tỷ USD.

 

"Quan điểm là không gia tăng diện tích trồng sắn mà tập trung vào cải thiện năng suất; đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ cây sắn; mở rộng thị trường xuất khẩu; tổ chức sản xuất bền vững”. 

Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Để phát triển bền vững ngành sắn trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung, cho rằng vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại cần giải quyết. Đó là, việc tổ chức sản xuất sắn còn chưa bền vững: khả năng sản xuất và phạm vi sử dụng giống kháng bệnh khảm lá còn thấp, kỹ thuật canh tác đã có nghiên cứu nhưng chưa chuyên sâu vào đặc thù của từng vùng sinh thái, từng điều kiện canh tác. Trong khi đó, liên kết sản xuất thiếu chặt chẽ, đầu tư hạ tầng đối với vùng nguyên liệu trồng sắn còn hạn chế, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất sắn còn thấp.

Thứ trưởng Hoàng Trung: "Ngành hàng sắn còn rất nhiều vấn đề tồn tại, cần giải quyết". 
Thứ trưởng Hoàng Trung: "Ngành hàng sắn còn rất nhiều vấn đề tồn tại, cần giải quyết". 

“Các chính sách khuyến khích phát triển ngành hàng sắn còn thiếu, nhiều địa phương chưa thực sự vào cuộc, vẫn chưa đưa cây sắn vào kế hoạch, nghị quyết phát triển của địa phương để làm tiền đề đầu tư, phát triển ngành hàng này. Thị trường xuất khẩu phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc, chưa mở rộng được ra các thị trường khác vốn cũng đang có nhiều lợi thế về ưu đãi thuế như thị trường EU…” Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị Cục Trồng trọt chủ trì rà soát, trình ban hành và hướng dẫn các địa phương ban hành các chính sách khuyến khích phát triển, đầu tư vào ngành hàng sắn. Hướng dẫn tổ chức sản xuất sắn hiệu quả, rà soát và ban hành các quy trình canh tác sắn theo đặc thù các vùng sinh thái, các quy trình sản xuất giống sắn sạch bệnh, kháng bệnh khám lá sắn.

Bên cạnh đó, Cục Trồng trọt phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế tổ chức buổi làm việc với Phái đoàn EU và tham tán một số nước EU để tìm kiếm cơ hội kết nối giao thương cho ngành hàng sắn.

Thứ trưởng Hoàng Trung cũng đề nghị Cục Bảo vệ thực vật thực hiện tốt việc dự tính dự báo và phòng trừ sinh vật gây hại trên cây sắn đặc biệt là bệnh khảm lá sắn. Đồng thời rà soát và đề xuất sửa đổi bổ sung quy trình phòng trừ bệnh khảm lá sắn cho phù hợp với tình hình thực tế sản xuất. Đồng thời, phối hợp với Cục Trồng trọt, các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xây dựng phương án nhân giống sạch bệnh, giống kháng bệnh.

Đối với các địa phương, Thứ trưởng Hoàng Trung yêu cầu chủ động tham mưu, bố trí nguồn lực để xây dựng các chương trình, dự án phát triển ngành hàng sắn phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của địa phương.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con