18:48 20/05/2025

Các nhà lãnh đạo công nghệ đang gấp rút triển khai tác nhân AI

Bảo Ngọc

Nghiên cứu mới cho thấy hầu hết Giám đốc Công nghệ đang nỗ lực triển khai AI tại nơi làm việc…

Nhiều doanh nghiệp gấp rút triển khai AI nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Nhiều doanh nghiệp gấp rút triển khai AI nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Theo Tech.co, nghiên cứu gần đây chỉ ra đa số Giám đốc Công nghệ rất mong muốn cải thiện doanh nghiệp bằng Agentic AI (tác nhân AI), công nghệ với khả năng mạnh mẽ và linh hoạt hơn so với chatbot truyền thống.

Mặt khác, các nhà lãnh đạo, mặc dù lạc quan về AI, cũng thừa nhận mối quan tâm lớn nhất là bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư. Nghiên cứu cũng phát hiện các công ty quan tâm đến việc nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động nhằm thích ứng với công nghệ mới và có thể tăng cường tuyển dụng khi áp dụng công cụ mới.

Tất nhiên, mặc dù doanh nghiệp hiện đang nỗ lực chạy đua áp dụng AI, vẫn còn nhiều kết luận trái chiều về việc liệu trí tuệ nhân tạo có phải là yếu tố đảm bảo thành công hay không.

CÁC GIÁM ĐỐC CÔNG NGHỆ MONG MUỐN TÁC NHÂN AI CÓ MẶT TẠI NƠI LÀM VIỆC CÀNG SỚM CÀNG TỐT

Theo cuộc thăm dò mới nhất từ Ernst & Young Technology Pulse Poll, hầu hết công ty công nghệ và lãnh đạo đều đang hành động nhanh chóng nhằm đưa tác nhân AI vào nơi làm việc. Cuộc thăm dò đã khảo sát hơn 500 giám đốc doanh nghiệp vào tháng 4/2025.

Phát hiện tập trung vào việc triển khai AI và khoảng gần một nửa (48%) số người được hỏi cho biết đã ít nhất bắt đầu triển khai tác nhân AI trong tổ chức. Tương tự, một nửa số người tham gia khảo sát kỳ vọng 50% tác vụ liên quan tới AI sẽ hoàn toàn tự động trong 2 năm tới.

Nhóm nhà lãnh đạo công nghệ dường như đang chuyển hướng sang tác nhân AI thay vì chatbot truyền thống, nhận định đây là hình thức có khả năng và sinh lợi cao hơn.

Trong khi chatbot truyền thống hướng nhiều hơn đến tính tương tác, các tác nhân AI lại ưu tiên tính tự chủ và khả năng thực hiện nhiệm vụ phức tạp, từ đó trở thành công cụ cực kỳ hữu ích trong doanh nghiệp.

VẤN ĐỀ AN NINH VÀ NÂNG CAO KỸ NĂNG AI

Điểm đáng chú ý là 49% lãnh đạo công nghệ tham gia khảo sát nhấn mạnh mối quan tâm hàng đầu liên quan đến AI là quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, cao hơn 19% so với khảo sát năm 2024.

Con số vẫn chiếm ưu thế mặc dù thực tế là 73% nhà lãnh đạo cho biết đã thiết lập khuôn khổ quản lý rủi ro về bảo mật và quyền riêng tư nhằm giám sát các quyết định do AI thúc đẩy. Ông Brian Hopkins, Phó Chủ tịch phụ trách Công nghệ mới nổi tại Forrester, đã thảo luận về vấn đề bảo mật AI trong bài đăng trên blog: "Ranh giới rõ ràng, khuôn khổ quản lý và mức độ tin cậy phải phát triển cùng với công nghệ".

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng quan tâm đến việc điều chỉnh lực lượng lao động thích ứng công nghệ mới. Phần lớn nhà lãnh đạo công nghệ (84%) tiết lộ đang có kế hoạch tuyển thêm nhân sự trong sáu tháng tới khi doanh nghiệp tiến hành áp dụng nhiều công cụ AI hơn.

Hơn một nửa số người được hỏi đồng thời cho biết đang tập trung nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động hiện tại khi công nghệ mới ngày càng trở nên phổ biến.

CUỘC ĐUA AI CHƯA CÓ DẤU HIỆU HẠ NHIỆT

Thực tế, các công ty đều gặp phải một số thách thức nhất định khi cố gắng triển khai công nghệ AI trước đối thủ cạnh tranh. Nhưng ở chiều hướng lạc quan, hơn một nửa (58%) nhà lãnh đạo được hỏi tin rằng tổ chức của mình đang đi trước đối thủ về đầu tư trí tuệ nhân tạo.

Đặc biệt, nhiều báo cáo, chẳng hạn như nghiên cứu mới nhất của Microsoft về Frontier Firms (tạm dịch: Tổ chức Tiên phong), đưa ra đề xuất mang tính cấp bách — rằng doanh nghiệp nên nhanh chóng triển khai AI, hoặc có nguy cơ bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, lời cảnh báo gây hoang mang đã khiến nhiều công ty triển khai AI chỉ vì lý do cạnh tranh đơn thuần, ngay cả khi không nhìn thấy lợi tức đầu tư đáng kể.

Theo Ernst & Young, bất chấp vô số thách thức hiện nay, nhiều nhà lãnh đạo vẫn lạc quan về mặt tích cực của AI, ngay cả khi doanh nghiệp phải đối diện với áp lực ngày càng tăng về việc "phải chứng minh lợi tức đầu tư hiện tại thông qua việc đo lường kết quả doanh thu và lợi nhuận ròng thực tế".