Thị trường Affiliate Marketing tăng trưởng “nóng” trên các sàn thương mại điện tử Shopee, TikTok Shop
Số lượng khách hàng "chốt đơn" qua các phiên livestream hay qua bài đánh giá của các KOL/KOC đang gia tăng. Affiliate Marketing được dự đoán là xu hướng trọng tâm trong thương mại điện tử Việt Nam từ 2025–2030...

Năm 2024, tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing) tiếp tục khẳng định vai trò là một phần quan trọng trong chiến lược tiếp thị đa kênh tại Việt Nam. Không còn chỉ là một chiến thuật hỗ trợ, mô hình này đã trở thành một phương thức tiếp thị chủ chốt giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí quảng cáo, tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn và gia tăng doanh thu trên các nền tảng thương mại điện tử.
Dự báo từ Cognitive Market Research cho thấy, quy mô thị trường tiếp thị liên kết toàn cầu sẽ đạt hơn 40 tỷ USD vào năm 2030, tăng đáng kể so với mức 17 tỷ USD năm 2023.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của ACCESSTRADE Vietnam, quy mô thị trường Affiliate Marketing đã tăng gấp ba lần từ năm 2022 đến năm 2024, với doanh thu ước tính từ 700 triệu đến 1 tỷ USD. Điều này phản ánh sự chuyển dịch mạnh mẽ của các doanh nghiệp từ quảng cáo thương hiệu truyền thống sang tiếp thị dựa trên hiệu suất (performance marketing), giúp tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả bán hàng.
AFFILIATE MARKETING VÀ SỰ BÙNG NỔ CỦA THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử là yếu tố quan trọng thúc đẩy Affiliate Marketing tại Việt Nam. Các nền tảng như Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki đang chiếm phần lớn doanh thu bán lẻ trực tuyến, với 70% tổng doanh thu thương mại điện tử bán lẻ năm 2024 (ước tính đạt 21 tỷ USD trên tổng 30 tỷ USD của thị trường).
Sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các nền tảng như Shopee và TikTok Shop cũng đóng vai trò quan trọng, giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình và hiệu quả trong việc tiếp cận khách hàng mục tiêu.
TikTok Shop đang nổi lên như một đối thủ nặng ký, đặc biệt khi 60% doanh thu của các nhà bán hàng trên nền tảng này đến từ Affiliate, với tổng GMV đạt 5 tỷ USD, trong đó 300 triệu USD thuộc về tiếp thị liên kết. Shopee Sellers đóng góp 25% vào doanh thu Affiliate, củng cố vai trò của các sàn thương mại điện tử trong việc mở rộng hệ sinh thái tiếp thị này.
Theo dự báo, TikTok Shop có thể trở thành nền tảng TMĐT dẫn đầu tại Việt Nam vào năm 2025, nhờ chiến lược mở rộng vào livestream, short video, quảng cáo và các ngành dịch vụ như F&B. Điều này cho thấy Affiliate Marketing không chỉ giúp tăng doanh số mà còn là một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái TMĐT hiện đại.
KOL/KOC, LIVESTREAM VÀ SHORT VIDEO: NHỮNG ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY AFFILIATE MARKETING
Một trong những xu hướng nổi bật nhất của Affiliate Marketing tại Việt Nam năm 2024 là sự phát triển mạnh mẽ của KOL/KOC (Key Opinion Leaders/Key Opinion Consumers) và Livestream thương mại điện tử.
Doanh nghiệp ngày càng tận dụng sức ảnh hưởng của KOL/KOC để xây dựng niềm tin với khách hàng thông qua những đánh giá chân thực và thuyết phục. Không chỉ dừng lại ở quảng bá sản phẩm, hình thức này còn giúp thương hiệu gia tăng độ nhận diện và cải thiện tỷ lệ chuyển đổi bán hàng. Livestream thương mại điện tử cũng trở thành một công cụ bán hàng hiệu quả, mang đến trải nghiệm mua sắm trực tiếp, tạo cảm giác chân thực và khuyến khích người tiêu dùng ra quyết định nhanh chóng hơn.
Bên cạnh livestream, short video (video ngắn) cũng đang trở thành một xu hướng mới trong Affiliate Marketing. Các nền tảng như TikTok, Facebook/Instagram Reels, YouTube Shorts đã giúp các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng tiềm năng một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Với nội dung ngắn gọn, dễ tiêu thụ và khả năng lan truyền mạnh mẽ, video ngắn đang dần chiếm lĩnh thị trường tiếp thị số.
Báo cáo từ TikTok Shop năm 2024 cho thấy số lượng giao dịch qua livestream đã tăng gấp đôi so với năm trước, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của hình thức bán hàng trực tuyến này. Với khả năng tương tác cao và tỷ lệ chuyển đổi ấn tượng, livestream đang trở thành một công cụ tiếp thị quan trọng, giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa doanh thu. Thống kê cho thấy tỷ lệ chuyển đổi từ người xem sang khách hàng qua livestream thường đạt 20-30%, đặc biệt khi kết hợp với các chương trình khuyến mãi và mã giảm giá độc quyền.

Bên cạnh đó, livestream còn có khả năng tiếp cận đa dạng, phù hợp với cả các thương hiệu lớn lẫn những nhà bán hàng nhỏ lẻ, tạo cơ hội kinh doanh bình đẳng trong thị trường thương mại điện tử. Một trong những yếu tố giúp livestream trở nên hiệu quả là tương tác trực tiếp và ngay lập tức giữa người bán và khách hàng.
Theo báo cáo năm 2024 từ Google/Temasek/Bain, có tới 60% người tiêu dùng Việt Nam xem livestream để mua hàng ngay khi có chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Điều này cho thấy livestream không chỉ giúp doanh nghiệp tăng doanh số mà còn tạo ra trải nghiệm mua sắm thú vị và khuyến khích hành vi mua hàng nhanh chóng.
NHỮNG THÁCH THỨC KHI ỨNG DỤNG AFFILIATE MARKETING TRONG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Dù livestream mang lại lợi ích lớn, nhưng cũng đối mặt với tình trạng khuyến mãi sâu, giảm giá đến 90%, gây áp lực cho thương hiệu. Theo ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Accesstrade, người tiêu dùng đã quen với giá rẻ từ các sàn thương mại điện tử. Điều này tạo áp lực lớn lên các thương hiệu, đặc biệt là những doanh nghiệp đa kênh. Việc phá giá không chỉ tổn hại uy tín thương hiệu mà còn gây mâu thuẫn với các kênh phân phối truyền thống.
Vì thế, theo các chuyên gia, giải pháp ứng phó của doanh nghiệp với “mặt trái của livestream” là tạo dòng sản phẩm riêng cho các phiên livestream, đó là những sản phẩm độc quyền, giảm thiểu mâu thuẫn giá và duy trì giá trị thương hiệu. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên hạn chế giảm giá sâu, tập trung ưu đãi khác như quà tặng, combo, hoặc trải nghiệm sản phẩm. Đặc biệt, chi phí sản xuất cần được tối ưu, điều chỉnh bao bì hoặc kích thước sản phẩm để giảm chi phí vận chuyển. Thay vì tập trung vào doanh số tức thì, doanh nghiệp nên coi livestream là công cụ xây dựng lòng tin và tạo khách hàng tiềm năng cho các lần mua sau.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Affiliate Marketing ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong hệ sinh thái thương mại điện tử Việt Nam, đặc biệt phù hợp với bối cảnh thị trường nội địa tăng trưởng mạnh và thương mại xuyên biên giới phát triển.
“Mô hình này giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng tiềm năng rộng lớn mà không cần đầu tư nhiều chi phí ban đầu, khi chỉ chi trả dựa trên kết quả như doanh thu hoặc lượt đăng ký”, ông Dũng nói.
Điểm nổi bật của Affiliate Marketing là tính linh hoạt và khả năng tận dụng mạng lưới đối tác đa dạng như influencer, blogger, website review, giúp doanh nghiệp mở rộng độ phủ và mang đến nội dung cá nhân hóa. Điều này đáp ứng nhu cầu trải nghiệm mua sắm trực tuyến ngày càng cao của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, doanh nghiệp cần đối mặt với ba thách thức lớn khi triển khai mô hình này. Thứ nhất là kiểm soát chất lượng đối tác, liên quan đến rủi ro gian lận như click ảo hoặc traffic kém chất lượng đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ giám sát và hệ thống quản lý minh bạch.
Thứ hai là nhận thức hạn chế về Affiliate Marketing. “Nhiều doanh nghiệp chưa tối ưu mô hình, trong khi các đối tác tiềm năng chưa khai thác hết khả năng sáng tạo. Việc đầu tư đào tạo và xây dựng quan hệ hợp tác bền vững là cần thiết”, ông Dũng nói.
Thách thức thứ ba là cạnh tranh từ các nền tảng quốc tế lớn. Vì thế, doanh nghiệp Việt cần sáng tạo trong chiến lược vận hành, ưu tiên cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, lựa chọn đối tác phù hợp và áp dụng công nghệ hiện đại.
Thực tế, Affiliate Marketing đang chứng tỏ là một trong những phương thức tiếp thị hiệu quả nhất cho các doanh nghiệp thương mại điên tử tại Việt Nam. Sự kết hợp giữa KOL/KOC, livestream, short video và thương mại điện tử đang tạo ra một hệ sinh thái Affiliate Marketing đa dạng và năng động hơn bao giờ hết. Dự đoán, Affiliate Marketing sẽ tiếp tục là xu hướng trọng tâm trong ngành thương mại điện tử tại Việt Nam trong giai đoạn 2025–2030.