Trung Quốc suy thoái, các nhà cung cấp chip và linh kiện Nhật Bản bị vạ lây
Các doanh nghiệp trong ngành dự kiến lô hàng linh kiện điện tử và chất bán dẫn của Nhật Bản sẽ phục hồi chậm trong nửa đầu năm 2024 do chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc vẫn còn yếu…
Theo dữ liệu từ Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho thấy tồn kho linh kiện và thiết bị điện tử đã giảm 5 tháng liên tiếp tính đến tháng 12/2023. Hàng tồn kho đã giảm 25% so với cùng kỳ từ tháng 10 đến tháng 12, sau khi giảm 20% trong ba tháng trước đó.
Trên Nikkei, Koichi Fujishiro, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, cho biết: “Tốc độ phục hồi của các lô hàng chậm và quá trình phục hồi hoàn toàn mất nhiều thời gian hơn trước đây vì nhu cầu bất thường trong thời kỳ đại dịch từ năm 2020 đến 2021”.
NHU CẦU CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG SỤT GIẢM
Hàng tồn kho trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2022 đạt mức cao nhất, cao hơn 43% so với năm trước đó. Nhu cầu về thiết bị điện tử tăng cao trong thời kỳ đại dịch, nhưng nhu cầu ấy đã giảm dần trước khi nguồn cung cấp linh kiện có nguy cơ cạn kiệt. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch đã góp phần gây ra vấn đề này.
Đối mặt với tình trạng dư thừa, nhà sản xuất chip nhớ Kioxia đã cắt giảm 30% sản lượng vào tháng 10/2022. Các nhà sản xuất linh kiện điện tử cũng giảm tỷ lệ sử dụng nhà máy và giảm lượng hàng xuất xưởng.
Sau nhiều tháng điều chỉnh hàng tồn kho, nhu cầu sụt giảm về điện thoại thông minh được dự đoán sắp kết thúc. Công ty nghiên cứu IDC của Mỹ đưa tin lô hàng điện thoại thông minh toàn cầu đạt tổng cộng 326 triệu chiếc từ tháng 10 đến tháng 12, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty nghiên cứu thị trường Đài Loan TrendForce ước tính giá hợp đồng sản xuất linh kiện điện tử từ tháng 1 đến tháng 3/2024 sẽ tăng 18% đến 23% so với quý trước. Trong chu kỳ tồn kho thông thường, lượng hàng xuất xưởng sẽ tăng trong khi lượng hàng tồn kho giảm.
Năm trong số tám nhà cung cấp linh kiện điện tử lớn của Nhật Bản đã hạ dự báo thu nhập cả năm. Dự báo lợi nhuận ròng tổng hợp cho 8 công ty hiện thấp hơn 109 tỷ Yên (730 triệu USD) so với ước tính trước đó.
NỀN KINH TẾ TRÌ TRỆ CỦA TRUNG QUỐC LÀ YẾU TỐ CHÍNH
Nhu cầu tiêu dùng chậm của Trung Quốc quay trở lại trong bối cảnh áp lực giảm phát và suy thoái kinh tế bất động sản. Sự phục hồi về doanh số bán điện thoại thông minh chủ yếu chỉ giới hạn ở các mẫu máy giá rẻ và trung bình. Do đó vào tháng 1, Apple đã thực hiện đợt giảm giá bất thường cho iPhone 15 tại thị trường Trung Quốc.
Các nhà cung cấp Đài Loan cũng phải đối mặt với viễn cảnh tương tự. Doanh số hàng tháng tại 19 nhà sản xuất chip và linh kiện điện tử lớn của Đài Loan đã giảm 17,2% so với cùng kỳ vào tháng 12/2023.
Nhiều nhà cung cấp Nhật Bản dự kiến sẽ không có sự phục hồi đáng kể cho đến nửa cuối năm 2024. Kyocera, công ty sản xuất máy ảnh Nhật Bản, nhận thấy nhu cầu về linh kiện điện tử sẽ tăng vào mùa hè. Nhà sản xuất chất bán dẫn điện Rohm dự kiến sẽ thoát khỏi giai đoạn điều chỉnh hàng tồn kho vào tháng 3/2025.
NỖ LỰC PHỤC HỒI NGÀNH BÁN DẪN
Mặc dù ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật Bản đang mất dần vị thế về thiết kế và sản xuất chip nhưng vẫn có tính cạnh tranh cao về thiết bị và vật liệu sản xuất chip. Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Nhật Bản chiếm thị phần cao nhất về nguyên liệu sản xuất chip với 48%. Đài Loan đứng ở vị trí thứ hai với tỷ lệ 16%. Nhật Bản chiếm 31% thị phần thiết bị sản xuất chip - đứng thứ hai sau 35% của Mỹ.
Công nghệ Nhật Bản có thể xử lý các quy trình phức tạp là chìa khóa để sản xuất các thiết bị bán dẫn tiên tiến cho trí tuệ nhân tạo. Towa, nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip, sở hữu 60% thị phần trong thiết bị bịt kín nhựa cho chất bán dẫn.
Chia sẻ với Nikkei, chủ tịch Towa Hirokazu Okada cho biết: “Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được đơn đặt hàng từ 15 đến 20 đơn vị từ các nhà sản xuất chip Hàn Quốc trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024”.
Các nhà sản xuất vật liệu sản xuất chip Shin-Etsu Chemical và Hoya cũng đang cải tiến dòng sản phẩm của mình. Go Miyamoto, nhà phân tích cấp cao của SMBC Nikko Securities, cho biết: “Nhu cầu AI đã mang lại động lực thuận lợi cho các nhà sản xuất vật liệu Nhật Bản vì có nhiều công ty mạnh về vật liệu cao cấp đang có nhu cầu nhờ AI tạo ra”.
Nhật Bản cũng đang được công nhận là nơi thay thế năng lực sản xuất khi các công ty đa dạng hóa cơ sở sản xuất. Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan đang xây dựng cơ sở ở tỉnh Kumamoto. Và công ty bán dẫn mới được nhà nước hậu thuẫn của Nhật Bản, Rapidus, đã hợp tác với IBM với mục tiêu sản xuất những con chip tiên tiến ngay tại quê nhà.