09:03 28/06/2023

Công cụ tìm kiếm Google dùng AI chinh phục 97% khách hàng toàn cầu như thế nào?

Bảo Ngọc

Trải nghiệm tìm kiếm mới đã được Google thiết lập hướng đến tương tác nhiều hơn, tuy nhiên vẫn có một số thách thức…

Bất cứ khi nào có câu hỏi, bạn thường lấy điện thoại ra và truy cập vào Google, 10 liên kết đầu tiên chính là câu trả lời tốt nhất mà thuật toán Google dành cho bạn. Tuy nhiên trong tương lai, Google muốn tối ưu hóa trải nghiệm tìm kiếm bằng cách tăng khả năng hỗ trợ của AI. Tiến bộ công nghệ này có thể mang đến nhiều tương tác mới cho quá trình tìm kiếm, theo Tech Wire Asia. 

DẪN ĐẦU THỊ TRƯỜNG

Được xếp hạng trong số 5 công ty hàng đầu thế giới về vốn hóa thị trường, Google cùng với công ty mẹ Alphabet, đã có nhiều thành công nhờ vào công cụ tìm kiếm của hãng. Trong quý I năm 2023, doanh thu quảng cáo từ Google Search khoảng 40,3 tỷ USD, chiếm một phần đáng kể trong tổng doanh thu 69,7 tỷ USD của Google.

Thuật toán tìm kiếm của Google đã chứng minh độ chính xác đặc biệt so với các công cụ tìm kiếm khác, luôn thể hiện khả năng kết nối hiệu quả giữa người dùng với các trang web phù hợp cho mục đích cụ thể. Kết quả là, Google thống trị thị trường tìm kiếm, chiếm hơn 93% lượt tìm kiếm toàn thế giới, trong khi Bing ở vị trí thứ hai chỉ chiếm chưa đầy 3%.

Tuy nhiên, Microsoft đã xây dựng mối quan hệ đối tác chặt chẽ với OpenAI, cho phép tích hợp khả năng của ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing. Bước tiến này đặt ra một thách thức tiềm tàng cho sự thống trị của Google, thúc đẩy gã khổng lồ thung lũng Silicon phải đổi mới, đưa AI vào sản phẩm để duy trì tính cạnh tranh.

NHỮNG THAY ĐỔI CÓ GÌ HẤP DẪN?

Kể từ năm 2019, Google đã sử dụng AI trong việc triển khai mô hình xử lý ngôn ngữ tự nhiên (natural language processing - NLP) BERT để nâng cao thứ hạng kết quả tìm kiếm. Vào tháng 5 năm nay, Google đã công bố trải nghiệm sáng tạo tìm kiếm là cải tiến mới nhất của công ty. Sự kiện giới thiệu mô hình AI tổng quát hỗ trợ trải nghiệm tìm kiếm của người dùng, dẫn đến sự tương tác liền mạch và trực quan hơn.

Theo đó, ở đầu mỗi trang tìm kiếm, Google sẽ đưa ra một bản tóm tắt do AI cung cấp, cho phép người dùng xem trước nội dung trang web mà không cần phải nhấp vào liên kết. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và hiển thị thông tin liên quan nhanh chóng.

Ngoài ra, Google còn hiển thị cả các trích nguồn được sử dụng để tạo nên bản tóm tắt, điều này rất hữu ích trong việc xác thực tính chính xác của thông tin. Trái ngược với ChatGPT, đôi khi công cụ này có thể "bịa đặt tên nguồn, trích dẫn trực tiếp, trích dẫn thông qua ngôi thứ ba", theo OpenAI. Mặc dù ChatGPT có thể hữu ích trong việc cung cấp các câu hỏi về kiến thức chung, nhưng hệ thống này không thường xuyên được cập nhật. Cơ sở dữ liệu của công cụ chỉ bao gồm thông tin đến năm 2021, vì vậy Google sẽ chiếm “thế thượng phong” trong việc cung cấp thông tin mới nhất.

Một tính năng độc đáo khác là người dùng có thể đặt câu hỏi nối tiếp cuộc trò chuyện, giúp họ không gặp rắc rối khi phải tạo hành trình tìm kiếm mới. Ví dụ: người dùng tìm kiếm 'địa chỉ giày giá rẻ gần đây cho mùa hè' và tiếp theo họ có thể nhập 'còn áo sơ mi thì sao?', Google sẽ sử dụng ngữ cảnh tương tự để cung cấp kết quả tìm kiếm cho người dùng.

Với việc kết hợp mô hình AI trong tìm kiếm, thuật toán đã được cải thiện về các truy vấn đàm thoại, tăng độ chính xác hơn khi người dùng tìm kiếm bằng giọng nói. Chức năng này đặc biệt hữu ích cho những người khiếm thị hoặc khi người dùng cần thông tin gấp lúc đang lái xe.

Cách tiếp cận được cá nhân hóa này giúp Google tạo ra câu trả lời phù hợp theo từng truy vấn cụ thể mà trước đây, thuật toán chỉ có thể phục vụ nội dung đã được lập trình sẵn. Tính năng tìm kiếm dựa trên AI mới có thể tạo nội dung được cá nhân hóa dựa trên thông tin hiện có, từ đó tăng khả năng người tìm kiếm nhận được kết quả mong muốn.

Với những thay đổi đó, Google sẽ được hưởng lợi vì người dùng sẽ dành nhiều thời gian tương tác trên trang tìm kiếm hơn thay vì chuyển sang một trang web khác. Tương tự như Instant Articles của Facebook và TikTok Shop, tất cả các tính năng này đều được thiết kế để giữ chân người dùng thay vì chuyển hướng họ sang một nền tảng khác. 

THÁCH THỨC VẪN CÒN ĐÓ

Tuy nhiên, với sự ra đời của công nghệ mới này, chúng ta cũng cần cân nhắc một số vấn đề còn tồn đọng.

Quyền sở hữu nội dung sẽ là một thách thức quan trọng đối với Google và các nhà sáng tạo nội dung. Bên cạnh đó, các trang web phụ thuộc nhiều vào công cụ tìm kiếm có thể bị giảm lưu lượng truy cập trực tiếp từ Google, điều này ảnh hưởng không hề nhỏ đến doanh thu.

Vấn đề này rất quan trọng với Google vì cần phải đạt được sự cân bằng giữa việc giữ chân người dùng mà vẫn khuyến khích các nhà sáng tạo nội dung tiếp tục đồng hành cùng công ty. Là một công cụ tìm kiếm, Google không tạo ra nội dung của riêng hãng mà phụ thuộc vào các trang web để cung cấp thông tin cho người dùng internet. Thêm nữa, các mô hình AI chỉ có thể tạo nội dung dựa trên kiến thức đã có và không thể tạo nội dung hoàn toàn mới một cách độc lập.

Một giải pháp khả thi được đề xuất là xây dựng mô hình chia sẻ doanh thu với nhà sáng tạo và Google. Ví dụ, chính phủ Úc đã thông qua Bộ luật thương lượng về truyền thông tin tức và nền tảng kỹ thuật số vào năm 2021, điều chỉnh các mối quan hệ thương mại giữa các doanh nghiệp tin tức và nền tảng kỹ thuật số như Google. Quy tắc này đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp có nội dung giới thiệu trên trang web của các nền tảng kỹ thuật số.

Mô hình chia sẻ doanh thu tương tự đã được triển khai trên YouTube, nơi phần trăm doanh thu quảng cáo sẽ được chia sẻ với những nhà sáng tạo nội dung. Mặc dù điều này sẽ khó thực hiện hơn trên các trang web, nhưng Google có thể xây dựng mô hình tương tự để đảm bảo tính công bằng cho các đối tác hiện nay.

Những thay đổi này chắc chắn sẽ tác động đến lĩnh vực tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO). Thông thường, người sáng tạo nội dung sẽ sử dụng các chiến lược trên trang và ngoài trang khác nhau để tăng sự hiện diện cho sản phẩm, giờ đây họ cần phải đánh giá lại cách tiếp cận truyền thống.

Để tối ưu hóa nội dung trên các bản tóm tắt do thuật toán mới tạo ra, các nhà sáng tạo có thể phải áp dụng chiến lược mới. Tuy nhiên, đây được dự đoán là một cú hích để những content creator tập trung tạo ra nội dung chất lượng khi ChatGPT và các mô hình ngôn ngữ khác dễ dàng tạo nội dung chung chung mà không phục vụ mục đích cụ thể nào.

Với những thay đổi này, người sáng tạo cần phải thích ứng để duy trì mức độ liên quan của nội dung trong kết quả tìm kiếm.

Một vấn đề khác của bản tóm tắt được hỗ trợ bởi AI là thông tin sai lệch. Mặc dù mô hình đã trải qua thử nghiệm rộng rãi nhưng một số câu trả lời vẫn thiếu sắc thái ngữ cảnh cần thiết hoặc cung cấp thông tin không phù hợp với hoàn cảnh người dùng. Điều này lại càng gây hệ quả tiêu cực nhất là cho các trang web về tài chính và sức khỏe vì ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của con người.

Google đã triển khai các nguyên tắc nghiêm ngặt chỉ cho phép hiển thị kết quả từ các trang web EEAT - kinh nghiệm, chuyên môn, thẩm quyền và độ tin cậy - cho các lĩnh vực này. Chỉ những trang web đã được chứng minh độ tin cậy mới có thể xếp hạng trên kết quả tìm kiếm.

Hơn nữa, Phó chủ tịch Google Search, bà Elizabeth Reid, đã nhắc đến vấn đề này trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg Technology. Bà đề cập rằng thông tin tìm kiếm được hỗ trợ bởi AI sẽ không được hiển thị ở một số chủ đề nhất định, ví dụ, liều paracetamol cho trẻ 3 tuổi. Do đó, các bản tóm tắt được hỗ trợ bởi AI có thể không phù hợp với tất cả mọi đối tượng.

Việc phụ thuộc quá mức vào AI đôi khi làm hao mòn khả năng tư duy phản biện của chúng ta. Mặc dù AI cung cấp những hiểu biết có giá trị nhưng chúng ta cần xem xét, đánh giá tính chính xác của thông tin hiển thị. Điều này nhấn mạnh sự cẩn thận cần thiết của con người và tư duy phân tích trong quá trình tìm kiếm, đảm bảo rằng người dùng tiếp cận kết quả cần thiết mà vẫn lưu tâm đến những hạn chế của công nghệ AI.