Tham vọng về thiết bị có thể nghe giọng nói từ sâu trong ảo giác vừa có một bước tiến lớn
Một thí nghiệm với tai nghe dẫn truyền qua xương đang giúp các nhà thần kinh học hiểu rõ hơn về một số ảo giác…

Đối với các nhà thần kinh học, nguồn gốc của ảo giác vẫn còn nhiều bí ẩn. Có rất nhiều giả thuyết được đặt ra để lý giải cách con người nghe thấy suy nghĩ của chính mình, và mới đây, một thí nghiệm với tai nghe dẫn truyền qua xương đã cho phép các nhà khoa học tin vào một thiết bị có thể thu âm giọng nói trong bộ não con người.
Theo The New York Time, các nhà khoa học Thuỵ Sỹ đang nỗ lực nghiên cứu não bộ để tìm ra phân khu não cho phép chúng ta nhận ra chính mình đang nói. Khi nói chuyện, chúng ta không chỉ nghe thấy giọng nói của mình bằng tai mà ở một mức độ nào đó, chúng ta còn cảm nhận điều đó khi các rung động âm thanh truyền qua các xương của hộp sọ.
Gần đây, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Royal Society Open Science đã cố gắng giải quyết vấn đề này. Nhóm các nhà nghiên cứu đã thực hiện một thí nghiệm: nếu mọi người đeo tai nghe dẫn truyền qua xương, họ có nhận ra giọng nói của mình chính xác hơn không. Và các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng việc nghe bản ghi âm qua xương mặt giúp những người tham gia thí nghiệm dễ dàng phân biệt giọng nói của họ với giọng nói của những người khác. Kết quả này đã cho thấy công nghệ truyền âm qua xương mặt sẽ là tiền đề để mở ra nghiên cứu về nguồn gốc của giọng nói ảo giác.
Pavo Orepic, một nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết nghiên cứu này cho phép họ đạt được những mục tiêu ngoài mong đợi. Theo nghiên cứu, sự rung động của hộp sọ khi nói làm cho giọng nói của một người nghe sâu sắc với bản thân họ hơn là với những người nghe khác. Cũng chính vì cơ chế này, nhóm các nhà khóa học đã thử sử dụng tai nghe dẫn truyền xương, có bán trên thị trường và thường đặt trên gò má của người nghe ngay phía trước tai để thực hiện thí nghiệm.
Theo đó, các tình nguyện viên được yêu cầu nói âm tiết “ah” và sau đó trộn từng bản ghi âm của các giọng nói này để tạo ra một bản âm thanh. Sau đó, họ cho một số người nghe bản hỗn hợp âm thanh bằng tai nghe dẫn truyền xương, trong khi một số khác sử dụng tai nghe bình thường và một nhóm khác thử loa máy tính xách tay để xem các tình nguyện viên liệu có phát hiện ra âm thanh từ giọng nói của họ hay không.
Kết quả là những người đeo tai nghe dẫn truyền qua xương có nhiều khả năng xác định chính xác giọng nói của mình hơn so với những người khác. Tuy nhiên, khi các nhà nghiên cứu thử thí nghiệm tương tự bằng cách sử dụng giọng nói của bạn bè của các tình nguyện viên, họ nhận thấy rằng tai nghe dẫn truyền qua xương không tạo ra sự khác biệt nào trong việc giúp mọi người xác định giọng nói quen thuộc. Tai nghe dẫn truyền xương chỉ giúp họ dễ dàng nhận ra giọng nói của chính họ.
Tuy nhiên, điều này đã mở ra cánh cửa để các nhà khoa học hiểu cách bộ não của một người tiếp nhận thông tin giác quan và biến nó thành sự thừa nhận bản thân của một người. Trong một nghiên cứu được công bố vào năm ngoái, nhóm đã ghi lại hoạt động thần kinh của những người thực hiện các nhiệm vụ nghe và báo cáo sự tồn tại của một mạng lưới các vùng não được kích hoạt khi mọi người cố gắng xác định chính họ.
Tiến sĩ Orepic gợi ý, nếu các nhà khoa học có thể hiểu cách bộ não xây dựng âm thanh từ bên trong. Có lẽ một ngày nào đó, nhân loại không chỉ nghe được các bản ghi âm của giọng nói bình thường mà còn cả giọng nói của chính mình sâu trong ảo giác bằng các thiết bị dẫn truyền xương. Nếu điều này trở thành hiện thực, các bác sĩ có thể chẩn đoán và chữa trị tốt hơn những vấn đề về rối loạn tâm thần.
Với những người bị cắt bỏ một phần não chẳng hạn như để điều trị bệnh động kinh kháng thuốc, mạng lưới tự nhận diện của não bộ càng bị xáo trộn bởi cuộc phẫu thuật, nhiệm vụ tự nhận thức càng trở nên khó khăn. Hay với những bệnh nhân bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới, bài kiểm tra đã tiết lộ một kết quả đáng ngạc nhiên.
Tiến sĩ Orepic nói: “Mỗi lần cô ấy nghe thấy giọng nói của mình, cô ấy lại nghĩ đó là của một người khác. Và khi cô ấy nghe thấy ai đó khác, cô ấy nói đó là tôi”. Chính vì vậy, khi tìm ra cơ chế hình thành giọng nói bên trong bộ não, đây sẽ là bước tiến lớn trong ngành công nghệ y tế để phát minh các công cụ hỗ trợ lắng nghe suy nghĩ từ trong ảo giác nhằm hỗ trợ các bác sĩ thần kinh.