Các đại gia công nghệ tăng tốc rót vốn cho hạ tầng công nghệ thông tin
Các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây quy mô lớn và các công ty Internet tiêu dùng sẽ tiếp tục là nhóm khách hàng sử dụng dung lượng trung tâm dữ liệu nhiều nhất trong vòng 5 năm tới…

Giữa tháng 5 vừa qua, Amazon Web Services (AWS) cùng HUMAIN, một công ty mới thành lập của Ả Rập Xê Út với sứ mệnh dẫn dắt đổi mới AI trong nước và quốc tế - đã công bố kế hoạch hợp tác chiến lược với tổng giá trị đầu tư hơn 5 tỷ USD.
Nguồn vốn này sẽ được sử dụng để xây dựng một khu vực AI tiên phong tại quốc gia này, tích hợp nhiều công nghệ hiện đại như hạ tầng và máy chủ AI chuyên biệt của AWS với các loại vi xử lý tiên tiến cùng các dịch vụ khác.
AWS trước đó cũng đã công bố kế hoạch xây dựng một vùng hạ tầng AWS tại Ả Rập Xê Út, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2026. Amazon đang đầu tư 5,3 tỷ USD cho dự án này.
ĐẨY MẠNH NĂNG LỰC TÍNH TOÁN
Không chỉ có Amazon, nhiều gã khổng lồ công nghệ lớn của Mỹ khác như Alphabet – công ty mẹ của Google, Microsoft, Meta và Oracle Corporation đang đầu tư hàng chục tỷ USD vào việc mở rộng năng lực tính toán trên toàn cầu.
Mục tiêu là nhằm phục vụ cho nhu cầu dịch vụ điện toán đám mây cùng các hoạt động liên quan đến AI đang tăng trưởng nhanh chóng.
Đơn cử, thông tin từ Reuters ngày 9/4 cho biết, Alphabet tiếp tục cam kết chi khoảng 75 tỷ USD trong năm nay cho việc xây dựng năng lực của các trung tâm dữ liệu, tìm cách trấn an các nhà đầu tư rằng những kế hoạch AI của doanh nghiệp này đang mang lại lợi nhuận tốt.
Khoản đầu tư trên sẽ được sử dụng cho việc mua chip, xây dựng các máy chủ cần thiết để cải thiện dịch vụ cốt lõi của Alphabet – dịch vụ tìm kiếm, và phát triển các dịch vụ AI như mô hình Gemini.
Microsoft cũng không nằm ngoài cuộc đua khi lên kế hoạch chi tới 80 tỷ USD trong năm tài chính 2025 kết thúc vào tháng 6 tới cho việc xây dựng các trung tâm dữ liệu có thể xử lý khối lượng công việc về AI, công ty này cho biết trong một bài đăng trên blog vào đầu tháng 1 vừa qua.
Một nửa chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Microsoft sẽ rót vào Mỹ trong bối cảnh nước này dẫn đầu cuộc đua AI nhờ vào các khoản đầu tư tư nhân lớn và các sáng kiến của doanh nghiệp Mỹ ở mọi quy mô.
Các gã khổng lồ công nghệ của Mỹ đã và đang vận hành các trung tâm dữ liệu quy mô rất lớn, hay còn gọi là “hyperscale data centers”, để cung cấp dịch vụ số cho người tiêu dùng và dịch vụ điện toán đám mây cho bên thứ ba.
Các doanh nghiệp này cũng đang xây dựng và thuê thêm dung lượng trung tâm dữ liệu mới dựa trên kỳ vọng nhu cầu tương lai sẽ tiếp tục tăng mạnh.
“Chúng tôi dự báo, các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây quy mô lớn và các công ty Internet tiêu dùng này sẽ tiếp tục là nhóm khách hàng sử dụng dung lượng trung tâm dữ liệu nhiều nhất trong vòng 5 năm tới, chiếm hơn một nửa tổng dung lượng trung tâm dữ liệu mới trên toàn cầu trong giai đoạn này”, các nhà nghiên cứu của Moody’s nhận định trong báo cáo được công bố ngày 7/5 vừa qua.

Theo ước tính của International Data Corporation (IDC), các công ty cung cấp dịch vụ đám mây và các nhà vận hành trung tâm dữ liệu siêu lớn (hyperscalers) chiếm tới 44% tổng công suất trung tâm dữ liệu được lắp đặt trên toàn cầu vào năm 2023, thậm chí trước khi quá trình xây dựng AI bùng nổ.
Chi tiêu vốn của 5 công ty cung cấp dịch vụ siêu quy mô hàng đầu của Mỹ, bao gồm Amazon Web Services, Microsoft, Alphabet, Meta và Oracle, đã tăng 66%, cán mốc 211 tỷ đô la (không bao gồm hợp đồng cho thuê tài chính) vào năm ngoái, với mức tăng trưởng chủ yếu nhờ đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI.
Ngoài việc xây dựng năng lực trung tâm dữ liệu, tổng chi tiêu vốn của các doanh nghiệp này còn bao gồm GPU – chip chuyên dụng đắt tiền cần thiết để cung cấp năng lượng cho AI; CPU – chip đa năng nằm ở trung tâm của hệ thống máy tính; cũng như thiết bị lưu trữ và mạng.
Sự phát triển nhanh chóng của AI cũng đã tạo ra một nhóm công ty khởi nghiệp "đám mây mới" chuyên về các dịch vụ AI, chẳng hạn như Coreweave, Crusoe và Lambda.
THÁCH THỨC TRƯỚC MẮT
Các nhà nghiên cứu của Moody’s đánh giá, nguy cơ Mỹ áp thuế cao hơn, các động thái trả đũa từ các đối tác thương mại và những bất ổn kinh tế vĩ mô gia tăng xuất phát từ chính sách thương mại của Mỹ đang làm tăng rủi ro đối với kế hoạch đầu tư hạ tầng AI.
Nếu thuế quan được áp dụng, chi phí nhập khẩu sản phẩm công nghệ vào Mỹ sẽ tăng lên. Các hoạt động kinh doanh cốt lõi của nhóm công ty siêu lớn về cơ bản có tính chu kỳ theo kinh tế và sẽ chịu tác động nếu điều kiện kinh tế xấu đi.
“Việc đầu tư hạ tầng AI cũng không miễn nhiễm với áp lực kinh tế vĩ mô, nhưng chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là phần kiên cường nhất trong danh mục chi tiêu công nghệ của doanh nghiệp. AI là một công nghệ mang tính chuyển đổi, với tiềm năng tăng năng suất trong nhiều lĩnh vực kinh doanh và đời sống người tiêu dùng”, các nhà nghiên cứu của Moody’s phân tích.
Hiện đang diễn ra một cuộc đua quyết liệt nhằm dẫn đầu lĩnh vực này. Vì thế, các hyperscalers sẽ coi việc mở rộng trung tâm dữ liệu là ưu tiên chiến lược nếu không muốn đánh mất vị thế và thị phần.
Moody’s dự báo, các bộ xử lý tăng tốc tính toán của Nvidia – vốn vận hành phần lớn các tác vụ AI hiện nay – sẽ tiếp tục khan hiếm trong năm 2025. Các hyperscalers có thể điều chỉnh kế hoạch chi tiêu giữa năng lực trung tâm dữ liệu và thiết bị công nghệ thông tin, nhưng khả năng cao là tổng chi tiêu vốn của những doanh nghiệp này sẽ vẫn tăng, miễn là mức thuế áp lên thiết bị bán dẫn và phần cứng công nghệ thông tin nhập khẩu không tăng đáng kể so với hiện tại.
Rủi ro lớn hơn đối với kế hoạch chi tiêu công nghệ thông tin của các hyperscalers đến từ triển vọng kinh tế suy giảm, bởi Amazon, Meta và Alphabet có các mảng kinh doanh ngoài đám mây phụ thuộc chặt chẽ vào chu kỳ kinh tế.
Những mảng này bao gồm đế chế bán lẻ khổng lồ và mảng quảng cáo của Amazon, mảng quảng cáo của Meta và dịch vụ tìm kiếm Google của Alphabet.
Microsoft và Oracle cũng không tránh khỏi nguy cơ doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu công nghệ thông tin trong nền kinh tế yếu kém, nhưng mảng phần mềm của họ hiện chưa đối mặt với nguy cơ bị áp thuế cao hơn. Tính chất doanh thu định kỳ của phần mềm và tỷ lệ lớn hợp đồng mua phần mềm theo hình thức cấp phép định kỳ giúp các công ty này có khả năng chống chịu tốt hơn trong điều kiện kinh tế suy giảm.