10:22 14/04/2024

Chuyển đổi số rồi chuyển đổi xanh, nhiều doanh nghiệp đang mơ hồ về... chuyển đổi kép

Hoàng Hà

Trước đây, chuyển đổi số được nhắc đến rất nhiều, đặc biệt là trong và sau đại dịch Covid-19. Nhưng 1-2 năm gần đây, chuyển đổi xanh lại được nhấn mạnh. Điều này khiến một số doanh nghiệp cảm thấy mơ hồ, lúng túng về cái gọi là “chuyển đổi kép” …

Ông Trịnh Văn Biển cho rằng một số doanh nghiệp đang cảm thấy mơ hồ, lúng túng về chuyển đổi kép
Ông Trịnh Văn Biển cho rằng một số doanh nghiệp đang cảm thấy mơ hồ, lúng túng về chuyển đổi kép

Việc ứng dụng rộng rãi các công nghệ số mang tới cơ hội nâng cao năng suất, tiếp cận kiến ​thức mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi các sáng kiến đổi mới. Cũng như các thị trường mới nổi khác, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu đối với nền kinh tế Việt Nam.

Cùng với mục tiêu phát triển kinh tế số, kinh tế xanh cũng là một trong các ưu tiên hàng đầu, đặc biệt đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh hướng tới sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường được xem là lựa chọn tất yếu và là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực. 

NHIỀU DOANH NGHIỆP CHỈ MỚI CHUYỂN ĐỔI SỐ MỘT PHẦN, CHƯA CHUYỂN ĐỔI SỐ TOÀN DIỆN

Theo ông Trịnh Văn Biển, Giám đốc Chuyển đổi số của Công ty Cổ phần Misa, tư duy, nhận thức và quyết tâm của các doanh nghiệp, đặc biệt là tầng lớp lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam đối với chuyển đổi số đã có sự nâng cao rõ nét. Điều này thể hiện qua những kết quả tăng trưởng doanh thu trên các nền tảng số mà Misa cung cấp.

“Theo dõi dữ liệu cho thấy tỷ lệ khách hàng sử dụng các dịch vụ như nền tảng tài chính, quản trị nhân sự, marketing và quản lý sản xuất không chỉ tăng về số lượng mà còn cải thiện về chất lượng”, ông Trịnh Văn Biển nói.

Hiện nay Misa đang cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho cả khối chính phủ và khối doanh nghiệp. Theo ông Biển, với kinh nghiệm cung cấp các giải pháp và hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong 3-4 năm qua, có hai thách thức quan trọng mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đang phải đối mặt.

Thứ nhất, dù có nhận thức đúng về chuyển đổi số, tuy nhiên mức độ áp dụng chuyển đổi số trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam vẫn chưa đầy đủ. Nghĩa là, các doanh nghiệp chỉ mới thực hiện chuyển đổi số một phần nhỏ trong các hoạt động kinh doanh. 

“Ví dụ, trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, doanh nghiệp thường chỉ tập trung vào quản trị tài chính và bán hàng, trong khi các doanh nghiệp sản xuất chỉ tập trung vào tăng cường năng suất sản xuất”, ông Trịnh Văn Biển nói. “Điều này cho thấy đối với việc áp dụng các công nghệ số và quản trị tổng thể, chúng ta chỉ mới ở bước đầu và chưa thực sự tận dụng hết tiềm năng. Đây không phải là sai lầm, nhưng nó chưa đạt được kỳ vọng trong quá trình chuyển đổi số”.

Theo ông Biển, cần có sự hỗ trợ, phối hợp của nhiều bộ phận, đơn vị, từ cả doanh nghiệp và các cơ quan chức năng cũng như truyền thông, để phát triển các kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện hơn trong các doanh nghiệp.

Thách thức thứ hai chính là tính kết nối trong hoạt động nội bộ của doanh nghiệp. Trong năm vừa qua, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã nhận thức cao hơn về việc bảo vệ thông tin và dữ liệu sau một số vụ tấn công mạng. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp chỉ tập trung vào việc bảo vệ dữ liệu mà họ sở hữu, chứ chưa đặt nhiều quan tâm vào việc khai thác giá trị từ dữ liệu đó.

“Trong quá trình chuyển đổi số, chúng tôi luôn nhấn mạnh điều này. Hiện nay, doanh nghiệp sử dụng nhiều loại dữ liệu như thông tin cá nhân, hoạt động kinh doanh, tài chính, nhưng thường chỉ tập trung vào việc bảo vệ dữ liệu khỏi bị đánh cắp, mà chưa tận dụng được tiềm năng của dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, ông Biển nói.

CẢM HỨNG CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐANG "ĐI NGANG"

Mới đây, Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp 2023 "Thúc đẩy Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh" đã được công bố. Báo cáo là ấn phẩm thường niên trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 do Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai. Theo Báo cáo, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đều đã nâng cao mức độ nhận thức về chuyển đổi số. 

Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của các ngành đã có sự nâng cao so với năm 2022
Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của các ngành đã có sự nâng cao so với năm 2022

Cụ thể, kết quả khảo sát tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của 500 doanh nghiệp trong năm 2023 cho thấy nhìn chung, các doanh nghiệp tham gia đều có mức độ nhận thức về chuyển đổi số ở mức “Nâng cao”. So với năm 2022, ghi nhận mức độ sẵn sàng chuyển đổi số trung bình ở tất cả các khía cạnh đều có xu hướng tăng. Đây là điều dễ hiểu bởi trong những năm gần đây, doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ ràng và sâu sắc hơn về lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số trong cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy vậy, báo cáo cũng nhấn mạnh những hạn chế trong việc chuẩn hóa hệ thống quy trình, chính sách hoạt động, khả năng thu thập, lưu trữ, phân tích dữ liệu, kết nối hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin cũng như nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp dù có đủ nhận thức, kiến thức về chuyển đổi số nhưng lại khó có thể tự mình thực hiện quá trình thay đổi mang tính toàn diện này. 

Ngoài ra, tại sự kiện công bố Báo cáo, ông Trịnh Văn Biển đã đề cập đến một thực trạng đáng chú ý, đó là “Cảm hứng đối với hoạt động chuyển đổi số trong các doanh nghiệp”.

“Theo đánh giá của chúng tôi, cảm hứng này đang trải qua một giai đoạn không ổn định, so với thời gian từ năm 2022 đến đầu năm 2023, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 và hậu quả của nó khiến cảm hứng chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp tăng cao. Hiện tại, cảm hứng này đang “đi ngang”, thậm chí có dấu hiệu suy giảm”.

DOANH NGHIỆP MƠ HỒ VỀ CHUYỂN ĐỔI KÉP

Đặc biệt, một số doanh nghiệp đang mơ hồ với khái niệm chuyển đổi kép. “Trong quá khứ, chúng ta đã thường nhắc đến chuyển đổi số nhiều, và các doanh nghiệp rất quyết tâm chuyển đổi số, nhất là trong giai đoạn đại dịch Covid-19 và sau đó. Nhưng gần đây, chúng ta lại nhắc đến chuyển đổi xanh. Điều này khiến một số doanh nghiệp cảm thấy mơ hồ về chuyển đổi kép, lúng túng trong cách thức triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn, và truyền thông về chuyển đổi kép”, đại diện công ty Misa nói.

Thực tế, trong những năm trở lại đây, mặc dù mục tiêu chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đã trở thành sự ưu tiên của hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp và các chính phủ, hai quá trình này hiện chủ yếu diễn ra một cách riêng lẻ, chưa có tính đồng bộ để tận dụng tối đa tiềm năng giúp tăng năng suất và hiệu quả cho doanh nghiệp và các hoạt động kinh tế. 

Theo các chuyên gia, thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu số hóa, các doanh nghiệp cần chủ động tích hợp yếu tố bền vững trong chiến lược chuyển đổi số, để tận dụng cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích cho xã hội và môi trường. Đây chính là lý do xu hướng Chuyển đổi Kép - “Chuyển đổi số đồng hành cùng Chuyển đổi xanh” đang ngày càng được chú trọng trên toàn cầu.

Việc có những chính sách, chương trình hỗ trợ, truyền thông, tư vấn về lộ trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh thực sự cần thiết để doanh nghiệp có thể bứt phá trong giai đoạn tiếp theo.