Cuộc chiến nhân tài AI 2025 đang hé lộ nhiều "khoảng tối", từ làm việc kiệt sức đến chảy máu chất xám
Cuộc chiến tranh giành nhân tài AI đang cho thấy cơ sở hạ tầng AI thực sự mong manh đến mức nào. Đó không phải là về máy chủ hay mô hình, mà là về con người, những bộ não con người đứng sau trí tuệ nhân tạo...

Cuộc chiến trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành một cuộc chiến phức tạp hơn rất nhiều khi các ông lớn tranh giành nhân tài AI. Những ngày gần đây, nhiều nhà nghiên cứu của OpenAI đã rời công ty, gia nhập đội ngũ của Meta. Điều này khiến những người ở lại OpenAI thất vọng, khi cho rằng OpenAI đã không giữ được nhân sự tài năng.
NHÂN SỰ PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ NHÂN TẠO TỔNG QUÁT ĐANG LÀM VIỆC ĐẾN KIỆT SỨC
Theo trang Wired, điều này hé lộ một khía cạnh mà Thung lũng Silicon thường che giấu: chi phí tình cảm và tâm lý khi xây dựng tương lai của trí tuệ nhân tạo. Trước đó, có thông tin OpenAI sẽ đóng cửa toàn bộ trong cả tuần, buộc nhân viên phải nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng sau một thời gian lao động cật lực để phát triển Trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI).
Bên trong công ty, kỳ nghỉ này được mô tả như một khoảng dừng cần thiết. Tuy nhiên, đối với một công ty đang bị cuốn vào cuộc chiến giành nhân tài khốc liệt, kỳ nghỉ bắt buộc này trông giống như một nút báo động hơn là một sáng kiến chăm sóc sức khỏe.
Không những thế, những diễn biến trên thị trường nhân sự AI cho thấy một cuộc khủng hoảng kiệt sức đang âm thầm hình thành nhiều tháng qua. Nhiệm vụ xây dựng một trí tuệ “giống như con người” không phải là một công việc từ 9 giờ đến 5 giờ thông thường. Các báo cáo trong ngành cho biết nhân sự đã trải qua những tuần làm việc kéo dài 80 giờ và điều đó đã trở thành tiêu chuẩn đối với các nhà nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm AI hàng đầu. Công việc này đã trở thành một cuộc thập tự chinh, đòi hỏi sự cống hiến tuyệt đối từ những người tham gia.
Nhưng giờ đây, niềm tin ấy đang bị thử thách. Nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng này là Meta. Zuckerberg được cho là đang âm thầm xây dựng một đội ngũ AI tinh hoa mới, với sự tham gia của các cựu nhân viên từ OpenAI và Google DeepMind. Đây là một nước đi quyền lực kín đáo và có phương pháp, có thể sẽ làm nghiêng cán cân trong lĩnh vực AI về phía Meta, đặc biệt nếu OpenAI, nhà phát triển của ChatGPT, tiếp tục mất đi nhân sự giỏi.
CUỘC CÁCH MẠNG AI NĂM 2025 KHÔNG CHỈ LÀ NHỮNG DÒNG MÃ VÀ BẢN DEMO CHATBOT
Đây chính là hình ảnh thực sự của “cách mạng AI” vào năm 2025. Không chỉ là những dòng mã và bản demo chatbot, mà còn là những lần suy sụp cảm xúc, sự chảy máu chất xám, cách các tỷ phú đối xử với phòng thí nghiệm nghiên cứu với những giờ làm việc liên miên kéo dài. Vấn đề kiệt sức của OpenAI không phải là mới, nhưng giờ đây nó trở nên khó che giấu hơn. Trong hai năm qua, OpenAI đã trải qua nhiều lần chia tay các lãnh đạo cấp cao, bao gồm cả vụ sa thải ngắn ngủi và gây sốc đối với CEO Sam Altman – một cuộc khủng hoảng đã phơi bày những căng thẳng nội bộ dai dẳng về tính an toàn, tốc độ và quyền lực.

Tình huống này phơi bày mâu thuẫn cơ bản trong cuộc chạy đua theo AGI. Việc xây dựng một “trí tuệ nhân tạo thần linh” là một công việc tốn kém và kiệt sức. Lần đầu tiên, thế giới đang chứng kiến chi phí nhân văn thực sự của cuộc chạy đua công nghệ này. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy ngay cả tại công ty tham vọng nhất thế giới, tín ngưỡng vào công nghệ thay đổi thế giới cũng bắt đầu lộ ra những vết nứt.
Dù các tiêu đề liên tục nói về việc AI sẽ thống trị thế giới, những gì chúng ta thấy tại OpenAI lại rất con người: sự kiệt sức, nỗi buồn, và sự bất định. Ngay cả những kỹ sư giỏi nhất trong các phòng thí nghiệm quyền lực nhất cũng đang chạm đến giới hạn của mình. Và những công ty đang nỗ lực hết sức để “thay đổi mọi thứ” lại là những nơi đang rõ ràng nhất bị rạn nứt dưới áp lực của chính sự cường điệu mà họ tạo ra.
Đối với những người hoài nghi về AI, khoảnh khắc này rất đáng chú ý. Không phải vì nó chứng minh AI không quan trọng, mà vì nó cho thấy cơ sở hạ tầng thực sự mong manh đến mức nào. Không phải là máy chủ hay mô hình, mà là con người. Những bộ não con người đứng sau trí tuệ nhân tạo.