17:36 29/12/2022

Công nghệ tiên tiến: Chìa khóa trong nuôi trồng thủy sản bền vững

Ngô Huyền

Đã đến lúc, cần hạn chế đánh bắt cá trên quy mô lớn khi số lượng cá tự nhiên trên đại dương đang suy giảm nhanh chóng…

Công nghệ tiên tiến: Chìa khóa trong nuôi trồng thủy sản bền vững
Công nghệ tiên tiến: Chìa khóa trong nuôi trồng thủy sản bền vững

Việc đánh bắt cá tự nhiên một cách bừa bãi đang làm suy giảm các quần thể sinh vật và xói mòn khả năng sinh sản của cá, khiến chúng khó phục hồi số lượng. 

Vì vậy, một vấn đề đặt ra là, không có cách nào để nguồn cá tự nhiên vừa có thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của toàn bộ dân số thế giới, lại vừa duy trì vị trí quan trọng của chúng trong hệ sinh thái của hành tinh. 

Năm 2021, Liên Hợp Quốc đã công bố báo cáo Tình hình Nghề cá và Nuôi trồng Thủy sản Thế giới (SOFIA), trong đó nêu rõ: “Hơn 800 triệu người hiện đang bị đói và 2,4 tỷ người đang thiếu khả năng tiếp cận đủ lương thực một cách nghiêm trọng. Chúng ta có quyền đánh bắt cá tự nhiên nhưng nên ở mức hạn chế để tiếp tục nuôi sống dân số ngày càng tăng nhưng không làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên của chúng ta”. 

Theo Forbes, đảm bảo lượng thức ăn cho toàn bộ dân số đã là bài toán khó trong khi còn chưa tính đến thiệt hại mà biến đổi khí hậu đã gây ra cho các loài và chuỗi thức ăn liên kết với nhau của chúng. 

CÔNG NGHỆ ẢNH HƯỞNG ĐẾN NUÔI TRỒNG THỦY SẢN BỀN VỮNG 

Khi nói đến các giải pháp cho vấn đề an toàn lương thực toàn cầu, nuôi trồng thủy sản bền vững phải là một trong những bài toán đầu tiên cần sớm được lấp đầy khoảng trống. 

Theo Forbes, các công nghệ mới hiện nay có thể giúp cách mạng hóa ngành nuôi trồng bằng cách cho phép người nuôi cá giám sát và quản lý những gì đang xảy ra dưới mặt nước, loại bỏ vi hạt nhựa làm ô nhiễm đại dương và phá vỡ hệ sinh thái mà cá và con người phụ thuộc vào. Sử dụng trí tuệ nhân tạo, máy bay không người lái và phương tiện vận hành từ xa (ROV) cũng giúp giám sát và cải thiện tất cả các phương pháp nuôi cá vì sức khỏe và tính bền vững. 

Theo Forbes, “Nuôi trồng thủy sản bền vững” được hiểu là nuôi cá trong một trang trại lớn (tỷ lệ cá khoảng 2% trên 98% nước) đạt chuẩn quy định về chất lượng cá, bên cạnh đó chủ trang trại phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường bằng cách xử lý, giảm thiểu chất thải và ô nhiễm của các quần thể cá.

Với con người, cá là một trong những nguồn thực phẩm chính không thể thiếu. Vì vậy, nếu chỉ dựa vào nguồn cung hải sản đánh bắt tự nhiên ngày càng cạn kiệt, cá sẽ tăng giá cao. Điều này cũng có nghĩa là nhiều người sẽ phải ăn những thực phẩm thay thế có giá trị dinh dưỡng thấp hơn để đảm bảo sức khỏe và giảm tác động đến môi trường.

Chính vì vậy, ngành nuôi trồng thủy sản và ngành công nghệ cần sớm hợp tác để cùng tạo ra chuỗi cung ứng thực phẩm bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên và quy mô kinh tế để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của từng vùng. 

MỘT SỐ NỖ LỰC TÌM KIẾM GIẢI PHÁP KHẢ THI 

Tại New Zealand, một sáng kiến của chính phủ với các nhà khoa học đã thay thế thành công lưới kéo truyền thống bằng một loại lưới đánh bắt có chọn lọc, cho phép những con cá nhỏ hơn thoát ra ngoài. 

Một công ty về nuôi trồng thủy sản khác, Radmantis có trụ sở tại Ohio (Hoa Kỳ) cũng đang tập trung vào các thiết bị giám sát cá bằng công nghệ hình ảnh và trí tuệ nhân tạo, đồng thời phân loại các loài dựa trên các đặc điểm và ngoại hình. Khi các mô hình AI phát hiện các dấu hiệu cho thấy một con cá bị bệnh, chẳng hạn như đổi màu vây, ký sinh trùng hoặc kiểu bơi thất thường, thiết bị của Radmantis sẽ hướng nó ra khỏi bể để tách ra khỏi nguồn cá khỏe mạnh. 

Một ví dụ khác là hệ thống phân loại cá của công ty Huber, hệ thống này có thể giúp người nuôi cá xác định và kiểm soát các loài xâm lấn trong hệ sinh thái nước ngọt. Huber cho biết đây là một ứng dụng tiềm năng có thể phát hiện và ngăn cản những loài xâm lấn gây thiệt hại về mặt sinh thái và tài chính của trang trại cá: “Chúng tôi có thể đặt các thiết bị của mình tại một số điểm tắc nghẽn nơi cá mút đá biển (ký sinh và hút máu những loài cá khác) di cư qua và nếu xác định được chúng, chúng tôi có thể đưa chúng chúng vào cơ sở giam giữ”.