CEO Appian: Trí tuệ nhân tạo không phải sân chơi chỉ dành cho big tech
Các công ty công nghệ lớn đang thực hiện chiến lược tiêu thụ càng nhiều dữ liệu càng tốt với mong muốn trở thành người chiến thắng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) - nhưng điều này không phải là yếu tố then chốt định đoạt cuộc chơi…
Ông Matt Calkins, đồng sáng lập kiêm CEO Appian, cho biết mặc dù những gã khổng lồ internet như Microsoft, Amazon và Google đang chi hàng tỷ USD cho cuộc chạy đua công nghệ nhưng thành công trong lĩnh vực AI “không chỉ xoay quanh vấn đề tiền bạc”.
“AI không phải là thị trường ‘tiền đẻ ra tiền’ một cách dễ dàng”, CEO Calkins chia sẻ với CNBC trong cuộc phỏng vấn tại văn phòng tòa soạn ở London mới đây.
Ông Calkins đề cập đến một số thỏa thuận cao cấp mà big tech như Microsoft và Amazon đang ký kết với các nhà sản xuất mô hình AI nền tảng đầy tham vọng, cụ thể là OpenAI và Anthropic.
Microsoft đã đầu tư tổng cộng 13 tỷ USD vào OpenAI, thỏa thuận đòi hỏi công ty phải mua cổ phần của OpenAI và bổ sung mô hình ngôn ngữ GPT vào nền tảng điện toán đám mây Azure.
Microsoft cũng đạt được thỏa thuận tương tự với Mistral, mua lại cổ phần trị giá 15 triệu euro (khoảng 16 triệu USD) từ công ty AI có trụ sở tại Pháp.
Với trường hợp của OpenAI, Microsoft đóng vai trò như một quan sát viên không có quyền bỏ phiếu trong Hội đồng quản trị công ty.
Điển hình nhất, Microsoft gần như không có quyền hạn gì trong loạt sự kiện gây sốc vào năm ngoái khiến CEO Sam Altman tạm thời bị cách chức, trước khi quay trở lại do hàng trăm nhân viên OpenAI đe dọa nghỉ việc để gia nhập nhóm nghiên cứu về AI do Sam Altman lãnh đạo tại Microsoft.
Bên cạnh đó, Amazon cũng công bố đầu tư số tiền khổng lồ 4 tỷ USD vào startup AI Anthropic của Hoa Kỳ, công ty đứng sau hệ thống Claude AI. Amazon nắm giữ cổ phần Anthropic nhưng không có ghế trong Hội đồng quản trị.
Google cũng cam kết tài trợ cho Anthropic, đồng ý đầu tư tới 2 tỷ USD vào năm ngoái.
GIÁM SÁT NGHIÊM NGẶT TỪ CƠ QUAN QUẢN LÝ
Nhiều cơ quan giám sát tại Vương quốc Anh đang đánh giá liệu các thỏa thuận được Microsoft và Amazon đồng ý với startup AI có thể tạo thành thương vụ sáp nhập dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh hay không.
Microsoft bác bỏ suy đoán rằng các thỏa thuận của công ty với OpenAI và Mistral cũng như chương trình chiêu mộ nhân tài từ Inflection sẽ cấu thành thương vụ sáp nhập. Đồng thời, Amazon cho biết quan hệ đối tác với Anthropic chỉ là khoản đầu tư hạn chế của công ty, không phục vụ mục đích M&A.
Đối với CEO Appian, cho dù những thỏa thuận đó thật sự đủ điều kiện cấu thành những vụ sáp nhập đe dọa cạnh tranh trong lĩnh vực AI hay không thì vẫn sẽ có chỗ cho người chơi khác phát triển.
TRÍ TUỆ NHÂN TẠO KHÔNG PHẢI SÂN CHƠI CHỈ DÀNH CHO BIG TECH
Ông Calkins nhận định: “Nếu thật sự liên minh có thể giành chiến thắng trong cuộc đua AI, thì bây giờ Google đã thắng lớn rồi”. Google đã mua lại DeepMind năm 2014 với giá 500 triệu USD và điều hành như một đơn vị độc lập bên ngoài Vương quốc Anh cho tới khi quyết định hợp nhất tổ chức với nhóm nghiên cứu nội bộ Google Brain nhằm tập trung phát triển công nghệ AI tân tiến.
Thay vào đó, ông cho rằng Google đã sớm thua Microsoft khi nói đến cuộc đua AI tạo sinh, thậm chí AI có nguy cơ làm đảo lộn cơ cấu hoạt động kinh doanh tìm kiếm của Google.
Google nhìn nhận ra vấn đề sau một sai lầm của trình tạo văn bản thành hình ảnh Gemini, khi tạo ra những sai lệch trong các bức ảnh lịch sử được lan truyền trực tuyến. Google sau đó phải tạm dừng tính năng để tinh chỉnh công cụ. Giám đốc Điều hành Sundar Pichai gọi sự cố là “không thể chấp nhận được”, theo bản ghi nhớ nội bộ vào tháng 2/2024.
Google chưa đưa ra bình luận ngay lập tức khi được CNBC liên hệ.
“Đây là thị trường dành cho người chơi thông thái. Rất nhiều công ty có đủ nguồn lực để mua và sở hữu một phần Anthropic hoặc Mistral hay bất kỳ startup AI nào. Nhưng AI không phải thị trường ‘kẻ mạnh có được tất cả’”, đồng sáng lập Appian nhận định.
VẤN ĐỀ KHAI THÁC DỮ LIỆU CHƯA ĐƯỢC GIẢI QUYẾT TRIỆT ĐỂ
Vị CEO bày tỏ cuộc đua AI ngày nay thiên về “bạn có thể ‘ngốn’ bao nhiêu dữ liệu” hơn là trí thông minh thực sự của AI.
Ông chỉ ra các công ty Big Tech đã “làm bất cứ điều gì có thể để thu được nhiều dữ liệu nhất”. Rõ ràng, nếu không có bất kỳ luật cụ thể nào ngăn chặn Big Tech thu thập dữ liệu có thể dẫn tới hành vi vi phạm quyền riêng tư, chắc chắn công ty nào cũng muốn lấy càng nhiều dữ liệu đào tạo mô hình càng tốt.
CEO Calkins cảm thấy thất vọng vì thiếu tiến bộ trong quy định AI ở Hoa Kỳ, đặc biệt là cấp liên bang.
Ông chia sẻ trong chương trình “Squawk Box Europe” của CNBC rằng Châu Âu đã có “khởi đầu thuận lợi” về AI “bởi vì ngày càng có sự rõ ràng hơn trong quy định”.
Ông nói thêm: “Ở Hoa Kỳ, quy định chưa rõ ràng, một phần vì Chính phủ hơi thân thiện với Big Tech”.
Liên minh Châu Âu chính thức phê chuẩn Đạo luật AI vào tháng 3 năm nay, đánh dấu cột mốc bộ luật toàn diện đầu tiên về quản lý trí tuệ nhân tạo ra đời.
CEO Appian nhấn mạnh doanh nghiệp cần cẩn trọng về chiến lược sử dụng AI an toàn, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ và quyền riêng tư cá nhân của người dùng.
“Tôi cho rằng đã đến lúc phải rõ ràng trong việc sử dụng hợp lý thông tin có bản quyền. Chúng ta cần một sân chơi minh bạch, chúng ta cần hiểu những dữ liệu nào được phép sử dụng và không”.