10:14 17/01/2025

Thách thức lớn nhất đối với các startup công nghệ khí hậu là huy động vốn 

Bảo Bình

Công nghệ khí hậu có những khác biệt đặc thù so với các lĩnh vực khác khiến các quỹ đầu tư mạo hiểm e ngại rủi ro. Nhiều startup công nghệ khí hậu của Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tài chính để phát triển…

Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu thường kéo dài, tác động đến tăng trưởng kinh tế hay lợi ích cũng thường không đến ngay lập tức. Do đó, cần có tư duy phù hợp trong đầu tư. 
Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu thường kéo dài, tác động đến tăng trưởng kinh tế hay lợi ích cũng thường không đến ngay lập tức. Do đó, cần có tư duy phù hợp trong đầu tư. 

Nhằm hỗ trợ các startup công nghệ khí hậu tiếp cận nguồn vốn, mở rộng thị trường và thúc đẩy phát triển các giải pháp khí hậu bền vững, mới đây Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp Khởi nghiệp về Khí hậu (CCE Accelerator) vừa chính thức khởi động. 

Được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ, New Energy Nexus Việt Nam triển khai, sự đồng hành của VMO Holdings và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, các doanh nghiệp khởi nghiệp về khí hậu sẽ được tham gia các hoạt động hỗ trợ chuyên sâu như đào tạo, tư vấn chiến lược, kết nối với nhà đầu tư và với  hệ sinh thái khởi nghiệp. 

Đây là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp khí hậu tại Việt Nam. Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp về khí hậu được kỳ vọng là bệ phóng cho các giải pháp khí hậu đột phá tại Việt Nam. Có thể nói rằng, đây sẽ là nơi những ý tưởng về khí hậu tiên tiến được ươm mầm và phát triển, góp phần không nhỏ vào việc hiện thực hóa mục tiêu Net Zero trước 2050 của Việt Nam.

NHÌN NHẬN NHỮNG KHÁC BIỆT TRONG LĨNH VỰC KHỞI NGHIỆP VỀ KHÍ HẬU

Ông Alan Brinker, đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho biết với việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, một trong những ưu tiên hợp tác của hai quốc gia chính là ứng phó với biến đổi khí hậu – cả về chuyển dịch năng lượng và thích ứng với các tác động khí hậu đang nổi lên. 

“Các doanh nhân khởi nghiệp sẽ là người nhận diện những vấn đề về khí hậu mới nổi đối với cuộc sống và tìm ra các giải pháp giúp chúng ta thích ứng. Tuy nhiên, họ không thể tự mình làm điều đó mà cần một hệ sinh thái hỗ trợ để thành công”, ông Alan Brinker nói.

 
Một trong những ưu tiên hợp tác của hai quốc gia chính là ứng phó với biến đổi khí hậu".
 

Một trong những ưu tiên hợp tác của hai quốc gia chính là ứng phó với biến đổi khí hậu".

Chia sẻ về những thách thức mà các công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu tại Việt Nam đang đối mặt, ông Nguyên Nguyễn đến từ công ty Selex Motor cho biết “cần nhìn nhận sự khác biệt trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ khí hậu”.

Theo đó, biến đổi khí hậu thường kéo dài rất lâu, tác động đến tăng trưởng kinh tế hay lợi ích cũng thường không đến ngay lập tức. Do đó, ông Nguyên Nguyễn cho rằng cần nhận thức điều này và có mindset (tư duy - PV) phù hợp trong mọi hoạt động, bao gồm cả đầu tư. 

Với sự khác biệt đó của lĩnh vực công nghệ khí hậu, ông Nguyên Nguyễn cho rằng thách thức lớn nhất đối với các công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu tại Việt Nam là vấn đề huy động vốn. 

“Đây là một thách thức không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cả khu vực Đông Nam Á. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hụt các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC), cả về số lượng lẫn chất lượng, nhắm vào công nghệ khí hậu. Hiện tại, lĩnh vực này vẫn đang trong giai đoạn phát triển, nên số lượng nhà đầu tư trong lĩnh vực này chưa nhiều. Tuy nhiên, về chất lượng, nhiều nhà đầu tư vẫn mang tư duy truyền thống, thường áp dụng cách tiếp cận dành cho lĩnh vực phần mềm hoặc các ngành khác khi đầu tư vào công nghệ khí hậu. Điều này không phù hợp, bởi khởi nghiệp khí hậu có những đặc thù rất khác biệt, đòi hỏi một tư duy mới”, ông Nguyên Nguyễn nói.

NHIỀU QUỸ ĐẦU TƯ MẠO HIỂM NGẠI RỦI RO VÀ CHƯA THỰC SỰ “DẤN THÂN” TRONG LĨNH VỰC KHÍ HẬU

Ngoài ra, còn một khoảng cách lớn giữa giai đoạn tài trợ hạt giống (seed funding) và các giai đoạn tiếp theo như Series A hay Series B. Theo Báo cáo đầu tư khởi nghiệp công nghệ khí hậu Việt Nam 2024 được bà Trần Thị Phương Thảo, Giám đốc quốc gia của New Energy Nexus Việt Nam, chia sẻ, từ năm 2013 đến 2023, các giai đoạn tài trợ cho các công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu ở Việt Nam có sự khác biệt so với quốc tế. 

Tại Việt Nam, số tiền đầu tư cho giai đoạn ý tưởng là khoảng 8,3 triệu USD cho 28 công ty khởi nghiệp. Trong giai đoạn hạt giống, 25,1 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm đã được rót cho 16 startup. Giai đoạn series A thu hút được 20,8 triệu USD và chỉ có 3 startup gọi được vốn trong giai đoạn này. Con số startup gọi vốn tiếp tục giảm trong series B với chỉ 2 startup, tổng số vốn là 38,5 triệu USD. 

Theo bà Trần Thị Phương Thảo, Giám đốc quốc gia của New Energy Nexus Việt Nam, các giai đoạn tài trợ cho các công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu ở Việt Nam có sự khác biệt so với quốc tế
Theo bà Trần Thị Phương Thảo, Giám đốc quốc gia của New Energy Nexus Việt Nam, các giai đoạn tài trợ cho các công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu ở Việt Nam có sự khác biệt so với quốc tế

Theo ông Nguyên Nguyễn, các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á gặp rất nhiều khó khăn trong việc vượt qua khoảng cách để phát triển đến mức có thể duy trì và mở rộng bền vững.

“Tôi nghĩ cần có sự thay đổi lớn trong cách chúng ta nhìn nhận về đầu tư công nghệ khí hậu. Đầu tiên, cần có sự dấn thân, chấp nhận rủi ro nhiều hơn. Biến đổi khí hậu không chờ đợi ai, vì vậy, các khoản đầu tư vào khí hậu cần được thực hiện một cách trực tiếp và không bị cản trở bởi bất kỳ rào cản nào”, ông Nguyên Nguyễn nói và hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục có những thay đổi lớn và đặt ra các mục tiêu cụ thể hơn trong hành động vì khí hậu. Ví dụ như đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có một tỷ lệ nhất định các phương tiện giao thông trên đường phố phải là xe điện (EVs), hoặc cấm xe máy truyền thống ở các quận trung tâm. 

“Cần có các kế hoạch cụ thể để hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái phục vụ cho những mục tiêu này. Tôi tin rằng nếu các rào cản được gỡ bỏ và các nguồn lực được chuyển đến đúng nơi cần thiết, các công ty khởi nghiệp khí hậu tại Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai”, đại diện Selex Motor chia sẻ.

CHÚ TRỌNG GIÁO DỤC, THIẾT KẾ CÁC KHÓA ĐÀO TẠO VỀ KHỞI NGHIỆP KHÍ HẬU 

Bên cạnh đó, việc thiếu hụt thông tin về các báo cáo, chỉ số của ngành cũng gây trở ngại không nhỏ cho quá trình hoạch định chiến lược và phát triển kinh doanh. 

“Vấn đề về dữ liệu và thông tin liên quan đến hệ sinh thái thực sự là một thách thức rất lớn. Hiện tại, không có nhiều báo cáo toàn diện và đáng tin cậy trong lĩnh vực này. Việc có thêm các báo cáo cốt lõi và dữ liệu minh bạch sẽ là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy hệ sinh thái”, bà Lindsay Umalla của tổ chức SNV, nhấn mạnh. Bà cũng cho rằng cầnxây dựng mạng lưới kết nối, hiểu rõ hoạt động của các sáng kiến”.

Theo bà, một thách thức lớn khác chính là quá trình chuyển đổi từ công nghệ sang kinh doanh. “Công nghệ không phải là kinh doanh, và chúng ta cần suy nghĩ làm sao để biến một ý tưởng công nghệ tuyệt vời thành một mô hình kinh doanh thực sự hiệu quả”, bà Lindsay Umalla lưu ý.

Cụ thể hơn, bà cho biết một ý tưởng xuất sắc về mặt công nghệ sẽ không thể thành công nếu không biết cách bán, nếu sản phẩm không tuân thủ các quy định, không được tiếp thị tốt, hoặc không phù hợp với nhu cầu của cộng đồng. Không giải quyết được những vấn đề này, các công ty khởi nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc vượt qua giai đoạn hạt giống hoặc ý tưởng để bước vào giai đoạn series A hay series B.

Bởi vì, nhà đầu tư sẽ luôn quan tâm đến những vấn đề như liệu sản phẩm có khả năng mở rộng quy mô hay không, liệu có lợi nhuận không. 

Các chuyên gia đã đề xuất một loạt các giải pháp thiết thực, như chuẩn hóa báo cáo ngành, tiếp cận nguồn vốn đầu tư hỗn hợp, thiết kế các khóa đào tạo về khởi nghiệp khí hậu ở cấp độ đại học để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao từ sớm.

“Đây là một lĩnh vực đang bị thiếu hỗ trợ nghiêm trọng. Tôi nghĩ lĩnh vực này cần được chú trọng giáo dục nhiều hơn, bởi vì, một lần nữa, đây là một lĩnh vực có nhiều rủi ro. Việc đầu tư vào một không gian mới nổi luôn đi kèm với nguy cơ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp”, bà Lindsay Umalla nói.