11:49 16/11/2018

Thương vụ 7.400 tỷ tại Vinaconex: Kịch tính vì hoài nghi “diễn viên đóng thế”

Bạch Dương

Doanh nghiệp mới một tuần tuổi, doanh nghiệp doanh thu 1,8 tỷ, hay có công ty vốn 20 tỷ nhưng sẵn sàng chi tới vài nghìn tỷ mua lô cổ phiếu Vinaconex làm dấy lên ẩn số "đóng thế"

Vinaconex đang sở hữu quỹ đất 3,2 triệu m2 phần lớn tại Hà Nội.
Vinaconex đang sở hữu quỹ đất 3,2 triệu m2 phần lớn tại Hà Nội.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố danh tính những nhà đầu tư đăng ký mua vào cổ phiếu của Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán VCG) do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước sở hữu (SCIC).

Quá nhiều "ẩn số" vụ thoái vốn tại Vinaconex

Ngày 22/11 tại HNX, SCIC sẽ bán ra 254,9 triệu cổ phiếu VCG, tương ứng 57,71% vốn. Với giá khởi điểm là 21.300 đồng/cổ phiếu, dự kiến giá trị tối thiểu của đợt thoái vốn này lên tới 5.430 tỷ đồng.

Theo SCIC, 4 nhà đầu tư đã tham gia mua bao gồm Công ty TNHH Đầu tư Star Invest, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Thăng Long TJC, Công ty TNHH An Quý Hưng và 1 cá nhân là ông Nguyễn Văn Đông. Với quy định đấu giá, nhà đầu tư muốn tham gia phải đặt cọc 10%, tương ứng 543 tỷ đồng.

Đầu tiên, ẩn số về cá nhân ông Nguyễn Văn Đông. Theo đơn đăng ký mua cổ phần khối lượng lớn trong đấu giá, ông Đông sinh năm 1980 tại Thừa Thiên Huế. Ông Đông đăng ký mua vào toàn bộ lô cổ phiếu của SCIC bán với giá trị tối thiểu 5.430 tỷ đồng với mục đích đầu tư lâu dài.

Về phương án tài chính, ông Đông cho rằng đã chuẩn bị nguồn vốn tự có và các nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo việc đấu giá và thanh toán tiền trúng giá đúng thời gian quy định. Việc một cá nhân tuổi đời còn trẻ nhưng sở hữu khối lượng tài sản lớn như vậy mà trước nay thị trường tài chính chưa từng nghe tên khiến giới đầu tư hoàn toàn bất ngờ, nhưng là thông tin thú vị.

Một ẩn số kịch tính trong vụ mua cổ phần Vinaconex đó là Công ty TNHH Đầu tư Star Invest. Công ty này vừa mới được thành lập ngày 9/11 vừa qua với ngành nghề đăng ký kinh doanh bất động sản, xây dựng nhà ở. Doanh nghiệp vừa mới một tuần tuổi với vốn điều lệ 200 tỷ đồng này cũng có giám đốc Đăng Anh Đức sinh năm 1985. Ông Đức cũng là đại diện pháp luật của công ty.

Về nguồn vốn đấu giá, Star Invest cho biết đang thu xếp đủ nguồn tài chính phục vụ kế hoạch tham gia đấu giá lô cổ phần Vinaconex để đảm bảo việc tham gia đấu giá và thanh toán tiền trúng đấu giá đúng thời gian quy định.

"Vinaconex sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn của nhà đầu tư, đem lại lợi nhuận ổn định cho cổ đông. Vì vậy công ty có định hướng gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ tận dụng mọi nguồn lực để hỗ trợ Vinaconex trong việc mở rộng thị trường, nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của Vinaconex sau khi đấu giá thành công", Star Invest - một doanh nghiệp vừa tròn 1 tuần tuổi, khẳng định trong đơn đăng kí đấu giá.

Côngty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Thăng Long TJC được thành lập năm 2008 với mức vốn điều lệ 250 tỷ đồng. Ba cổ đông góp vốn là ông Nguyễn Duy Dũng và Trần Đức Thọ sở hữu 45%, Nguyễn Việt Hưng sở hữu 10%.

Thăng Long TJC có tổng nguồn vốn chỉ 257 tỷ đồng, doanh thu thuần năm 2017 chỉ hơn 1 tỷ đồng, lỗ sau thuế 2,8 tỷ đồng. Dù kinh doanh bết bát như vậy, nhưng Thăng Long TJC vẫn đăng ký mua trọn lô cổ phiếu SCIC bán ra bằng vốn chủ sở hữu và nguồn vốn huy động hợp lệ khác.

Công ty TNHH An Quý Hưng (Chương Mỹ, Hà Nội) có vốn điều lệ 360 tỷ dồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng công trình công nghiệp, dân dụng, giao thông, thuỷ lợi… Công ty có hai cổ đông là ông Nguyễn Xuân Đông năm 70%, Đỗ Thị Thanh nắm 30%.

Công ty có tổng nguồn vốn đạt 999,6 tỷ đồng, doanh thu thuần năm 2017 đạt 956,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 62,4 tỷ. Với tình hình kinh doanh khá khẩm nhất trong 4 nhà đầu tư, An Quý Hưng được giới đầu tư đánh giá cao nhất.

Cũng trong ngày 22/11, Tập đoàn Công Nghiệp - Viễn Thông Quân Đội (Viettel) bán đấu giá 1 lô gồm 94.010.175 cổ phần, tương đương với phần vốn góp hơn 940 tỷ đồng (theo mệnh giá), chiếm 21,28% vốn điều lệ tại Vinaconex với mức giá khởi điểm 2.002.416.727.500 đồng/lô, tương đương 21.300 đồng/cổ phần.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Thăng Long Việt Nam và Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ là hai đơn vị đăng ký tham gia mua. Công ty Cổ phần Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Thăng Long Việt Nam được thành lập vào đầu năm 2010 do ông Trịnh Cần Chính là Giám đốc kiêm đại diện pháp luật. Ông Trịnh Cần Chính là con trai của nhà tư sản nổi tiếng Trịnh Văn Bô.

Còn Công ty Cường Vũ lại là một "ẩn số" bởi là lính mới vừa thành lập cuối năm 2017 với vốn điều lệ chỉ 20  tỷ đồng. Nhiều luồng thông tin cho rằng Cường Vũ chỉ là đại diện cho một đại gia bất động sản giấu mặt muốn thâu tóm Vinaconex.

Như vậy, tổng quy mô đợt thoái vốn của SCIC và Viettel tại Vinaconex vào ngày 23/11 tối thiểu là hơn 7.400 tỷ đồng.

Quỹ đất vẫn là "miếng bánh" hấp dẫn

Theo thông tin từ phía Vinaconex, công ty này đang quản lý và sở hữu 3,2 triệu m2 đất, bao gồm 131,786 m2 được giao tại 9 công trình và 3 triệu m2 đất thuê đang thực hiện đầu tư tại 7 dự án khác. Quỹ đất của Vinaconex phân bổ nhiều nơi nhưng tập trung phần lớn ở Hà Nội.

Khu đất lớn nhất của Vinaconex là 2,7 triệu m2 tại Khu công nghiệp công nghệ cao Hoà Lạc. Vinaconex đang xây dựng hạ tầng khu công nghiệp với quy mô đầu tư lên tới 1.316 tỷ đồng gồm hệ thống giao thông, cấp điện, thoát nước, xử lý chất thải… Khi hoàn thành, doanh thu từ việc cho thuê mặt bằng hạ tầng khu công nghiệp tại đây sẽ rất lớn.

Ngoài ra, Vinaconex còn sở hữu 356.171m2 Khu công nghệ cao 1 tại huyện Thạch Hoà (Hà Nội), đang cho thuê mặt bằng và hạ tầng.

Khu đất rộng tới 32.696 m2 tại xã An Khánh, Hoài Đức và đang được Vinaconex triển khai dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora).

Vinaconex cũng đang thực hiện hai dự án cải tạo chung cư cũ tại 93 - 97 - 99 Láng Hạ với tổng vốn đầu tư hơn 1.550 tỷ đồng. Đồng thời, công ty đang triển khai dự án chung cư cao 33 tầng tại 25 Nguyễn Huy Tưởng (đầu tư 637,5 tỷ đồng) và Vinata Towers (đầu tư 618,7 tỷ đồng).

Ngoài ra, Vinaconex còn sở hữu lô đất 24.000m2 hiện là Trường trung học - tiểu học - mầm non Lý Thái Tổ (Hà Nội), 8.500m2 ở Sóc Sơn (Hà Nội), 33.000m2 đất tại trạm bơm xăng tăng áp…

Rõ ràng quỹ đất rộng lớn của Vinaconex đang trở thành "miếng bánh" thu hút các nhà đầu tư trên thị trường. Điều này chứng tỏ bất động sản vẫn là ngành vô cùng hấp dẫn trong mắt giới đầu tư.

Chốt phiên giao dịch ngày 15/11, VCG có giá 17.200 đồng/cổ phiếu, thấp hơn đáng kể giá 21.300 đồng/cổ phiếu trong đợt đấu giá tới.

Là tổng công ty nhà nước đầu tiên thí điểm cổ phần hóa vào năm 2006, Vinaconex đã đưa cổ phiếu lên sàn HNX vào năm 2008. Với số vốn điều lệ ban đầu năm 2006 là 1.499,8 tỷ đồng, qua 3 lần tăng vốn, hiện nay vốn điều lệ của Tổng công ty đạt 4.417,1 tỷ đồng với 3 cổ đông lớn gồm: SCIC sở hữu 57,71% vốn cổ phần, Viettel sở hữu 21,28% và quỹ PYN Elite Fund (Non-Ucits) sở hữu 7,54%.

Năm 2018, Vinaconex đặt mục tiêu tổng doanh thu tăng thêm 9,3% so với năm trước. Theo đó, tổng doanh thu Vinaconex kỳ vọng là 19.440,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.335,8 tỷ đồng. Đối với Công ty Mẹ, do năm 2017 có khoản lợi nhuận đột biến từ việc thoái vốn ở Công ty Cổ phần Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) 760 tỷ đồng, nên nếu chỉ so sánh về số liệu thuần túy thì kế hoạch năm 2018 thấp hơn so với kết quả thực hiện năm 2017.