18:08 11/08/2022

Dễ nhất là đổ tiền chạy quảng cáo, nhưng khó nhất là làm digital marketing

Bảo Bình

Doanh nghiệp cần hiểu “nỗi đau” của khách hàng, am hiểu lý thuyết marketing, nghiên cứu thị trường, sản phẩm, chứ không chỉ đơn thuần “bỏ tiền chạy quảng cáo” ...

Các chuyên gia đều cho rằng một trong các yếu tố quan trọng để ứng dụng digital marketing hiệu quả là khai thác và phân tích dữ liệu
Các chuyên gia đều cho rằng một trong các yếu tố quan trọng để ứng dụng digital marketing hiệu quả là khai thác và phân tích dữ liệu

Tốc độ bùng nổ của mạng Internet cùng với sự phổ biến của các thiết bị thông minh, người tiêu dùng có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin và sử dụng các kênh mua sắm trực tuyến. Vì vậy, hình thức marketing truyền thống có thể không còn là sự lựa chọn hiệu quả nhất cho hoạt động marketing của các tổ chức, doanh nghiệp.

Thay vào đó, digital marketing sẽ trở thành phương thức tiếp cận khách hàng hiệu quả cho các doanh nghiệp, tổ chức. Tuy nhiên, làm thế nào để thực hiện digital marketing hiệu quả vẫn luôn là câu hỏi khiến các doanh nghiệp đau đầu.

Tại Hội thảo “Xu thế Digital Marketing dựa trên Big Data - Cơ hội cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo” được Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp cùng các đối tác liên quan tổ chức, các chuyên gia đều cho rằng một trong các yếu tố quan trọng để ứng dụng digital marketing hiệu quả là khai thác và phân tích dữ liệu - tài sản giá trị hàng đầu của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số. 

PHÁT TRIỂN DIGITAL MARKETING DỰA TRÊN DỮ LIỆU

Dữ liệu được cho là nguồn tài sản giá trị của doanh nghiệp trong thời đại số. Tuy nhiên, thu thập và có dữ liệu không có nghĩa là doanh nghiệp sẽ làm digital marketing thành công, mà việc lưu trữ và sử dụng dữ liệu như thế nào mới là yếu tố đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu quả marketing số của doanh nghiệp. 

“Doanh nghiệp đã có đội ngũ xử lý dữ liệu để tối ưu hóa trải nghiệm cho khách hàng hay chưa? Thu thập dữ liệu là điều rất cần thiết, nhưng cách lưu trữ và đặc biệt là cách sử dụng dữ liệu cũng như thu thập dữ liệu tốt sẽ còn quan trọng hơn”, ông Tạ Quang Tuyến, Giám đốc giải pháp và tư vấn dữ liệu marketing, công ty Gimasys, nói.

Đặc biệt, một vấn đề rất quan trọng doanh nghiệp cần lưu ý khi làm digital marketing là nội dung. Bởi vì cuối cùng, digital marketing chính là nội dung - đó là cái mà máy móc hay các công nghệ như AI chưa làm được.

Để có được nội dung sáng tạo, đội ngũ digital marketing phải hiểu “nỗi đau” của khách hàng, am hiểu lý thuyết marketing, nghiên cứu thị trường, sản phẩm, chứ không chỉ đơn thuần “bỏ tiền chạy quảng cáo”, như ông Lại Tuấn Cường, Trưởng ban Chuyển đổi số tại CSMO Việt Nam, nhà sáng lập Repu Digital nói: “Dễ nhất là có tiền để chạy quảng cáo, nhưng khó nhất là làm nội dung cho digital marketing”.

LÀM DIGITAL MARKETING, DOANH NGHIỆP VIỆT VÔ TÌNH TIẾP THỊ CHO CÁC “ÔNG LỚN” NƯỚC NGOÀI?

Cho đến nay, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam làm digital marketing đều dựa vào các công cụ truyền thông xã hội của các tập đoàn đa quốc gia, như Google hay Facebook. Nền tảng mạng xã hội Zalo của Việt Nam cũng đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng để triển khai chiến lược tiếp thị số, tuy nhiên vẫn còn “nhỏ bé” bên cạnh các nền tảng trực tuyến như Google hay Facebook. 

Phải nói rằng, với sự phát triển lâu đời và tiềm lực tài chính, con người, các công cụ truyền thông xã hội của những ông lớn công nghệ như Google, Facebook rất thông minh, ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo, giúp chiến lược tiếp thị số của các doanh nghiệp tiếp cận được đúng đối tượng khách hàng. Như vậy, doanh nghiệp Việt gần như đứng trước tình thế “không thể không dùng” công cụ ngoại. 

Liệu điều đó có đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam “đang làm tiếp thị cho các công ty, tập đoàn đa quốc gia chiếm thị phần digital marketing ở Việt Nam” và liệu các doanh nghiệp trong nước còn có cơ hội phát triển, cạnh tranh về công cụ digital marketing?

Dễ nhất là đổ tiền chạy quảng cáo, nhưng khó nhất là làm digital marketing - Ảnh 1

Theo ông Lại Tuấn Cường, Trung Quốc phát triển như bây giờ cũng đã trải qua quãng thời gian làm gia công cho các đối tác ở Mỹ và các thị trường có mức độ phát triển mạnh, qua đó họ học hỏi được những điều tốt nhất và tự phát triển sản phẩm của mình. 

“Các sản phẩm công nghệ của Việt Nam thường tham khảo giải pháp của nước ngoài, của các công ty lớn như Microsoft, Apple, IBM…”, ông Cường nói. “Các doanh nghiệp Việt Nam có thể học các công ty đi trước trên thế giới. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt đôi khi còn sa lầy vào việc sao chép tính năng phần mềm của thế giới và bán với giá rẻ hơn”. Theo ông Cường, doanh nghiệp Việt nên tham khảo và lấy cảm hứng từ các giải pháp nước ngoài.

“Tham khảo là một cách đi tắt đón đầu, dựa vào phương pháp luận của các tập đoàn lớn, chúng ta có thể đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm make in Việt Nam, đáp ứng tốt nhu cầu người dùng Việt Nam với chi phí hợp lý nhưng có đủ các tính năng xuất sắc của sản phẩm thế giới”.

Bà Hải Phan, Trưởng nhóm Quan hệ Đối tác, Giám đốc điều hành Clever Group, cho biết thị trường đang phát triển rất nhanh, đòi hỏi doanh nghiệp phải số hóa, thích nghi và linh hoạt.

Là đối tác tại Việt Nam của các đơn vị hàng đầu thế giới như Google, bà Hải Phan cho biết Clever Group không cung cấp dịch vụ hay trở thành đối tác của các công ty nước ngoài với mong muốn giúp họ chiếm lĩnh thị trường trong nước, mà là để đồng hành với các doanh nghiệp, khách hàng, cá nhân để tìm ra giải pháp truyền thông hiệu quả.

Theo đại diện Clever Group, doanh nghiệp có thể trải nghiệm, thử nghiệm tất cả dịch vụ của các đối tác truyền thông trong và ngoài nước, kênh nào tốt có thể đầu tư, phân bổ ngân sách nguồn lực, không cần quan tâm đó là “kênh ngoại hay kênh Việt, mà quan trọng là hiệu quả khi nhìn vào các chỉ số, kết quả phân tích dữ liệu, chi phí, tỷ lệ chuyển đổi khách hàng”.

ĐỔI MỚI SÁNG TẠO KHÔNG HOÀN TOÀN NẰM Ở SẢN PHẨM, MÀ Ở CÁCH TRIỂN KHAI

Thực chất, doanh nghiệp Việt có rất nhiều cơ hội phát triển. Các doanh nghiệp nước ngoài đi trước, đầu tư nhiều về công nghệ, hệ thống, con người, song doanh nghiệp Việt lại có lợi thế hiểu thị trường, thói quen bản địa.

Chuyên gia cấp cao Nghiên cứu và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của NIC, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung cho biết NIC đang hỗ trợ hệ thống đổi mới sáng tạo Việt Nam, vì thế NIC thường xuyên có các hoạt động giao lưu, hợp tác với các chuyên gia quốc tế, các tập đoàn như Google.

“Chúng tôi muốn giới thiệu và mong muốn các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam có cơ hội gặp gỡ các tập đoàn thế giới, từ đó được truyền cảm hứng. Chúng ta còn rất nhiều “đất” để phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Làm việc với các tập đoàn quốc tế, startup Việt sẽ học hỏi phương pháp của họ và thích ứng với thị trường Việt Nam”, bà Dung nói. 

Nói về việc đi sau song vẫn đổi mới sáng tạo và thu hút được người tiêu dùng, bà Đỗ Ngọc Trà My, Giám đốc Phân tích thị trường và Chiến lược Vận hành Grab, cho biết dịch vụ gọi xe Grab không hoàn toàn là một giải pháp đổi mới sáng tạo, vì trước Grab đã có Uber.

Tuy nhiên, cái đổi mới sáng tạo chính là cách triển khai. Khi Grab xuất hiện tại Việt Nam đã phải cạnh tranh với Uber. Uber đi trước Grab và đã ra mắt ở Mỹ, song Grab đã đẩy mạnh định hướng địa phương, từ cách tiếp cận khách hàng, đối tác tài xế đến các chương trình quảng cáo. 

“Đổi mới sáng tạo không hoàn toàn nằm ở sản phẩm, công nghệ mà là ở cách triển khai, ở nguồn lực, ở ý tưởng thực hiện sản phẩm”, đại diện Grab Việt Nam cho biết.