17:28 03/10/2024

Các nhà đầu tư Trung Quốc chuyển hướng sang thị trường mới nổi và dự án xanh

Sơn Trần

Theo một số dữ liệu mới nhất, xu hướng đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc dần thay đổi sau đại dịch…

Xu hướng đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc dần thay đổi sau đại dịch.
Xu hướng đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc dần thay đổi sau đại dịch.

Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đang chuyển từ các nền kinh tế tiên tiến như Mỹ và châu Âu sang một số thị trường mới nổi và ngày càng tập trung vào dự án xanh, theo Kr Asia.

Sau đại dịch Covid-19, dòng vốn tăng trở lại trong hai năm qua. Đã có khoản đầu tư được công bố đạt trị giá 103 tỷ USD vào năm 2023, nhưng nhìn chung mức đầu tư vẫn thấp hơn nhiều so với những năm trước đó.

Theo Rhodium Group, nhóm phân tích kinh tế độc lập có trụ sở tại New York, doanh nghiệp Trung Quốc có xu hướng tìm kiếm thị trường gần, và châu Á trở thành khu vực nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất của Trung Quốc kể từ năm 2017. 

Năm 2023, 72% giao dịch đầu tư ra nước ngoài được công bố từ Trung Quốc diễn ra ở các nước không nằm trong danh sách nền kinh tế tiên tiến, theo định nghĩa của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Với một số nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, Malaysia và Indonesia ghi nhận ít nhất 1 tỷ USD đầu tư từ Trung Quốc trong hai năm 2023 và 2024.

Vốn của Trung Quốc cũng chảy mạnh đến nhiều nơi khác, chẳng hạn như châu Phi, Mỹ Latinh và Trung Đông. Năm ngoái, tổng thị phần tại Bắc Mỹ và châu Âu đã giảm xuống dưới một nửa tổng vốn đầu tư hàng năm.

YẾU TỐ GÓP PHẦN THÚC ĐẨY SỰ THAY ĐỔI

Giới chuyên gia nhận định, nhiều yếu tố khác nhau góp phần thúc đẩy sự thay đổi này, bao gồm chính sách kiểm soát vốn chặt chẽ của Trung Quốc đối với hoạt động đầu tư ở nước ngoài. Tháng 7/2023, Trung Quốc tuyên bố hạn chế xuất khẩu đối với khoáng sản quan trọng. 

Hơn nữa, lượng vốn đầu tư cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ chiến dịch chống tham nhũng và thị trường bất động sản suy thoái - “cơn bão” đã quật ngã hai gã khổng lồ bất động sản Evergrande và Country Garden.

Bên cạnh đó, căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thúc đẩy sự giám sát chặt chẽ hơn tại các bang Hoa Kỳ về khoản đầu tư của Trung Quốc. Trích dẫn lo ngại về an ninh quốc gia, Hoa Kỳ ngày càng giám sát chặt chẽ mọi khoản đầu tư của Trung Quốc thông qua Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ.

Cuộc khảo sát doanh nghiệp Trung Quốc tại Hoa Kỳ do Phòng Thương mại Trung Quốc - Hoa Kỳ công bố vào tháng 6 cho thấy hơn một nửa số người được hỏi ghi nhận sự suy giảm thị trường.

Châu Âu cũng soạn thảo những quy định mới, chẳng hạn như quy định chống trợ cấp, nhằm giải quyết vấn đề an ninh kinh tế và tạo ra sân chơi bình đẳng.

Năm 2016, gần 70% tổng số tiền đầu tư được công bố đã đổ vào các nền kinh tế như châu Âu và Bắc Mỹ, dựa trên cơ sở dữ liệu "Giám sát xuyên biên giới Trung Quốc" mới.

"Trong thập kỷ bùng nổ FDI, hơn một nửa số vốn đầu tư của Trung Quốc hướng đến châu Âu và Bắc Mỹ, đây là những nền kinh tế an toàn với cơ sở tài sản trưởng thành và cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc", ba nhà phân tích ông Thilo Hanemann, ông Armand Meyer và bà Danielle Goh của Rhodium Group viết.

XU HƯỚNG ĐẦU TƯ MỚI

8 năm qua, nhà đầu tư Trung Quốc đã quan tâm nhiều hơn đến các dự án xanh. 
8 năm qua, nhà đầu tư Trung Quốc đã quan tâm nhiều hơn đến các dự án xanh. 

Theo đó, nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu chuyển sang một số dự án xanh trong tám năm qua, với các thương vụ sáp nhập và mua lại giảm đáng kể kể từ năm 2016.

Sự thay đổi đó là khởi đầu cơn sốt mua sắm toàn cầu của Trung Quốc vào giữa những năm 2010, khi FDI Trung Quốc đạt đỉnh khi gã khổng lồ bất động sản và giải trí Dalian Wanda Group mua lại Legendary Entertainment và Tencent Holdings thâu tóm nhà phát triển trò chơi di động Supercell của Finish.

Các dự án đầu tư mới là loại hình đầu tư bắt đầu từ con số không, chẳng hạn như xây dựng một dự án trên địa điểm chưa phát triển. Trong bối cảnh rào cản thương mại ngày càng tăng với hàng hóa Trung Quốc, giới đầu tư luôn cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng. 

Rhodium Group cũng chỉ rõ mức độ cạnh tranh ngày càng tăng của các công ty Trung Quốc trong ngành công nghiệp như xe điện, chẳng hạn như nhà đầu tư bơm tiền xây dựng nhà máy xe năng lượng mới và pin ở nước ngoài.

Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc vào sản xuất vật liệu pin và sản xuất pin chiếm tỷ trọng lớn trong giao dịch chuỗi cung ứng EV.

"Mặc dù hoạt động M&A có thể phục hồi trong những năm tới, nhưng FDI xanh vẫn là động lực quan trọng trong đầu tư ra nước ngoài tổng thể của Trung Quốc so với thập kỷ trước", các tác giả từ Rhodium Group viết.

Nhóm nhà phân tích lưu ý chỉ có hai phần ba giá trị đầu tư được công bố trong suốt hai thập kỷ qua trở thành hiện thực. Tuy nhiên, sự thay đổi trong hành vi đầu tư của Trung Quốc giúp quốc gia này tăng sức ảnh hưởng kinh tế hơn ở Nam bán cầu.

"Trong quá khứ, sự hiện diện của Trung Quốc tại một số nền kinh tế mới nổi thường dưới hình thức ngân hàng Trung Quốc tài trợ cơ sở hạ tầng và sử dụng công nhân Trung Quốc", các tác giả viết. "Giờ đây, một vài công ty Trung Quốc như BYD đang xây dựng kế hoạch FDI gắn liền với địa phương, giúp tạo ra việc làm, cung cấp sản phẩm với giá cả hấp dẫn".

"Nhiều chính phủ mong muốn hạn chế sức ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc giờ đây phải đối mặt với những thách thức khó khăn hơn", theo Rhodium. "Hiện nay, họ phải cạnh tranh không chỉ với nguồn tài chính được hậu thuẫn từ Bắc Kinh, mà còn loạt công ty đa quốc gia hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế địa phương".