Ứng dụng công nghệ AI để phục dựng ảnh liệt sỹ
Với công nghệ AI, quá trình phục dựng ảnh liệt sỹ chỉ mất khoảng 2 đến 3 tiếng cho mỗi bức ảnh, và với những bức ảnh dễ, thời gian có thể giảm xuống chỉ còn 10-15 phút...
Với sự đồng hành của Qualcomm, Hyratek, công ty công nghệ về AI, vừa ký thỏa thuận hỗ trợ hạ tầng AI phục vụ cho dự án phục dựng ảnh liệt sỹ đầy ý nghĩa của Thành Đoàn Hà Nội khởi xướng. Hyratek sẽ ứng dụng hạ tầng Salala AI, chuyên môn năng lực AI và cung cấp kỹ thuật cần thiết trong dự án phục dựng ảnh liệt sỹ.
Dự án này mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, ứng dụng công nghệ AI để tái hiện chân dung các anh hùng đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Công nghệ AI sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phục chế những bức ảnh cũ, mờ, hư hỏng, giúp thế hệ trẻ có cơ hội chiêm ngưỡng và tưởng nhớ các bậc tiền nhân.
Salala, điện toán biên cho AI của Hyratek, là một giải pháp cho phép xử lý dữ liệu gần nguồn phát sinh, giảm độ trễ và tăng tính bảo mật. Dự án Salala ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực điện toán biên cho AI.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, CEO của Hyratek, đã chia sẻ về cuộc gặp gỡ “có duyên” đưa Hyratek đến với dự án phục dựng ảnh liệt sỹ. “Trong một dịp tình cờ, tôi có cơ hội tiếp xúc với những người có nhu cầu ứng dụng AI vào các lĩnh vực khác nhau. Một trong những nhóm mà tôi gặp là nhóm tình nguyện viên Màu Hoa Đỏ. Họ rất tâm huyết với việc ứng dụng công nghệ AI để phục dựng lại hình ảnh của các liệt sĩ đã hy sinh”.
Theo ông Tuấn, những bức ảnh của các liệt sĩ từ trước đến nay thường rất mờ, nên nếu phục dựng bằng tay sẽ tốn rất nhiều thời gian. Công nghệ AI có thể giúp đẩy nhanh tiến trình này và tăng độ chính xác lên rất nhiều. Tuy nhiên, việc phát triển AI vẫn gặp nhiều khó khăn vì hạ tầng AI hiện tại rất đắt đỏ.
Thực tế, việc sử dụng công nghệ AI để phục chế hình ảnh sẽ giúp giảm chi phí rất lớn so với phương pháp thủ công truyền thống. Ngoài việc nâng cao chất lượng và làm rõ hình ảnh hơn, AI còn giúp tiết kiệm chi phí cả về vật chất và thời gian.
Nếu phục chế hình ảnh thủ công, mỗi bức ảnh thường mất từ 3 đến 4 ngày, thậm chí có thể kéo dài cả tuần với những bức ảnh khó. Trong khi đó, với công nghệ AI, quá trình này chỉ mất khoảng 2 đến 3 tiếng cho mỗi bức ảnh, và với những bức ảnh dễ, thời gian có thể giảm xuống chỉ còn 10-15 phút.
Với sự hỗ trợ về hạ tầng AI của Hyratek và Qualcomm, quy trình sử dụng AI để phục dựng hình ảnh sẽ được thiết kế sao cho đảm bảo chất lượng hình ảnh cao nhất và sát với nguyên bản nhất có thể.
Ông Nguyễn Tiến Hưng, đại diện Thành Đoàn Hà Nội cho biết sự hỗ trợ về mặt công nghệ và chuyên môn AI của Hyratek sẽ góp phần giúp dự án thành công và tạo ra được giá trị lớn to lớn cho gia đình các liệt sỹ và thế hệ tương lai sau này.
Bên cạnh dự án ứng dụng AI để phục dựng ảnh liệt sỹ, Hyratek và Qualcomm cũng đã chính thức công bố hợp tác chiến lược nhằm cung cấp dịch vụ hạ tầng điện toán biên (Edge Computing) và phần cứng phục vụ cho thị trường AI tại Việt Nam và trên thế giới.
Mối hợp tác của Hyratek và Qualcomm sẽ tập trung vào việc nghiên cứu tối ưu sức mạnh phần cứng Qualcomm trên các thiết bị biên của dự án Salala, phát triển và triển khai các giải pháp hạ tầng AI tiên tiến, bao gồm điện toán biên và phần cứng chuyên dụng, nhằm mang đến giải pháp hạ tầng huấn luyện và thực thi mô hình AI hiệu quả và tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp, trong bối cảnh AI đang phát triển nhanh chóng, nhu cầu về hạ tầng tính toán mạnh mẽ và linh hoạt ngày càng tăng cao.
Đặc biệt, Salala Edge Computing sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng phần cứng để huấn luyện và thực thi các mô hình AI.
Được biết, nền tảng Salala tận dụng lại tài nguyên dư thừa của hơn 8 tỷ thiết bị biên trên toàn cầu. Cùng với sự hỗ trợ từ phía Qualcomm, các giải pháp hạ tầng huấn luyện và thực thi mô hình AI giá rẻ sẽ được triển khai cho các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và ứng dụng công nghệ AI vào hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó nâng cao hiệu suất và năng lực cạnh tranh.