08:00 16/04/2024

Căng thẳng Mỹ - Trung mở đường cho các trung tâm công nghệ mới nổi như Malaysia và Ấn Độ

Bảo Ngọc

Hàng loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ do Hoa Kỳ và Trung Quốc áp đặt đã buộc nhiều nhà sản xuất chip phải tìm kiếm vùng đất mới nhằm hỗ trợ sản xuất, trong đó Malaysia và Ấn Độ nổi lên như trung tâm công nghệ mới…

Căng thẳng Mỹ - Trung tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều quốc gia như Malaysia và Ấn Độ thu hút nhà sản xuất chip.
Căng thẳng Mỹ - Trung tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều quốc gia như Malaysia và Ấn Độ thu hút nhà sản xuất chip.

Vi mạch hay gọi tắt là chip, là một phần không thể thiếu của bất kỳ thiết bị nào trong ngành công nghệ hiện đại. Chứa hàng tỷ bóng bán dẫn, mỗi bóng bán dẫn được đo ở cấp độ nano, sự phát triển vượt bậc của chip ngày nay đã cung cấp sức mạnh tính toán và bộ nhớ cần thiết giúp điều khiển hầu hết thiết bị kỹ thuật số, theo KrASIA. 

Tuy nhiên, quá trình xuất khẩu toàn cầu những tấm wafer silicon nhỏ bé này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi vô vàn hạn chế do cả Hoa Kỳ và Trung Quốc áp đặt trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị dâng cao.

GIẰNG CO KHÔNG HỒI KẾT GIỮA HAI ÔNG LỚN

Vào năm 2022, chính quyền Tổng thống Biden đã cập nhật nhiều biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với chip tiên tiến và thiết bị sản xuất chất bán dẫn, buộc các công ty sử dụng công nghệ của Hoa Kỳ phải tách khỏi hệ thống nhà máy và nhà thiết kế chip tại Trung Quốc.

Ngay lập tức, Trung Quốc cũng trang bị nhiều biện pháp kiểm soát xuất khẩu riêng đối với hai chất hiếm germanium và gali, là nguyên liệu thô thiết yếu được sử dụng trong sản xuất chip, bắt đầu áp dụng vào đầu năm 2023. Chính phủ Bắc Kinh sau đó ban hành lệnh cấm Micron, nhà sản xuất chip lớn nhất Hoa Kỳ, tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng sau khi tiến hành đánh giá mức độ an toàn an ninh mạng không thành công.

Sự gián đoạn kéo theo ảnh hưởng nghiêm trọng đến triển vọng của các công ty trong ngành, buộc một số ông lớn phải tìm cách đa dạng hóa hoạt động hoặc chuyển chuỗi cung ứng sang các quốc gia khác. Đáng chú ý, Malaysia và Ấn Độ đã có bước nhảy vọt trong ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó Malaysia dẫn đầu như điểm đến lý tưởng nhất cho các nhà máy sản xuất chip hiện nay.

MALAYSIA TẬN DỤNG ƯU ĐÃI VÀ KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ TRONG NGÀNH

Ngành công nghiệp bán dẫn Malaysia phát triển không ngừng trong 50 năm qua, tập trung vào khâu sản xuất chất bán dẫn, đặc biệt là hoạt động đóng gói, lắp ráp và thử nghiệm chip. Hiện nay, Malaysia chiếm 13% thị trường toàn cầu về sản xuất chất bán dẫn phụ trợ, thu hút mối quan tâm lớn từ các công ty tại Trung Quốc, Châu Âu, Hoa Kỳ và một số khu vực khác.

Cùng với lịch sử và kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực, Chính phủ Malaysia đã đưa ra hàng loạt ưu đãi cho các nhà sản xuất muốn đầu tư vào nước này. Các công ty được cấp “Chứng nhận Tiên phong” (Pioneer Status - PS), miễn thuế đối với 70% thu nhập theo luật định trong thời gian 5 năm đầu tiên. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể nộp đơn xin “Trợ cấp Thuế đầu tư” (Investment Tax Allowance - ITA), được khấu trừ thuế tương đương 60% chi phí vốn trong 5 năm kể từ ngày cấp. Khoản trợ cấp cũng có thể sử dụng để bù đắp tới 70% thu nhập theo luật định của công ty. Ngoài ra, còn có một số ưu đãi khác dành cho đầu tư mới vào lĩnh vực do Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia (MIDA) quản lý và hỗ trợ.

Tại Penang, chính quyền bang cũng có cơ quan riêng chuyên hỗ trợ đầu tư, được gọi là InvestPenang. Tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí về địa điểm kinh doanh, nhiều ưu đãi và hỗ trợ mở rộng mạng lưới đối tác, nhà cung cấp cũng như trung gian cho các công ty.

Những nỗ lực của Malaysia có vẻ đã mang lại kết quả khả thi, ghi nhận làn sóng gần đây nhiều công ty bán dẫn lớn bị thu hút bởi ưu đãi và cơ sở hạ tầng mạnh mẽ tại nước này.

Ví dụ, công ty công nghệ Trung Quốc xFusion, một đơn vị cũ thuộc Huawei, đã hợp tác với NationGate của Malaysia và khai trương cơ sở cung ứng toàn cầu đầu tiên tại Penang. Chi nhánh trị giá 1,7 tỷ MYR (khoảng 356,3 triệu USD), cung cấp đầy đủ sản phẩm của xFusion, bao gồm cả các máy chủ GPU đời mới nhất.

Nhà sản xuất chip lớn nhất của Đức, Infineon, sẽ đầu tư tới 5 tỷ EUR (5,3 tỷ USD) vào Kulim (Kedah, Malaysia), với mục tiêu xây dựng “cơ sở chế tạo cacbua silic 200 mm lớn nhất thế giới”.

Nhiều gã khổng lồ Hoa Kỳ như Intel và Micron cũng đang rót những khoản đầu tư táo bạo vào Malaysia. Micron vừa khai trương cơ sở thử nghiệm và lắp ráp trị giá hàng tỷ USD ở Penang, hứa hẹn một khoản bổ sung lên tới 1 tỷ USD phục vụ mở rộng công suất nhà máy. Tương tự, Intel đã đầu tư 7 tỷ USD để xây dựng cơ sở thử nghiệm và đóng gói chip ở Malaysia, dự kiến ​​bắt đầu đi vào hoạt động năm 2024.

Trụ sở Micron tại Penang (Malaysia).
Trụ sở Micron tại Penang (Malaysia).

ẤN ĐỘ TUÂN THEO HƯỚNG ĐI RIÊNG VÀ CHÚ TRỌNG NHÂN TÀI STEM

Tương tự Malaysia, Ấn Độ cũng tận dụng bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng thời gian gần đây để lôi kéo nhiều công ty chip nước ngoài bằng những ưu đãi riêng độc đáo.

Vào năm 2021, Chính phủ Ấn Độ phê duyệt “Chương trình phát triển hệ sinh thái sản xuất chất bán dẫn và màn hình hiển thị tại Ấn Độ”, phân bổ 10 tỷ USD cho vô số ưu đãi áp dụng cho cả các công ty bán dẫn trong và ngoài nước.

Doanh nghiệp đủ điều kiện muốn thành lập cơ sở sản xuất chất bán dẫn hoặc màn hình ở Ấn Độ có thể nhận được hỗ trợ tài chính lên tới 50% chi phí dự án. Các cơ sở lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói có thể nhận được hỗ trợ lên tới 30% chi phí vốn.

Lực lượng lao động ở Ấn Độ cũng là một yếu tố thu hút nhà đầu tư. Nguồn nhân lực nước này bao gồm rất nhiều nhân tài kỹ thuật với giá cả phải chăng, cho phép tạo ra hệ thống việc làm hiệu quả về mặt chi phí. Điều này có thể nhìn ra được từ sự thống trị của Ấn Độ trong lĩnh vực thiết kế chip, một khía cạnh trong quá trình sản xuất đòi hỏi rất nhiều nhân tài STEM (Science - Khoa học, Technology - Công nghệ, Engineering - Kỹ thuật và Mathematics - Toán học). Theo báo cáo từ Tổ chức Đổi mới và Công nghệ Thông tin (ITIF), Ấn Độ chiếm 20% hoạt động thiết kế chip toàn cầu.

Ấn Độ chú trọng đào tạo nhân tài STEM.
Ấn Độ chú trọng đào tạo nhân tài STEM.

Giống như Malaysia, Ấn Độ đã đạt được thành công khi nhiều nhà sản xuất bán dẫn lớn đã chọn nước này trở thành cái nôi phát triển trong thời gian tiếp theo.

Micron đầu tư 825 triệu USD xây dựng cơ sở thử nghiệm và lắp ráp chất bán dẫn mới ở Gujarat (Ấn Độ). Dự án nhận được hỗ trợ tài chính 50% chi phí từ Chính phủ, 20% khác được bang Gujarat chi trả thông qua các ưu đãi. Khoản đầu tư kết hợp trị giá khoảng 2,75 tỷ USD và dự kiến ​​sẽ bước vào hoạt động cuối năm 2024.

Tập đoàn Powerchip (PSMC), nhà sản xuất chất bán dẫn đến từ Đài Loan, đã công bố hợp tác chung với Tata Electronics của Ấn Độ nhằm xây dựng cơ sở chế tạo chất bán dẫn đầu tiên của Ấn Độ tại Gujarat. Theo The Economic Times, khoản đầu tư 11 tỷ USD cũng sẽ được tài trợ 70% chi phí dự án từ chính quyền trung ương và chính quyền tiểu bang. Công trình xây dựng dự kiến hoàn thành vào năm 2026.