18:20 05/08/2024

CEO Mark Zuckerberg tự tin Meta AI sẽ trở thành trợ lý ảo được sử dụng nhiều nhất

Bảo Ngọc

Meta tiếp tục mạnh tay chi hàng tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ AI tích hợp trong các nền tảng nổi tiếng của hãng và “ép buộc” khách hàng sử dụng…

CEO Mark Zuckerberg đang dồn toàn bộ tâm huyết vào AI.
CEO Mark Zuckerberg đang dồn toàn bộ tâm huyết vào AI.

Có vẻ CEO Mark Zuckerberg đã sẵn sàng thống trị cuộc đua AI nhờ một lợi thế lớn hơn bao giờ hết: Meta hiện sở hữu khoảng 3 tỷ người dùng trên toàn bộ nền tảng và khách hàng gần như không có lựa chọn thay thế nào khác.

Vị tỷ phú đã dành hơn 20 năm xây dựng từ dự án nhỏ bên trong phòng ký túc xá Đại học Harvard thành đế chế truyền thông xã hội nổi tiếng toàn cầu. Giờ đây, CEO Mark Zuckerberg tham vọng biến Meta trở thành ứng cử viên sáng giá cho ngôi vô địch trong cuộc đua AI, Business Insider đưa tin.

Theo báo cáo thu nhập quý II được công bố vào tuần trước, CEO Zuckerberg không ngừng nhấn mạnh rằng Meta AI - trợ lý ảo mà công ty ra mắt vào đầu năm nay - "đang trên đà chinh phục mục tiêu trở thành trợ lý AI được sử dụng nhiều nhất vào cuối năm".

Có lý do chính đáng khiến Giám đốc Điều hành Meta tự tin tuyên bố như vậy.

Gã khổng lồ truyền thông xã hội hiện sở hữu 3,27 tỷ người dùng hoạt động hàng ngày trên tất cả nền tảng — bao gồm Facebook, Instagram, Facebook Messenger, WhatsApp và Threads — tính đến quý II/2024, mang tới cho công ty lượng khách hàng mà không đối thủ nào có thể sánh ngang.

Đây cũng là cơ sở người dùng gắn bó với bộ ứng dụng của Meta trong nhiều năm qua. Số lượng người dùng hoạt động hàng ngày của công ty tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ bộ ba ăn khách Facebook, Instagram và WhatsApp. 

CHIẾN LƯỢC ĐỘC ĐÁO ĐẰNG SAU TUYÊN BỐ “THỐNG TRỊ"

Trên thực tế, con số khổng lồ mang lại cho Meta nền tảng người dùng luôn sẵn sàng trải nghiệm công nghệ trí tuệ nhân tạo của hãng.

Nhưng, thay vì cho phép khách hàng chọn lựa, Meta lại triển khai chiến lược không cung cấp tùy chọn nào để từ chối sử dụng tính năng tích hợp AI, tương tự cách công ty giới thiệu Facebook Wall vào năm 2004.

Ngược lại, người dùng của một số đối thủ cạnh tranh như OpenAI hoặc Anthropic đều có quyền tìm hiểu về sản phẩm và từ chối trải nghiệm nếu muốn.

Nhiều chuyên gia nhận định chiến lược trên là bước đi đúng đắn của Meta.

Sau khi Meta công bố thu nhập quý II, ông Mike Proulx, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Nghiên cứu tại Forrester, nhận xét: "Đây là động thái thông minh của công ty khi giới thiệu Meta AI cho người dùng bằng cách buộc họ phải sử dụng tính năng đó".

"Meta tự hào rằng Meta AI đang trên đà trở thành trợ lý ảo được sử dụng nhiều nhất thế giới vì người dùng Instagram, Messenger hay WhatsApp không có quyền từ chối sử dụng tính năng này khi được tích hợp trực tiếp trên thanh tìm kiếm của ứng dụng", ông Proulx nói thêm.

Các nhà phân tích cũng đưa ra một số lý do khiến CEO Zuckerberg thực hiện cách tiếp cận này.

Đầu tiên, Meta đang chi hàng tỷ USD cho AI, do đó, việc để người dùng tồn tại suy nghĩ không chắc chắn liệu công nghệ này có thực sự cần thiết trong cuộc sống hay không có thể khiến khoản đầu tư trở nên lãng phí.

Theo như Giám đốc Tài chính Meta Susan Li phát biểu trong cuộc họp về thu nhập giữa tuần trước, chi phí vốn cả năm của công ty tính đến cuối năm 2024 dự kiến đạt từ 37 đến 40 tỷ USD, hứa hẹn "mức tăng trưởng vốn đầu tư đáng kể" ​​vào năm 2025 nhằm hỗ trợ nghiên cứu AI và phát triển sản phẩm.

Tỷ phú Zuckerberg dường như cũng muốn chứng minh cho người dùng thấy công nghệ AI có thể nâng cao đáng kể trải nghiệm trong ứng dụng.

Vị CEO chia sẻ AI cải thiện đáng kể chất lượng đề xuất và thúc đẩy tương tác trên Facebook và Instagram, đồng thời cho biết AI sẽ sớm được sử dụng nhằm cung cấp dịch vụ quảng cáo nhắm mục tiêu hiệu quả hơn.

CEO Zuckerberg tuyên bố: "Trong một vài năm tới, AI có thể tạo ra nội dung sáng tạo cho các nhà quảng cáo và cũng có thể tự động cá nhân hóa nội dung đó đối với từng tài khoản".

Trước đó, ông chủ Meta từng chỉ trích một số đại gia khác vì áp dụng cách tiếp cận ràng buộc này. Ví dụ, CEO Zuckerberg đã nhắm vào Apple vì hạn chế lựa chọn của người dùng trong hệ sinh thái riêng.

Được biết, Apple sẽ triển khai Apple Intelligence cho người dùng vào cuối năm nay thông qua bản cập nhật phần mềm, từ đó đưa AI đến mọi thiết bị tương thích. Công ty cung cấp cho người dùng tùy chọn tham gia dịch vụ ChatGPT như một phần thỏa thuận đã công bố với OpenAI vào tháng 6/2024.

Người dùng Meta sẽ không có quyền lựa chọn “xa xỉ” đó, đồng nghĩa với việc AI sẽ trở thành một tính năng quen thuộc trong toàn bộ ứng dụng — dù khách hàng có muốn hay không.