Thị trường trung tâm dữ liệu Malaysia hồi sinh sau khi Hoa Kỳ bãi bỏ quy định
Áp lực đè nặng lên ngành trung tâm dữ liệu tại Malaysia tạm thời được giảm bớt sau khi Hoa Kỳ hủy bỏ quy định kiểm soát khuếch tán AI – chính sách xuất hiện từ giai đoạn cuối nhiệm kỳ cựu Tổng thống Biden…

Trong bản nghiên cứu gần đây, ngân hàng đầu tư RHB cho biết kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu tại Malaysia sẽ không còn bị giới hạn bởi quy định về GPU (bộ xử lý đồ họa) - điều có thể làm chùn bước giới đầu tư trong lĩnh vực này, theo Tech Node Global.
Các báo cáo truyền thông cho hay Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ công bố quy định thay thế dựa trên mô hình đàm phán song phương để xác định quyền truy cập vào một số loại GPU tiên tiến.
RHB nhận định sự thay đổi chính sách này giúp giảm bớt lo ngại ảnh hưởng tới toàn bộ chuỗi giá trị trung tâm dữ liệu, bao gồm xây dựng, bất động sản, năng lượng, viễn thông và công nghệ.
Ngân hàng này kỳ vọng làn sóng quan tâm từ nhà đầu tư đối với trung tâm dữ liệu sẽ hồi sinh, giúp các điểm nóng như Johor và Cyberjaya tiếp tục sôi động.
“Dù quá trình đàm phán song phương cần nhiều thời gian, nhưng cũng mở ra cơ hội để những quốc gia bị ảnh hưởng cam kết kiểm soát việc chuyển hướng chip AI sang Trung Quốc”, báo cáo viết.
RHB cho rằng cách tiếp cận này hợp lý hơn so với việc ban hành chính sách đơn phương, vốn không tạo điều kiện cho các quốc gia liên quan có quyền phản hồi. “Sự rõ ràng về chính sách là tín hiệu tích cực đối với ngành công nghệ”.
“Nhìn chung, thay đổi chính sách lần này có lợi cho các quốc gia trước đó được xếp vào Nhóm 2 (bao gồm Malaysia), nhưng sẽ không có tác động đáng kể tới các quốc gia thuộc Nhóm 3 – vốn đã bị cấm tiếp cận công nghệ Hoa Kỳ theo quy định xuất khẩu hiện tại”, RHB nhấn mạnh.
TÁC ĐỘNG ĐẾN NGÀNH LIÊN QUAN
Đối với ngành xây dựng, RHB cho rằng xu hướng đầu tư vào trung tâm dữ liệu được duy trì tại Malaysia sẽ tiếp tục hỗ trợ đà tăng trưởng đơn hàng cho nhà thầu trong vài năm tới, mang đến triển vọng thu nhập ổn định.
Chẳng hạn, công suất trung tâm dữ liệu dự kiến tại Johor đạt 822 megawatt (MW) có thể kéo theo khoảng 3,71 tỷ USD giá trị công việc tiềm năng cho nhà thầu.
Về bất động sản, ngân hàng RHB cho rằng thay đổi chính sách sẽ giúp nhà đầu tư giải tỏa lo ngại về khả năng trì hoãn hoặc hủy bỏ các dự án trung tâm dữ liệu đã ký với chủ đất, nhà phát triển và nhà thầu tại Malaysia.
Những cuộc đàm phán hiện tại với nhà vận hành trung tâm dữ liệu cũng diễn ra suôn sẻ hơn, dù chủ đất sẽ thận trọng với rủi ro pháp lý tiềm ẩn hơn trước.
Đối với ngành tiện ích, RHB nhận định làn sóng xây dựng trung tâm dữ liệu sẽ thúc đẩy nhu cầu dài hạn về điện và nước. Công suất liên quan đến hầu hết dự án đã ký thỏa thuận cung cấp điện (ESA) tăng lên 5,9 gigawatt (GW) trong quý IV/2024 so với 4,7 GW của quý trước.
Trong ngành công nghệ, RHB tin rằng áp lực đối với chuỗi cung ứng GPU và CPU sẽ được gỡ bỏ một phần, nếu không phải là hoàn toàn. Tổng thể, RHB nhận định diễn biến mới liên quan đến xuất khẩu chip AI sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho chu kỳ phục hồi hiện tại của ngành bán dẫn.
Theo đánh giá của RHB, toàn bộ chuỗi cung ứng bán dẫn – từ công ty thiết kế chip, doanh nghiệp lắp ráp và kiểm định bán dẫn theo hợp đồng (OSAT), cho đến nhà sản xuất thiết bị kiểm thử tự động (ATE), công ty hỗ trợ kỹ thuật và công ty dịch vụ sản xuất điện tử (EMS) – dự kiến tiếp tục hưởng lợi từ chu kỳ phục hồi và tăng trưởng của ngành trong giai đoạn 2025–2026.
“Nhìn chung, chúng tôi vẫn lạc quan vào triển vọng mạnh mẽ của năm 2025, được thúc đẩy bởi nhu cầu phục hồi diện rộng và chu kỳ thay thế thiết bị”, báo cáo viết.
RHB cũng lưu ý nhóm “Magnificent Seven” của ngành công nghệ – gồm Apple, Microsoft, Alphabet (Google), Amazon, Meta Platforms, Tesla và Nvidia – ước tính chi hơn 400 tỷ USD cho chi tiêu vốn trong năm 2025, và con số này dự kiến tiếp tục tăng trong năm 2026.
Dù từng có đề xuất về quy tắc khuếch tán AI (AI diffusion rule), nhưng dữ liệu của RHB cho thấy không có sự cắt giảm đáng kể nào trong kế hoạch chi tiêu vốn của những “gã khổng lồ” công nghệ này.
“Đây là điểm khiến chúng tôi yên tâm khi đánh giá toàn bộ câu chuyện AI và trung tâm dữ liệu”, báo cáo viết.
“Trường hợp ngoại lệ duy nhất là Microsoft, công ty được cho là đã hủy hợp đồng thuê trung tâm dữ liệu với tổng công suất lên tới hàng trăm megawatt và giảm đầu tư ở thị trường quốc tế”, RHB trích dẫn.
Tóm lại, làn sóng gia tăng chi tiêu vốn mạnh mẽ từ ông lớn công nghệ phản ánh cam kết trong việc dẫn dắt làn sóng đổi mới công nghệ tiếp theo, đặc biệt là lĩnh vực AI, được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại tác động lan tỏa tích cực đến các quốc gia như Malaysia.
Đối với ngành viễn thông, RHB nhấn mạnh động thái Hoa Kỳ rút lại đề xuất quy định khuếch tán AI có thể giúp xoa dịu lo ngại hạn chế tiếp cận chip AI và máy chủ bởi quy trình kiểm duyệt phức tạp. Nhóm công ty viễn thông đóng vai trò tiên phong trong ứng dụng AI, với việc sở hữu cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu và dịch vụ kết nối liên quan.
“Dù Hoa Kỳ có dự định đưa ra quy định mới trong thời gian tới, chúng tôi tin rằng đàm phán song phương sẽ được ưu tiên, mức độ tiếp cận chip AI có thể sử dụng làm ‘đòn bẩy’ trong cuộc đàm phán thuế quan”, báo cáo cho biết.
Thực tế, thông qua những cuộc trao đổi với công ty viễn thông, mức độ tiếp xúc của họ với các GPU cao cấp (vốn đang bị kiểm soát xuất khẩu) là tương đối thấp.
Ngoài ra, báo cáo cũng ghi nhận mô hình cung cấp GPU dưới dạng dịch vụ (GPU-as-a-Service – GPUaaS) đang nổi lên như một giải pháp tiết kiệm chi phí, giúp khách hàng tránh khoản đầu tư lớn – nhất là trong bối cảnh quy định được siết chặt.
Tổng thể, RHB tin rằng “câu chuyện trung tâm dữ liệu” vẫn còn nhiều tiềm năng, khi thông tin tích cực về đầu tư liên tục xuất hiện trong những tháng qua, bất chấp ảnh hưởng từ quy định khuếch tán AI của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, RHB cảnh báo rằng không thể loại trừ khả năng có thêm biến động do chính sách từ ông Trump trong thời gian tới.