Bùng nổ AI buộc các công ty công nghệ phải lựa chọn M&A
Trí tuệ nhân tạo (AI) hiện là động lực định hình lại bối cảnh đầu tư công nghệ, kích thích xu hướng Sáp nhập & Mua lại (M&A) giữa các công ty trong ngành…
AI hiện là lĩnh vực thâm dụng vốn hàng đầu trong tài nguyên đầu tư toàn cầu với nhu cầu cao trong chi phí phát triển, đào tạo và vận hành. Sự ra đời của “Generative AI” (AI tạo sinh) đã làm dấy lên cuộc đua chiếm lĩnh thị trường của tất cả các công ty công nghệ. Không muốn bị bỏ lại phía sau với nhu cầu tiếp cận nhanh chóng các công nghệ mới khiến các công ty lớn đang nỗ lực thúc đẩy kế hoạch M&A với các công ty khởi nghiệp AI tiềm năng.
HÀNG LOẠT GIAO DỊCH SÁP NHẬP ĐANG ĐƯỢC THỰC HIỆN TRONG THỊ TRƯỜNG CÔNG NGHỆ
Databricks, công ty tư nhân lưu trữ và quản lý dữ liệu cho khách hàng, đã chấp nhận trả 1,3 tỷ USD để mua lại công ty khởi nghiệp AI tạo sinh MosaicML. Cùng với sự phát triển của các nguồn mở mô hình ngôn ngữ lớn của OpenAI, Mosaic cung cấp công cụ đưa công nghệ vào hoạt động bên trong của một doanh nghiệp thông qua xây dựng và tinh chỉnh các dữ liệu nội bộ.
Tuần vừa rồi, Thomson Reuters, Tập đoàn khổng lồ trong lĩnh vực tài chính có trụ sở tai Toronto (Canada) đang trả 650 triệu USD cho Casetext, một công ty AI có tuổi đời 10 năm chuyên về các dịch vụ pháp lý.
Giải thích lý do đưa ra quyết định mua lại Casetext, Giám đốc điều hành của Thomson Reuters cho biết việc các luật sư Casetext ứng dụng GPT-4 để giải quyết các vấn đề thông qua các gợi ý kết quả từ hệ thống, là động lực tốt nhất để họ thực hiện thương vụ mua lại.
Sau khi Open AI ra mắt ChatGPT vào năm ngoái, hàng loạt công ty phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn, chẳng hạn như Anthropic, Cohere và Inflection AI (vừa công bố vòng cấp vốn mới nhất trị giá 1,3 tỷ USD) đã thành công huy động hàng trăm triệu USD cùng sự hậu thuẫn từ các ông lớn để tiếp tục phát triển hệ thống AI của họ.
Trong thương vụ mua lại, chỉ những công ty có thể tạo ra các mô hình tạo sinh quy mô lớn có tính ứng dụng cho các ngành cụ thể mới được định giá cao.
NHIỀU CÔNG TY LỰA CHỌN THIẾT LẬP QUAN HỆ VỚI ĐỐI TÁC THÔNG QUA VỐN CỔ PHẦN
Trong cuộc khảo sát do công ty luật Morrison Foerster công bố từ tháng 11/2022, 80% công ty cổ phần tư nhân và 71% tập đoàn kỳ vọng khối lượng giao dịch M&A công nghệ sẽ tăng trong năm 2023, trong đó AI sẽ là lĩnh vực nóng nhất (51%).
Tuy nhiên, trong khi quyết định mua lại và sáp nhập khiến nhiều công ty công nghệ tin rằng họ có thêm nguồn lực để phát triển các sản phẩm của họ, thì nhiều công ty lại chọn trọng tâm thiết lập quan hệ đối tác lên hàng đầu thông qua giao thức đầu tư vốn cổ phần.
Đầu tháng 7, Salesforce tăng gấp đôi số tiền đầu tư vào các công ty khởi nghiệp AI lên 500 triệu USD với tham vọng đưa AI tạo sinh vào nhiều sản phẩm của mình. Tin tức này càng trở nên nóng hổi ngay sau khi gã khổng lồ phần mềm công nghệ đám mây tham gia vòng đầu tư trị giá 450 triệu USD của Anthropic.
Cũng đầu tháng 7, Oracle đã tham gia vào vòng đầu tư trị giá 270 triệu USD vào công ty mô hình lớn Cohere. Oracle tiếp tục tuyên bố họ đang hợp tác chặt chẽ với công ty khởi nghiệp để nhúng công nghệ vào các dịch vụ của họ.
Các quan hệ đối tác dựa trên cổ phần vốn chủ sở hữu vẫn mang lại cho các công ty quyền truy cập vào các công nghệ quan trọng của đối tác. Nhìn chung, thế giới công nghệ từ lâu đã hướng đến các mối quan hệ đối tác chặt chẽ để cùng triển khai các công nghệ mới quan trọng.
Tuy nhiên, trong một bài báo, Financial Times đặt ra một câu hỏi “Nếu các mô hình ngôn ngữ lớn trở thành trung tâm của tương lai công nghệ như nhiều người trong ngành tin tưởng, liệu các công ty công nghệ lớn nhất hiện nay có thuê ngoài các công nghệ hay không?”
Câu hỏi này dường như đang ẩn ý nói về Microsoft. Khoản đầu tư hơn 10 tỷ USD vào OpenAI đã làm lu mờ hàng loạt vụ mua lại và các khoản đầu tư khác trong thời điểm đó.
Phát biểu với Financial Times vào đầu năm nay, giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella mô tả mối quan hệ này như một dạng “đồng phụ thuộc”, không chỉ OpenAI phụ thuộc vào Microsoft nhiều như Microsoft với OpenAI.
Liệu các mối quan hệ đối tác công nghệ có phải là công thức cho sự phát triển ổn định cho các công ty. Giống như cách Microsoft phải phụ thuộc vào một công ty như Open AI để có công nghệ AI mới nhất như hiện tại. Cũng chưa rõ chính xác tham vọng của OpenAI sẽ phát triển như thế nào và liệu một ngày nào công nghệ AI này có thể trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Microsoft hay không…