09:35 01/06/2022

Đột phá công nghệ tạo ra điện mặt trời vào ban đêm

Hạnh Đặng - Đức Mạnh

Các nhà khoa học tại Australia đã đạt được bước đột phá trong công nghệ năng lượng tái tạo với việc chứng minh có thể sản xuất điện mặt trời cả vào ban đêm…

Điốt bức xạ nhiệt giúp tạo ra điện năng từ bức xạ ánh sáng hồng ngoại.
Điốt bức xạ nhiệt giúp tạo ra điện năng từ bức xạ ánh sáng hồng ngoại.

Thế giới đã có thêm bước tiến mới trong công nghệ năng lượng tái tạo sau phát minh đột phá của các nhà khoa học Australia.

Theo đó, nhóm chuyên gia thuộc Đại học New South Wales (UNSW) khẳng định đã tìm ra cách thu lại nguồn năng lượng thoát ra khỏi Trái Đất vào ban đêm.

Các nhà nghiên cứu cho biết bức xạ nhiệt hồng ngoại có thể thu lại để tạo ra điện năng ngay cả khi Mặt trời lặn, điều này đã cho phép họ phát triển một thiết bị bán dẫn gọi là “điốt bức xạ nhiệt”. Thiết bị này giúp tạo ra điện năng từ bức xạ ánh sáng hồng ngoại.

“Sử dụng các camera chụp ảnh nhiệt, bạn có thể thấy có bao nhiêu bức xạ vào ban đêm, tuy nhiên đó chỉ là bước sóng hồng ngoại không nhìn thấy được . Những gì chúng tôi đã làm là tạo ra một thiết bị có thể tạo ra năng lượng điện từ việc phát ra bức xạ nhiệt hồng ngoại ” - Trưởng nhóm nghiên cứu, Phó giáo sư Ned Ekins-Daukes cho biết.

Ánh sáng hồng ngoại vào ban đêm là do mặt trời làm ấm Trái đất vào ban ngày. Vì vậy về mặt kỹ thuật, quá trình này vẫn đang khai thác năng lượng mặt trời. Theo Tiến sĩ Phoebe Pearce, bất kỳ dòng năng lượng nào cũng có thể được chuyển đổi giữa các dạng khác nhau.

Ông Pearce chia sẻ: “Theo cách tương tự như pin mặt trời có thể tạo ra điện bằng cách hấp thụ ánh sáng mặt trời phát ra từ một mặt trời rất nóng, điốt phát xạ nhiệt tạo ra điện bằng cách phát ra ánh sáng hồng ngoại vào một môi trường lạnh hơn. Trong cả hai trường hợp, chênh lệch nhiệt độ là thứ cho phép chúng ta tạo ra điện".

Nghiên cứu cho thấy,điốt bức xạ nhiệt thực sự có thể tạo ra điện năng, tuy nhiên năng lượng thu được hiện tại còn rất nhỏ, chỉ tương đương 0,001% hiệu suất của một tấm pin năng lượng mặt trời bình thường.

Tiến sĩ Michael Nielsen, đồng tác giả của nghiên cứu UNSW hy vọng rằng, bằng cách tận dụng kiến ​​thức về cách thiết kế và tối ưu hóa pin mặt trời, đồng thời vay mượn vật liệu từ cộng đồng cảm biến quang hồng ngoại hiện nay, nghiên cứu này sẽ đạt được tiến bộ nhanh chóng trong việc thực hiện giấc mơ điện mặt trời vào ban đêm.”