Trung Quốc đặt cược vào robot hình người sau kỳ tích xe điện

Bảo Ngọc
Chia sẻ

Chính quyền Bắc Kinh đang ưu tiên phát triển lĩnh vực robot hình người như động lực tăng trưởng chính…

Chính quyền Trung Quốc định vị robot hình người là động lực tăng trưởng mới
Chính quyền Trung Quốc định vị robot hình người là động lực tăng trưởng mới

Gần đây, lần thứ hai trong năm, Unitree Robotics gây xôn xao trên mạng xã hội với loạt video về thành tích nhào lộn của robot hình người. Lần này, robot G1 hoàn thành cú lộn ngược đứng và động tác kungfu được gọi là nhảy cá chép — cả hai đều phức tạp hơn cú lộn ngược đứng mà mô hình H1 của startup này thực hiện vào năm ngoái.

H1 cũng xuất hiện trên chương trình gala mừng Tết Nguyên đán năm vừa qua của đất nước tỷ dân, trong khi nhà sáng lập Unitree Wang Xingxing được tham gia cuộc họp cấp cao với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, cùng với nhiều nhân vật tên tuổi trong ngành công nghệ như nhà sáng lập Alibaba Jack Ma. Tất cả hoạt động nổi bật nhấn mạnh mối quan tâm xung quanh robot hình người khi chính quyền Bắc Kinh định vị lĩnh vực là động lực tăng trưởng mới, tương tự như lĩnh vực xe điện trước đây.

ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG CHÍNH CỦA TRUNG QUỐC 

KrASIA đưa tin, ngành công nghiệp robot Trung Quốc phát triển nhanh chóng và hiện đang trong giai đoạn bùng nổ toàn diện. Theo công ty dữ liệu Qichacha, hơn 190.000 công ty liên quan đến robot đã được đăng ký vào năm ngoái, với 44.000 công ty khác được đăng ký kể từ đầu năm nay. Robot China, một trang web trong ngành, báo cáo vào năm 2024, robot hình người dẫn đầu về nguồn tài trợ, chiếm một nửa số khoản đầu tư lớn, trung bình khoảng 100 triệu NDT (14 triệu USD) mỗi công ty.

So với robot công nghiệp, robot hình người cần sự linh hoạt hơn và có khả năng thực hiện nhiệm vụ phức tạp theo hướng có thể thay thế được con người. Một số công ty khởi nghiệp như UBTech, Unitree, AgiBot và Fourier Intelligence đều mở rộng quy mô nhanh chóng.

Tương tự như xe điện và điện thoại thông minh, chính sách từ chính phủ Trung Quốc ưu tiên robot hình người là "sản phẩm mang tính đột phá", với thị trường dự kiến đạt 43 tỷ USD vào năm 2035. Sau khi tỷ phú Elon Musk giới thiệu nguyên mẫu Optimus vào năm 2022, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn phát triển ngành công nghiệp, nêu rõ nước này sẽ phấn đấu sản xuất hàng loạt robot hình người vào năm 2025 cũng như tìm cách xây dựng hệ sinh thái có khả năng cạnh tranh toàn cầu.

UBTech, công ty sở hữu robot được thử nghiệm tại nhiều cơ sở sản xuất xe điện, bao gồm BYD, Nio, Foxconn và Geely, đặt mục tiêu sản xuất 1.000 sản phẩm vào năm 2025, tăng lượng hàng xuất xưởng hàng năm lên 3.000 – 5.000 vào năm 2026 và hơn 10.000 vào năm 2027. Trong khi đó, Dobot có trụ sở tại Thâm Quyến gần đây vừa thông báo sẽ bắt đầu nhận đơn đặt hàng đặt trước đối với robot mới nhất Dobot Atom, hiện đang được thử nghiệm tại một số nhà máy sản xuất ô tô, nhà máy điện tử và quán cà phê, với giá 199.000 NDT (27.860 USD).

Ông Joseph Li, Giám đốc Bộ phận hình thành vốn và phát triển danh mục đầu tư tại C Capital, cho biết: "Trung Quốc coi robot hình người là hoạt động chiến lược nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế liên tục, tăng cường tự động hóa công nghiệp từ đó nâng cao năng suất và củng cố vị thế dẫn đầu công nghệ toàn cầu".

"Lợi thế về chi phí và chuỗi cung ứng mạnh mẽ sẽ thúc đẩy thêm cho ngành công nghiệp", ông Li chia sẻ. "Mặc dù Hoa Kỳ vẫn là nước dẫn đầu về R&D, chúng tôi kỳ vọng quy mô và động lực chính sách của Trung Quốc có thể thu hẹp khoảng cách vào năm 2030".

MỐI LIÊN HỆ GIỮA ROBOT HÌNH NGƯỜI VÀ XE ĐIỆN

Robot hình người đã ghi nhận tiến bộ đáng kể từ năm 2023, được thúc đẩy bởi bối cảnh bùng nổ trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là sự phát triển liên tục của mô hình ngôn ngữ lớn và mô hình ngôn ngữ trực quan. Sự trỗi dậy của ngành công nghiệp xe điện (EV) cũng đóng vai trò then chốt.

Giới chuyên gia cho biết ở cấp độ sản xuất, khoảng 70% thành phần của robot hình người có thể hoán đổi với thành phần của EV. Thực tế, các tuyên bố của CEO Elon Musk trong lĩnh vực đã thúc đẩy nhiều nhà sản xuất ô tô đáng chú ý của Trung Quốc bao gồm BYD, Xiaomi, Xpeng Motors, Chery, GAC Motor và SAIC, cũng như Huawei, gã khổng lồ máy bay không người lái DJI và nhà sản xuất thiết bị gia dụng Midea tham gia thị trường thông qua đầu tư hoặc phát triển nội bộ.

Chủ tịch Xpeng He Xiaopeng thậm chí còn đề xuất trong kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (NPC) năm nay rằng Bắc Kinh nên tận dụng kinh nghiệm trong việc vun đắp và thúc đẩy thị trường xe điện nhằm phát triển chính sách hỗ trợ tương tự cho robot hình người, với lập luận rằng đây có thể trở thành ngành công nghiệp lớn trong 5 – 20 năm tới.

Trung Quốc có thể tận dụng kinh nghiệm trong ngành công nghiệp EV nhằm phát triển robot hình người. 
Trung Quốc có thể tận dụng kinh nghiệm trong ngành công nghiệp EV nhằm phát triển robot hình người. 

Tương tự như EV, một trong những lợi thế lớn của Trung Quốc ở lĩnh vực robot hình người là chi phí. Ví dụ, G1 và H1 của Unitree gần đây có giá lần lượt là 99.000 NDT (13.860 USD) và 650.000 NDT (91.000 USD), trong khi Bank of America Global Research ước tính robot Optimus Gen 2 của Tesla sẽ có giá từ 50.000 – 60.000 USD nếu tất cả thành phần chính đều có nguồn gốc bên ngoài Trung Quốc.

Ngân hàng đầu tư cho biết nếu hầu hết phần cứng của Optimus Gen 2 được sản xuất tại Trung Quốc, chi phí có thể giảm xuống còn 35.000 USD vào cuối năm 2025 và tiếp tục giảm xuống còn 17.000 USD cho mỗi sản phẩm vào năm 2030.

Bản thân CEO Musk đã khẳng định vào tháng 1 rằng với một triệu sản phẩm mỗi năm, chi phí sản xuất Optimus sẽ dưới 20.000 USD.

Trong cuộc phỏng vấn trước đây với hãng truyền thông Trung Quốc LatePost, ông Wang từ Unitree nhấn mạnh chìa khóa để giảm chi phí là công ty xây dựng nhà máy riêng và đạt được tiến bộ hàng năm trong mục tiêu "tự phát triển toàn diện mọi thứ có thể".

NHẬN ĐỊNH VỀ CÁC QUỐC GIA TRONG CUỘC ĐUA 

Theo ông Ming Hsun Lee, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu công nghiệp và ô tô Trung Quốc tại BofA Global Research, đối với hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, Hoa Kỳ có lợi thế về chip AI, phần mềm và thuật toán, trong khi Trung Quốc có lợi thế về phát triển thuật toán AI cũng như chuỗi cung ứng mạnh mẽ cung cấp linh kiện chất lượng với chi phí thấp.

“Ngành công nghiệp robot hình người vẫn đang trong giai đoạn đầu, với nhiều vấn đề đáng chú ý. Đây là cuộc chạy đua marathon, không phải chạy nước rút, và chúng ta chỉ mới ở vạch xuất phát. Còn quá sớm để xác định cái tên dẫn đầu rõ ràng hoặc dự đoán công ty nào cuối cùng sẽ giành chiến thắng”, ông Lee bày tỏ.

Hầu hết nhà sản xuất robot hình người Trung Quốc đều dựa vào bộ xử lý đồ họa (GPU) và nền tảng đào tạo robot của Nvidia. Để ngăn chặn hạn chế tiềm ẩn từ Hoa Kỳ, một số công ty Trung Quốc đã tìm kiếm nguồn GPU tiềm năng trong nước, theo bài đăng gần đây của Citi.

Trong khi Nhật Bản và châu Âu sở hữu công nghệ hàng đầu về robot công nghiệp, Hoa Kỳ và Trung Quốc lại dẫn đầu trong quá trình phát triển robot hình người. Một số nhà phân tích ước tính Nhật Bản đang chậm hơn đối thủ cạnh tranh khoảng 5 năm, vì trọng tâm của ngành đã chuyển từ phát triển robot sản xuất với chuyển động ngày càng tinh vi sang cuộc đua về trí tuệ nhân tạo.

Ông Yoshihisa Ohara, chuyên gia về kỹ thuật hệ thống robot tại Viện nghiên cứu Nhật Bản, cho biết mặc dù một số nhà phát triển Nhật Bản bao gồm Toyota Motor và Kawasaki Heavy Industries đang phát triển robot hình người và cố gắng bắt kịp thị trường, thì các công ty Hoa Kỳ và Trung Quốc lại dẫn đầu về bằng sáng chế và tài trợ của chính phủ cho nghiên cứu & phát triển.

Ông Hirohiko Nakamura, chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu Mitsubishi, nhận định các nhà sản xuất robot Nhật Bản đang phải vật lộn để thu hút đầu tư toàn cầu, vốn có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến tiến bộ AI. "Các công ty Nhật Bản sở hữu kiến ​​thức về phần cứng, nhưng tiến bộ AI lại do các công ty nước ngoài dẫn đầu".

Tuy nhiên, ông Motou Sato, chuyên gia hàng đầu tại KPMG Consulting, dự đoán Nhật Bản vẫn có cơ hội bắt kịp. Việc phát triển mô hình cơ sở AI cho robot hình người chỉ đang được một số ít công ty công nghệ Hoa Kỳ dẫn đầu, điều đó có nghĩa là cánh cửa vẫn mở ra cho những người chơi mới sáng tạo với phương pháp tiếp cận mang tính đột phá.

Ông Sato cho biết: "Các nhà nghiên cứu có thể thu hẹp khoảng cách với nhóm dẫn đầu bằng cách tạo ra ý tưởng mới nhưng không nhất thiết phải hình thành khái niệm hoàn toàn mới". Ngành công nghiệp đã chứng kiến tiền lệ, với startup DeepSeek của Trung Quốc tạo nên cú sốc khi cạnh tranh trực diện với OpenAI nhưng chỉ tốn một phần nhỏ chi phí so với đa số công ty AI Hoa Kỳ.

Nhật Bản, quốc đảo đang phải hứng chịu tình hình suy giảm dân số nghiêm trọng, cung cấp môi trường tuyệt vời để thử nghiệm robot hình người. Vị chuyên gia nhìn thấy nhu cầu về robot ngày càng tăng từ những chủ trang trại lớn tuổi không thể tìm đủ công nhân hoặc chủ doanh nghiệp loay hoay tuyển dụng khi thế hệ trẻ có xu hướng chuyển tới thành phố lớn. Điều này khiến Nhật Bản trở thành điểm đến lý tưởng để khám phá mô hình kinh doanh robot hình người khả thi.

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con