Các hãng thương mại điện tử Trung Quốc cạnh tranh khốc liệt về tốc độ giao hàng
Các chuyên gia cảnh báo cuộc chiến giành ngôi vương giao hàng tức thời tại Trung Quốc có thể kéo dài và tốn kém…

Hai "ông lớn" thương mại điện tử Trung Quốc, JD.com và Alibaba, đang bước vào một cuộc chiến quyết liệt, giành giật thị phần trong thị trường bán lẻ tức thời đang phát triển mạnh mẽ tại nước này. Với việc tung ra các ưu đãi giảm giá lớn, hai tập đoàn đang nỗ lực thu hút người tiêu dùng trong bối cảnh chi tiêu suy giảm.
Theo Financial Times, trong những tháng gần đây, JD.com và Alibaba đã triển khai các dịch vụ giao hàng nhanh, cung cấp thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu trong vòng 30 phút nhờ đội ngũ tài xế riêng. Điều này làm gia tăng cạnh tranh trong một lĩnh vực vốn bị thống trị bởi Meituan, trụ sở tại Bắc Kinh, trong vài năm qua.
JD.COM VÀ ALIBABA CẠNH TRANH KHỐC LIỆT TRONG CUỘC CHIẾN GIÁ
Alibaba đang rót 7 tỷ USD để quảng bá dịch vụ Taobao Shangou, trong khi JD.com đầu tư 1,4 tỷ USD trong năm tới để mở rộng mảng giao đồ ăn, trong cuộc đua trở thành "ứng dụng hàng ngày" hàng đầu của Trung Quốc cho các giao dịch hàng hóa và dịch vụ.
Các thành phố Trung Quốc hiện ngập tràn quảng cáo về các dịch vụ mới của Alibaba và JD.com. Trong đó, JD.com đặc biệt thu hút người mua bằng cách bán cà phê và trà sữa với giá chỉ 0,25 USD. Các nhà phân tích cho rằng động thái này gợi nhớ đến "cuộc chiến phiếu giảm giá" cách đây 10 năm, khi các tập đoàn công nghệ như Baidu, Alibaba cùng các startup Meituan và Dianping tung ra các chiến dịch trợ giá mạnh mẽ trong một thị trường tiêu dùng đang bùng nổ.
"Chúng ta đang quay lại cuộc chiến giá cả năm 2016", giám đốc cấp cao của một công ty giao hàng hàng đầu Trung Quốc nhận định. "Trong nhiều năm, các công ty này giữ vững lĩnh vực của mình. Giờ đây, họ lại xâm phạm lãnh thổ của nhau với các chiến lược trợ giá”.
Thị trường mua sắm tức thời non trẻ của Trung Quốc được dự báo sẽ đạt 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (209 tỷ USD) vào năm 2030, tăng từ khoảng 600 triệu nhân dân tệ trong năm 2024, theo các nhà phân tích của Goldman Sachs. Họ ước tính ba công ty này đã chi tổng cộng 3 tỷ USD cho giao đồ ăn và bán lẻ tức thời trong quý thứ hai.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo cuộc chiến giành ngôi vương giao hàng tức thời tại Trung Quốc có thể kéo dài và tốn kém. Khác với làn sóng trợ giá đầu tiên, cuộc chiến hiện tại diễn ra trong bối cảnh tâm lý tiêu dùng ảm đạm và nền kinh tế yếu kém.
"Thị trường giao hàng đã tương đối trưởng thành, nên không còn tiềm năng tăng trưởng như cách đây 10 năm”, Robin Zhu, nhà phân tích internet tại Bernstein, nhận định.
Cuộc chiến này đã khiến giá cổ phiếu của Alibaba giảm 25% kể từ mức cao giữa tháng 3/2025, khi nhà đầu tư lo ngại cạnh tranh gay gắt sẽ kéo dài ảnh hưởng đến lợi nhuận. Giá cổ phiếu của Meituan giảm 35% và JD.com giảm 31% trong cùng kỳ.
CẢI THIỆN PHÚC LỢI AN SINH XÃ HỘI CHO CÁC SHIPPER NHẰM THU HÚT TÀI XẾ
Meituan, chiếm khoảng 70% thị trường giao đồ ăn Trung Quốc, cam kết bảo vệ doanh nghiệp "bằng mọi giá." Tập đoàn này đã tăng ưu đãi cho người tiêu dùng và đầu tư vào các nhà bếp tập trung, nơi các thương nhân chuẩn bị thực phẩm tại cơ sở do Meituan vận hành nhằm cải thiện an toàn thực phẩm và giảm chi phí giao hàng.
Alibaba và JD.com được tiếp thêm động lực nhờ một chiến dịch trợ giá gần đây từ chính phủ, khuyến khích người tiêu dùng nâng cấp thiết bị điện tử, nhưng không bao gồm các nền tảng của Meituan và PDD Holdings.
Sự tấn công mạnh mẽ của JD.com vào thị trường giao đồ ăn kể từ tháng 2/2025 đã giúp họ giành được một phần đáng kể thị phần. Đến tháng 6/2025, trung bình mỗi ngày họ nhận được 25 triệu đơn hàng giao đồ ăn. Chiến dịch này do Richard Liu, nhà sáng lập kiêm chủ tịch, dẫn dắt, đánh dấu sự trở lại công khai của vị tỷ phú công nghệ sau khi điều hành công ty từ nước ngoài kể từ khi từ chức CEO vào năm 2022.
Dịch vụ Taobao Shangou mới của Alibaba, được hình thành bằng cách tích hợp mảng giao đồ ăn Ele.me với các nền tảng bán lẻ Taobao và Tmall, cũng làm tăng thêm cạnh tranh.
"Cơ cấu lại này đã biến Alibaba thành một đối thủ đáng gờm hơn," một giám đốc của Meituan nhận xét.
Cạnh tranh về tài xế đã khiến Meituan cải thiện phúc lợi an sinh xã hội cho các shipper sau khi JD.com tung ra các khoản thưởng cho tài xế trong đợt ra mắt tháng 2/2025. Tháng trước, Wang Xing, nhà sáng lập kiêm CEO của Meituan, đã công khai kêu gọi chấm dứt các cuộc chiến trợ giá, đề nghị cơ quan quản lý can thiệp để ngăn các công ty làm méo mó thị trường bằng sức mạnh tài chính.
"KẺ CHIẾN THẮNG CUỐI CÙNG CÓ THỂ CHỈ ĐẠT ĐƯỢC MỘT CHIẾN THẮNG TỐN KÉM"
"Tôi tin rằng trách nhiệm của cơ quan quản lý là chấm dứt cạnh tranh trợ giá không lành mạnh và không hợp lý. Nhiệm vụ của chúng tôi là chiến thắng miễn là cuộc chiến này vẫn được phép tiếp diễn", ông nói.
Bình luận của ông được đưa ra sau khi các quan chức chống độc quyền gặp gỡ lãnh đạo của nhiều công ty giao hàng vào tháng 5/2025 để khuyến khích "cạnh tranh lành mạnh".
"Các cơ quan quản lý đang tập trung hơn vào cuộc chiến giá cả trong lĩnh vực xe điện hơn là giao hàng tiêu dùng", một lãnh đạo thương mại điện tử cho biết.
Chelsey Tam, nhà phân tích cổ phiếu cấp cao tại Morningstar, cho rằng các khoản trợ giá của Meituan sẽ giúp giảm thiệt hại, ước tính thị phần giao đồ ăn của họ có thể giảm xuống còn 60% trong thập kỷ tới.
"Meituan vẫn có chất lượng dịch vụ và sự đa dạng tốt nhất, vì vậy việc tiếp tục trợ giá để củng cố lòng trung thành của khách hàng là rất quan trọng", Tam nhận định.
Chuyên gia cho rằng chưa rõ cuộc chiến bán lẻ mới này sẽ kéo dài bao lâu. "Các công ty lớn đều có tiềm lực tài chính để duy trì cuộc chiến này", Zhu của Bernstein bổ sung. "Nhưng kẻ chiến thắng cuối cùng có thể chỉ đạt được một chiến thắng tốn kém".