14:46 05/07/2024

TP.HCM tập huấn ứng dụng AI, học hỏi Singapore, Busan xây dựng thành phố thông minh và bền vững

Bảo Bình

Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP. HCM, nhấn mạnh nâng cao nhận thức về AI và năng lực ứng dụng AI là bước chuẩn bị quan trọng để áp dụng hiệu quả các công nghệ tiên tiến vào quản lý và phát triển đô thị...

Trung tâm CĐS TP.HCM đã phối hợp với FPT Digital tổ chức tập huấn về AI cho toàn bộ nhân sự trung tâm
Trung tâm CĐS TP.HCM đã phối hợp với FPT Digital tổ chức tập huấn về AI cho toàn bộ nhân sự trung tâm

TP.HCM đang chuyển đổi thành đô thị thông minh, cải cách toàn diện chính quyền số, doanh nghiệp số và xã hội số. Là đầu tàu kinh tế của cả nước, thành phố dẫn đầu mô hình tăng trưởng mới, phát triển bền vững dựa trên nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, và phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. 

ÁP DỤNG HIỆU QUẢ CÁC CÔNG NGHỆ TIÊN TIẾN VÀO QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ

Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM giữ vai trò tham mưu trực tiếp cho Lãnh đạo thành phố định hướng và trực tiếp triển khai chương trình Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới trọng điểm của thành phố.

Nhận thức rõ trong kỷ nguyên số, AI đóng vai trò quan trọng trong phát triển thành phố thông minh và tự động hóa, việc hiểu và khai thác AI là rất cần thiết. Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM đã phối hợp với FPT Digital tổ chức tập huấn về AI cho toàn bộ nhân sự trung tâm.

"Việc nâng cao nhận thức về AI và năng lực ứng dụng AI là bước chuẩn bị quan trọng để chúng tôi có thể áp dụng hiệu quả các công nghệ tiên tiến vào quản lý và phát triển đô thị”, bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP. Hồ Chí Minh, nhấn mạnh.

Nhiều mô hình thành phố thông minh, thành phố số trên thế giới đã được giới thiệu tại buổi đào tạo, như cách thức ứng dụng các công nghệ tiên tiến, các giải pháp AI trong quản trị, điều hành và phát triển, điển hình là Busan và Singapore. Đây là những đô thị có nhiều nét tương đồng với TP.HCM, về quy mô, vị thế chính trị, kinh tế. 

Busan, với vai trò là thành phố cảng lớn nhất của Hàn Quốc, đã triển khai các hệ thống đỗ xe thông minh sử dụng AI, giúp người lái xe tìm kiếm chỗ đỗ nhanh chóng, giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông. Quản lý nước tại Busan được tối ưu hóa từ việc thu nhận nước mưa đến tinh lọc và tái sử dụng nước thải, giảm thiểu các vấn đề ngập lụt và đảm bảo nguồn cung cấp nước bền vững. 

Trong khi đó, Singapore nổi bật với việc đặt con người làm trung tâm của chiến lược phát triển thành phố thông minh. Quốc đảo này tập trung vào việc mang lại lợi ích rõ ràng về kinh tế và xã hội cho người dân. Singapore cũng chú trọng phát triển các hệ thống giáo dục và y tế cá nhân hóa, sử dụng AI để dự đoán và quản lý bệnh mãn tính, và triển khai các hệ thống học tập thích ứng. 

Những thành tựu của mô hình Chuyển đổi số tại Busan và Singapore là những bài học kinh nghiệm thực tế giúp TP. Hồ Chí Minh hoạch định kế hoạch chiến lược, chính sách hỗ trợ, khung pháp lý  và chương trình Chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh một cách phù hợp với đặc thù và nhu cầu riêng của mình.

7 PHÂN LỚP CHÍNH TRONG KHUNG QUY HOẠCH THÀNH PHỐ THÔNG MINH VÀ BỀN VỮNG

Không chỉ dừng lại ở những câu chuyện thành công, tại buổi tập huấn, ông Đoàn Hữu Hậu, Giám đốc Dịch vụ Chuyển đổi số và ứng dụng AI của FPT Digital đã trình bày về mô hình kiến trúc tổng thể với các cấu phần trọng yếu trên từng phương diện và mối tương quan giữa chúng trong hệ sinh thái thành phố thông minh. 

Chuyên gia FPT Digital đã giới thiệu nhiều mô hình thành phố thông minh, thành phố số trên thế giới.
Chuyên gia FPT Digital đã giới thiệu nhiều mô hình thành phố thông minh, thành phố số trên thế giới.

Khung quy hoạch thành phố thông minh định hướng tích hợp hệ sinh thái hướng đến bền vững và thích ứng bao gồm bảy phân lớp chính: lớp giá trị, lớp đổi mới, lớp quản trị, lớp chính sách, lớp thông tin, lớp kết nối và lớp công nghệ. 

Theo đó, lớp giá trị tập trung vào cải thiện chất lượng cuộc sống, sức khỏe, phát triển kinh tế, an toàn công cộng và bền vững. Lớp đổi mới sẽ liên tục áp dụng các công nghệ mới như bãi đỗ xe thông minh, hệ thống năng lượng thông minh... để đáp ứng nhu cầu của cư dân và doanh nghiệp. 

Lớp quản trị bao gồm các dịch vụ quản lý đô thị thông minh, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và quản lý hoạt động hiệu quả. Lớp chính sách xác định rõ quy trình và các chương trình hợp tác giữa khu vực công và tư nhân để đảm bảo quản lý và vận hành thành phố hiệu quả và minh bạch.

Lớp thông tin tập trung vào chia sẻ dữ liệu và bảo mật thông tin, giúp đưa ra các quyết định quản lý chính xác và kịp thời. Lớp kết nối đảm bảo sự liền mạch và an toàn trong các hoạt động và dịch vụ của thành phố thông qua các hệ thống mạng lưới kết nối thông minh. 

Cuối cùng, lớp công nghệ làm nền tảng cho tất cả các hoạt động vận hành trong thành phố thông minh với các công nghệ tiên tiến như IoT, AI và Big Data, giúp thành phố hoạt động hiệu quả, linh hoạt và đáp ứng nhanh chóng với mọi thay đổi và nhu cầu.

Giám đốc Dịch vụ Chuyển đổi số và ứng dụng AI của FPT Digital khẳng định: "AI không chỉ là công cụ hỗ trợ, mà còn là động lực thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững. Chúng tôi tin rằng với sự hợp tác chặt chẽ và sự cam kết từ các bên liên quan, TP.HCM sẽ nhanh chóng đạt được mục tiêu trở thành một đô thị thông minh và hiện đại."

Buổi tập huấn đã cung cấp góc nhìn toàn diện về khả năng ứng dụng AI và GenAI trong hầu hết các lĩnh vực của cấp chính quyền thành phố như giao thông, y tế, an ninh, giáo dục đến quản lý chất thải, quản lý nước, quản lý môi trường, dịch vụ công, du lịch, giải trí, kinh tế công nghiệp..., giúp lãnh đạo và cán bộ quản lý tại Trung tâm Chuyển đổi số TP. HCM hiểu rõ hơn về vai trò của công nghệ trong việc cải thiện hiệu quả hoạt động và tạo ra các giải pháp sáng tạo xây dựng một thành phố thông minh và bền vững hơn.