15:24 25/07/2022

Đưa Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu về e-logistics tại Đông Nam Á

Bảo Bình

Cùng với các cơ hội đến từ sự thay đổi của hành vi người dùng với quy mô của nền kinh tế số, Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia chứng kiến sự bùng nổ của thương mại điện tử và e-logistics.

Talkshow The WISE Talk số thứ ba với chủ đề: “Cơ hội và thách thức nào cho Việt Nam trở thành điểm đến tiếp theo về đầu tư e-logistics trong khu vực Đông Nam Á?”.
Talkshow The WISE Talk số thứ ba với chủ đề: “Cơ hội và thách thức nào cho Việt Nam trở thành điểm đến tiếp theo về đầu tư e-logistics trong khu vực Đông Nam Á?”.

Tuy nhiên, thị trường vẫn còn những thách thức đặc thù, đòi hỏi phải có một chiến lược kinh doanh và phát triển dài hơi của các bên tham gia.

Báo cáo gần đây nhất của Google và Bain & Company đánh giá thị trường thương mại điện tử của Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn gấp 3 lần, quy mô từ 14 tỷ USD lên 52 tỷ USD đến năm 2025. 

Trong khi đó, theo Báo cáo nghiên cứu về kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới mới được công bố gần đây của Công ty Bưu chính thương mại điện tử (e-logistics) Ninja Van, Việt Nam là quốc gia đứng đầu với số lượng mua hàng trực tuyến trung bình lên đến 104 đơn hàng/năm.

Đáng chú ý, 73% đáp viên cho biết họ thường xuyên mua hàng trên các nền tảng mua sắm thương mại điện tử  và 59% cho biết họ từng nhiều lần đặt hàng hoặc mua sắm trên các website quốc tế.

Ninja Van cho biết Việt Nam hiện đang chiếm 15% tổng thị trường mua sắm trực tuyến tại Đông Nam Á, chỉ đứng sau Thái Lan với tỷ lệ 16% và ngang bằng với Philippines. Báo cáo cho thấy người Việt Nam yêu thích việc mua sắm online và đang dẫn đầu khu vực ở nhiều chỉ số.

Trung tâm Kết nối công nghệ tương lai (Tech Connect) cùng với Tạp chí Kinh tế Việt Nam / VnEconomy mới đây đã tổ chức Talkshow The WISE Talk số thứ ba với chủ đề: “Cơ hội và thách thức nào cho Việt Nam trở thành điểm đến tiếp theo về đầu tư e-logistics trong khu vực Đông Nam Á?”.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết Việt Nam hiện là quốc gia có dân số trẻ với khả năng tiếp cận công nghệ nhanh nhạy, cộng thêm đó là quy mô thị trường kinh tế số Việt Nam được dự báo khoảng trên 50 tỷ USD. Đây là tiềm năng lớn đối với thương mại điện tử và ngành e-logistics.

NHỮNG "NÚT THẮT" CỦA THỊ TRƯỜNG

Bên cạnh các cơ hội phát triển bùng nổ do những thay đổi từ hành vi mua sắm của người tiêu dùng và quy mô thị trường kinh tế số của Việt Nam, logistics nói chung và e-logistics nói riêng của Việt Nam vẫn phải đối mặt với các thách thức đặc thù, trong đó nổi bật là bài toán về chi phí. 

Một báo cáo về Chỉ số logistics thị trường mới nổi 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility công bố hồi cuối năm ngoái cho thấy, chi phí logistics của Việt Nam còn cao, chiếm khoảng hơn 20% GDP. Trong khi đó, mức chi phí logistics trung bình trên thế giới chỉ khoảng 11% GDP. 

So với các mô hình logistics truyền thống, e-logistics hiện đang phát triển mạnh mẽ. Và theo những người trong cuộc, sẽ có những yếu tố chính đóng vai trò quyết định trong việc giảm thiểu chi phí logistics trong thương mại điện tử.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương

Lý giải về những yếu tố khiến chi phí e-logistics của Việt Nam còn cao, ông Hải cho biết có nhiều yếu tố liên quan, từ cơ sở hạ tầng đến các thủ tục thông quan.

“Hiện nay, hệ thống mạng lưới giao thông, đường cao tốc đã phát triển rất nhanh, nhiều cảng lớn và sân bay mới được xây dựng. Tuy nhiên, vấn đề còn nằm ở tính kết nối giữa các hệ thống này. Ngoài ra, các thủ tục hành chính trong hoạt động logistics như tốc độ thông quan, tốc độ kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu cũng là những yếu tố tác động đến chi phí hậu cần”. 

Theo chia sẻ của Ninja Van, một startup “kỳ lân” trong lĩnh vực vận chuyển và hiện đã hoạt động tại 6 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, e-logistics tại Việt Nam có những điểm khác biệt so với các thị trường khác. Ngoài sự tăng trưởng về số lượng khách hàng, còn có cả sự tăng trưởng về diện tích phục vụ.

Chẳng hạn, ở Thái Lan, 90% số lượng khách hàng mà Ninja Van phục vụ sinh sống ở Bangkok. Nhưng ở Việt Nam, số lượng khách hàng tăng trưởng và tập trung trong khoảng 5 đến 6 thành phố lớn, thậm chí nhiều hơn. Đây cũng là một yếu tố mà doanh nghiệp e-logistics cần lưu ý, nếu không sẽ khiến chi phí vận hành tăng cao.

Ngoài ra, khoảng 60-70% chi phí e-logistics rơi vào khâu giao hàng chặng cuối, nghĩa là khâu giao hàng từ shipper đến người nhận hàng. Ông Phan Xuân Dũng, Giám đốc kinh doanh Công ty Ninja Van Việt Nam, chia sẻ: “Ở Việt Nam, chúng tôi đưa ra khung dịch vụ giao hàng ba lần cho mỗi đơn hàng. Nghĩa là, nếu người nhận không thể nhận hàng trong lần giao thứ nhất, chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ giao hàng miễn phí lần thứ hai và lần thứ ba. Hiện nay, trung bình mỗi đơn hàng sẽ có khoảng 2,5 lần giao hàng. Vì vậy, để giảm chi phí, cần đảm bảo đơn hàng được giao thành công cao nhất ngay lần giao hàng đầu tiên". 

YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH GIÚP GIẢM CHI PHÍ E-LOGISTICS

Theo ông Hải, ứng dụng công nghệ vào hoạt động e-logistics sẽ giúp giảm bớt chi phí. “Ứng dụng công nghệ, các quy trình logistics sẽ được tự động hóa nhiều hơn, giảm sự can thiệp của con người trong các khâu và chuỗi cung ứng logistics”, ông Hải nói.

“Số lượng đơn hàng lớn và yêu cầu vận chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau, do đó việc áp dụng các công nghệ tự động sẽ giúp tăng hiệu suất, giảm thời gian và tăng độ chính xác trong hậu cần. Cách xử lý đơn hàng như vậy sẽ giúp không chỉ giảm chi phí mà tiết kiệm cả về thời gian, và cuối cùng là tăng hiệu quả, tăng lợi nhuận về logistics trong thương mại điện tử”.

Còn theo đại diện Ninja Van, trong khoảng 5 năm vừa qua, số lượng đơn hàng logistics trong thương mại điện tử đã tăng gấp 3 lần. “Khi số lượng đơn hàng tăng lên, nếu doanh nghiệp không khéo léo xử lý vận hành sẽ khiến hệ thống bị quá tải và chi phí tăng lên”, ông Dũng nói.

“Do đó, Ninja Van phải nghĩ đến nhiều phương án khác nhau giúp giảm thiểu chi phí, trong đó có cả việc ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo nhân sự”.

 

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương

Ứng dụng công nghệ, các quy trình logistics sẽ được tự động hóa nhiều hơn, giảm sự can thiệp của con người trong các khâu và chuỗi cung ứng logistics. Số lượng đơn hàng lớn và yêu cầu vận chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau, do đó việc áp dụng các công nghệ tự động sẽ giúp tăng hiệu suất, giảm thời gian và tăng độ chính xác trong hậu cần. Cách xử lý đơn hàng như vậy sẽ giúp không chỉ giảm chi phí mà tiết kiệm cả về thời gian, và cuối cùng là tăng hiệu quả, tăng lợi nhuận về logistics trong thương mại điện tử.

Ông Phan Xuân Dũng khẳng định công nghệ là một trong những yếu tố được đánh giá mang tính quyết định giúp giảm thiểu chi phí và cải thiện hoạt động vận hành logistics.

“Có rất nhiều câu chuyện liên quan đến ứng dụng công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong vận hành ở chặng cuối tại Ninja Van”, ông Dũng nói và cho biết sắp tới công ty sẽ ra gói giải pháp liên quan đến “gỡ rối đơn hàng”, sao cho khi đơn hàng sắp được đưa đến, thông qua các nền tảng nhắn tin, người nhận hàng sẽ biết được trong vòng 30 phút hay 1 tiếng sắp tới, đơn hàng của họ sẽ được giao đến, kèm theo số điện thoại của shipper và số tiền cần phải chuẩn bị. 

Trong trường hợp khách hàng không nhận được, họ sẽ có những lựa chọn nhận hàng khác và hệ thống sẽ tổng hợp, đưa ra các phương án luân phiên, như giao hàng vào ngày hôm sau hoặc giao đến địa chỉ tiện hơn cho khách hàng, hoặc luân chuyển đơn hàng vào khung giờ tối để có thể giao hàng trong thời gian sớm nhất.

Giải pháp “gỡ rối đơn hàng” sẽ giúp tăng tỷ lệ giao thành công. Đặc biệt, ở một số khu vực, còn số 2,5 lần giao hàng mới thành công có thể giảm xuống còn 1,5 đến 1,7 lần, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp vận chuyển.

Ngoài ra, Ninja Van có ứng dụng để người bán hàng có thể đăng ký tài khoản và đẩy đơn hàng cần vận chuyển lên. Thông qua ứng dụng, cả Ninja Van và người gửi hàng đều có thể sắp xếp thời gian và phương thức nhận hàng vận chuyển tối ưu nhất cho mỗi bên.

Giải pháp công nghệ cũng giúp shipper có thể biết trong số gần 100 đơn hàng họ đang giao, đơn hàng nào nên giao trước và giao vào thời điểm nào sẽ có tỷ lệ giao hàng thành công ở ngay lần giao đầu tiên.

Nhận định xu hướng thương mại điện tử ngày càng phổ biến ở các khu vực nông thôn, đại diện Ninja Van cho biết công ty đang tập trung phát triển kho vệ tinh tại các tỉnh thành, bởi nếu chỉ tập trung vào kho chính ở Hà Nội và TP.HCM, thời gian đưa hàng đến khu vực nông thôn sẽ tương đối cao. 

Ông Phan Xuân Dũng, Giám Đốc Kinh Doanh công ty Ninja Van Việt Nam
Ông Phan Xuân Dũng, Giám Đốc Kinh Doanh công ty Ninja Van Việt Nam

Để khai thác tiềm năng thị trường thương mại điện tử ở nông thôn và phục vụ đối tượng khách hàng ở đây, Ninja Van cho biết sẽ tăng độ phủ của hệ thống bưu cục, với mục tiêu hệ thống bưu cục có thể phủ được “ít nhất mỗi xã có một bưu cục”.

CẦN MỘT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN "DÀI HƠI"

Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, Việt Nam đang có nhiều chính sách khuyến khích phát triển thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện đã sử dụng hiệu quả các kênh giao dịch thương mại điện tử của nước ngoài, đặc biệt là Alibaba và Amazon.

Bộ Công Thương đã có những chương trình phối hợp với hai sàn giao dịch này, hỗ trợ và tập huấn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia bán hàng. “Đây là kênh giúp hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản, có thể đi ra thị trường quốc tế một cách hiệu quả”, ông Hải nói.

 

Ông Phan Xuân Dũng, Giám đốc kinh doanh Công ty Ninja Van Việt Nam

Trong trường hợp khách hàng không nhận được, họ sẽ có những lựa chọn nhận hàng khác và hệ thống sẽ tổng hợp, đưa ra các phương án luân phiên, như giao hàng vào ngày hôm sau hoặc giao đến địa chỉ tiện hơn cho khách hàng, hoặc luân chuyển đơn hàng vào khung giờ tối để có thể giao hàng trong thời gian sớm nhất. Giải pháp “gỡ rối đơn hàng” sẽ giúp tăng tỷ lệ giao thành công. Đặc biệt, ở một số khu vực, còn số 2,5 lần giao hàng mới thành công có thể giảm xuống còn 1,5 đến 1,7 lần, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp vận chuyển.

Tuy vậy, để Việt Nam có thể trở thành điểm đến tiếp theo về đầu tư e-logistics ở Đông Nam Á, theo ông Hải, cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng như tháo gỡ những thách thức trong phát triển e-logistics như về hạ tầng, kho bãi, thủ tục hành chính, đặc biệt là các khâu giao nhận liên quan đến hàng hóa vận chuyển qua biên giới. 

“Các doanh nghiệp Việt Nam đa phần có quy mô nhỏ, thời gian trải nghiệm chưa nhiều, kinh nghiệm hoạt động chưa đủ lớn. Do đó, nguồn nhân lực được đào tạo bài bản và có tính kỷ luật, tính chuyên nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp lớn nhanh hơn, cũng như hoạt động hiệu quả hơn, tham gia được thị trường e-logistics quốc tế”, ông Hải nhận xét.

Theo đánh giá của Ninja Van, thương mại điện tử xuyên biên giới đang ngày càng phát triển, tạo bước đà cho các doanh nghiệp vươn mình ra thế giới, mở rộng quy mô kinh doanh tại nhiều quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, do những thách thức đến từ cổng thanh toán, e-logistics, quy định và luật pháp, nhiều cửa hàng kinh doanh Việt Nam vẫn chưa tham gia hoạt động này.

Thực tế, mua sắm trực tuyến bùng nổ đã mang đến nhiều cơ hội cũng như thách thức cho ngành e-logistics, vốn đang phải đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thực hiện đơn hàng và giao hàng chặng cuối. 

Theo các công ty hậu cần, nhu cầu vận chuyển các loại hàng hóa đang tăng lên, đặc biệt là chuyển phát nhanh xuyên biên giới. Các xu hướng tiêu dùng mới và sự bùng nổ thương mại điện tử đòi hỏi các công ty vận chuyển và giao nhận phải điều chỉnh mô hình và chiến lược kinh doanh.