20:21 10/05/2025

Từ ý tưởng đến thị trường: Hành trình còn bỏ ngỏ của sinh viên khởi nghiệp

Bảo Bình

Các dự án khởi nghiệp của sinh viên sau khi tham dự các cuộc thi vẫn gặp khó khăn huy động nguồn lực hỗ trợ, để có thể tiếp tục theo đuổi, nuôi khát vọng đưa dự án trở thành doanh nghiệp…

Các sinh viên đang tham gia pitching, giới thiệu về dự án khởi nghiệp
Các sinh viên đang tham gia pitching, giới thiệu về dự án khởi nghiệp

Ngày 10/5, sự kiện tổng kết Dự án Tăng tốc khởi nghiệp tạo tác động xã hội Vietnam Sunny Impact Startup (VSIS) đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là chương trình nhằm hỗ trợ sinh viên phát triển các dự án khởi nghiệp giải quyết vấn đề xã hội và môi trường, do Quỹ The Happiness Foundation thuộc Tập đoàn SK (Hàn Quốc) phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam tổ chức, và được triển khai bởi Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển (IID).

Sau 6 tháng đào tạo, cố vấn chuyên sâu và thực hành phát triển dự án, 9 nhóm sinh viên đến từ các trường đại học trên toàn quốc đã tốt nghiệp chương trình Vietnam Sunny Impact Startup (VSIS) 2024.

TRUNG BÌNH MỖI NĂM CÓ 5.635 DỰ ÁN KHỞI NGHIỆP CỦA SINH VIÊN

Ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Sau 7 năm triển khai, các kết quả đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. 

Được tổ chức từ tháng 12/2024 đến tháng 5/2025, VSIS là sáng kiến nhằm tiếp sức cho các nhóm sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc từng tham dự Cuộc thi SV-Startup hằng năm. Chương trình cung cấp kiến thức chuyên sâu về khởi nghiệp, hỗ trợ vốn mồi, đồng hành cùng sinh viên trong quá trình phát triển sản phẩm, hướng tới thương mại hóa ý tưởng trong khi vẫn chú trọng đến các tác động xã hội tích cực.

Theo ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Học sinh – Sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo), từ năm 2020-2024, số lượng các dự án khởi nghiệp của sinh viên là 33.808 dự án, tính trung bình mỗi năm có 5.635 dự án. Số lượng các dự án khởi nghiệp của học sinh THCS, THPT là 8.700 dự án, tính trung bình mỗi năm có 1.465 dự án. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi nguồn, khởi nghiệp do cơ sở giáo dục đại học ươm tạo từ năm 2020 đến nay xấp xỉ 300 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp khởi nghiệp gọi được vốn từ các nhà đầu tư là 12 doanh nghiệp, số vốn lớn nhất là 1.000 triệu đồng/dự án.

Đánh giá về khởi nghiệp tạo tác động xã hội, PGS.TS Trương Thị Nam Thắng, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết xu hướng này đang gia tăng rõ nét tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường. Phát triển xanh là một vấn đề nóng được Chính phủ ưu tiên, vì thế đã kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của các dự án khởi nghiệp xanh. Nhiều chính sách hỗ trợ cũng đã được ban hành nhằm thúc đẩy xu hướng này.

Hơn nữa, bà Thắng cho rằng thế hệ Gen Z ngày nay có ý thức xã hội cao hơn thế hệ trước. Nhiều sinh viên sẵn sàng lựa chọn làm việc tại các doanh nghiệp xã hội hoặc tổ chức phát triển thay vì tìm kiếm công việc thu nhập cao thuần túy, bởi họ coi trọng giá trị và ý nghĩa công việc hơn.

THÁCH THỨC THƯƠNG MẠI HÓA SẢN PHẨM KHỞI NGHIỆP CỦA SINH VIÊN

Tuy vậy, một thách thức lớn đối với các dự án khởi nghiệp sinh viên là khả năng thương mại hóa. PGS.TS Trương Thị Nam Thắng cho biết cũng giống như các nhà khoa học trong viện nghiên cứu, nhiều nhóm sinh viên sở hữu sáng chế và ý tưởng đổi mới sáng tạo nhưng lại không biết cách đưa sản phẩm ra thị trường. 

“Từ kinh nghiệm đồng hành với các nhóm khởi nghiệp sinh viên từ năm 2017 đến nay, tôi nhận thấy rõ rằng phần lớn các nhóm sinh viên có nền tảng công nghệ thường thiếu hụt kỹ năng và kiến thức kinh doanh. Trong khi đó, các quỹ đầu tư luôn quan tâm đến yếu tố thương mai", PGS.TS Trương Thị Nam Thắng nói.

Đại diện nhóm BINKS thuộc Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, Đại học Đà Nẵng, giới thiệu dự án. BINKS phát triển mực viết và màu vẽ từ anthocyanin chiết xuất từ thực vật, cho độ bền màu cao, khả năng khô nhanh và chi phí thấp hơn so với sản phẩm công nghiệp hiện có.
Đại diện nhóm BINKS thuộc Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, Đại học Đà Nẵng, giới thiệu dự án. BINKS phát triển mực viết và màu vẽ từ anthocyanin chiết xuất từ thực vật, cho độ bền màu cao, khả năng khô nhanh và chi phí thấp hơn so với sản phẩm công nghiệp hiện có.

Sinh viên các ngành kinh tế – kinh doanh rất thành thạo về mặt thương mại, nhưng lại thiếu công nghệ cốt lõi, nên nhiều dự án chỉ dừng lại ở cuộc thi hoặc dùng làm trải nghiệm cá nhân. Ngược lại, sinh viên các trường công nghệ thường có nền tảng kỹ thuật vững chắc nhưng lại thiếu kỹ năng triển khai sản phẩm ra thị trường.

“Trong thực tế, nhiều sinh viên kinh doanh rất muốn tham gia vào các dự án công nghệ để thương mại hóa, và các trường kinh doanh cũng rất “thèm” những công nghệ tiềm năng này”, chuyên gia Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển cho biết.

Thực tế cho thấy môi trường lý tưởng để khởi nghiệp hiệu quả là các cơ sở giáo dục đa ngành, nơi sinh viên công nghệ và kinh doanh có thể phối hợp chặt chẽ với nhau, hoặc thông qua các chương trình ghép đôi giữa các trường. Tuy nhiên, rào cản lớn nằm ở chính hệ thống giáo dục khi các trường có xu hướng hoạt động độc lập, khó phối hợp xuyên ngành.

Ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó Vụ trưởng, Vụ Học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng cho biết việc triển khai đề án tại các nhà trường còn nhiều hạn chế, đặc biệt là nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo không được cấp thường xuyên mà chủ yếu cấp theo các hoạt động, do đó rất khó khăn trong việc xây dựng và hoạch định kế hoạch. Các dự án sau khi tham dự Cuộc thi rất khó khăn trong việc huy động nguồn lực để hỗ trợ các bạn học sinh, sinh viên tiếp tục theo đuổi dự án, tiếp tục nuôi khát vọng để đưa dự án của mình trở thành doanh nghiệp.

Hiện nay 100% các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp đã có kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. 90% học sinh trung học phổ thông, sinh viên đại học, cao đẳng được tuyên truyền, giáo dục, được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp. Tuy vậy, tỉ lệ sinh viên khởi nghiệp sau 5 năm tốt nghiệp đang ở mức 8%. 

Vì vậy, theo các chuyên gia, cần có các chương trình hỗ trợ liên tục sau giai đoạn ươm tạo trong trường đại học, để các sinh viên khi tham gia các dự án khởi nghiệp có thể gia tăng cơ hội đăng ký kinh doanh và thương mại hóa sản phẩm, chứ không phải nhằm “làm đẹp hồ sơ xin việc” và sau đó lại đi làm thuê. Mô hình lý tưởng là sự kết hợp giữa nhà nước, khu vực tư nhân và tổ chức xã hội để giúp sinh viên phát triển dự án như một quá trình học nghề, dần hình thành năng lực kinh doanh độc lập.

Ông Nguyễn Xuân An Việt cho biết Dự án VSIS được đánh giá phù hợp với bối cảnh hiện nay và sát với mục tiêu của Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với mục tiêu hỗ trợ sinh viên đưa các ý tưởng khởi nghiệp giải quyết vấn đề xã hội ra thị trường, chương trình cung cấp 10 khóa đào tạo trực tuyến, 2 vòng pitching gọi vốn và một khóa bootcamp chuyên sâu tại Hà Nội.

Trong năm 2024, dự án đã lựa chọn và ươm tạo 10 dự án khởi nghiệp tạo tác động xã hội do sinh viên đề xuất; trong số đó, 4 dự án đã được cấp vốn mồi để tiếp tục phát triển. Đến nay, cả 4 dự án này đều đã đăng ký thành lập doanh nghiệp và đang nỗ lực đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, dự án VSIS sẽ không tiếp tục trong năm 2025. 

Ngày 20/4/2025 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tổng kết Đề án 1665 giai đoạn 2017–2025 và đang chuẩn bị bước sang giai đoạn tiếp theo (2026–2035), với định hướng là “giai đoạn tăng tốc” trong việc thúc đẩy khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên.