Các nhà khoa học vừa phát minh bao bì thức ăn nhanh làm từ rong biển
Bánh burger, thức ăn nhanh của bạn có thể sắp được gói trong rong biển…
Bánh mì kẹp thịt, khoai tây chiên có thể là những món ăn ngon. Tuy nhiên, những tác động từ bao bì bằng nhựa chống thấm dầu không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tích tụ trong chính cơ thể con người.
May mắn thay, một bước đột phá mới đã đưa các nhà khoa học tiến gần hơn với giải pháp thay thế bền vững, đó là sử dụng bao bì thức ăn nhanh bằng rong biển.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Flinders Australia đã hợp tác với một nhà phát triển vật liệu sinh học của Đức để sản xuất chất tạo màng sinh học dựa trên rong biển. Tiến sĩ Zhongfan Jia, nhà nghiên cứu chính tại Viện Khoa học và Công nghệ nano Flinders, cho biết loại bao bì này có thể tái sử dụng như giấy.
Tiến sĩ Jia giải thích: “Các chất chiết xuất từ rong biển có cấu trúc tương tự như các sợi tự nhiên được tạo ra từ giấy. Chúng tôi thúc đẩy đặc tính kháng dầu mỡ của tảo bẹ biển thông qua các sửa đổi đơn giản trong khi không ảnh hưởng đến khả năng phân hủy sinh học cũng như khả năng tái chế của của chúng”.
Nguồn cung rong biển đang có tại đường bờ biển Nam Úc. Giờ đây, One * Five, một công ty vật liệu sinh học của Đức đang cố mở rộng quy mô sản xuất từ phòng thí nghiệm đến nhà máy sản xuất.
Claire Gusko, đồng sáng lập của công ty, có một tin vui cho sản phẩm: “Chúng tôi có thể giảm thiểu ô nhiễm nhựa có hại với sản phẩm này và chúng tôi cũng đang sử dụng nguyên liệu thô có khả năng tái tạo. Bên cạnh đó, nuôi trồng rong biển tự nhiên cũng giúp cải tạo môi trường biển, giảm khí nhà kính và giảm xói mòn bờ biển. Điều quan trọng đối với chúng tôi là sử dụng đầu vào bền vững để đảm bảo các sản phẩm an toàn với môi trường, từ cái nôi đến đầu nguồn cung dây chuyền sản xuất”.