11:27 14/07/2024

Khám phá quy trình tuyển dụng tại 4 gã khổng lồ công nghệ hàng đầu thế giới

Sơn Trần

Là những tập đoàn hàng đầu thế giới, Google, Nvidia, Meta và Microsoft luôn là đích đến mơ ước của rất nhiều người. Quy trình có thể khác nhau, nhưng những câu hỏi, thử thách kiểm tra trình độ chặt chẽ là giống nhau mà ứng viên cần vượt qua...

Google, Nvidia, Meta và Microsoft luôn là đích đến mơ ước của rất nhiều người.
Google, Nvidia, Meta và Microsoft luôn là đích đến mơ ước của rất nhiều người.

Trở thành nhân viên chính thức tại bất cứ công ty Big Tech nào đều cực kỳ khó khăn, theo Yahoo Tech.

Một số công ty như Google, Nvidia, Meta và Microsoft luôn đặt tiêu chuẩn cao cho ứng viên, những người phải vượt qua loạt hoạt động đánh giá, phỏng vấn và các bài tập kiểm tra kiến thức chuyên môn.

Google nổi tiếng với quy trình tuyển dụng khó khăn và cạnh tranh. Gần đây, một kỹ sư phần mềm trả lời báo chí rằng cô bị Google từ chối 7 lần trước khi trở thành nhân viên công ty. Ứng viên phải vượt qua nhiều cuộc phỏng vấn theo quy định nghiêm ngặt và sẵn sàng trả lời các câu hỏi mở, thể hiện điểm mạnh và kỹ năng tương tác cá nhân.

Trong khi đó, Nvidia chú trọng bài kiểm tra kỹ thuật đối với mã hóa HackerRank, còn Microsoft đánh giá các kỹ năng giải quyết vấn đề, thiết kế, lập trình và kiểm thử của ứng viên.

Để vượt qua những cuộc phỏng vấn này, ngoài kiến thức chuyên môn, ứng viên cần trang bị kỹ thông tin về văn hóa và giá trị độc đáo của từng công ty.

GOOGLE

Khi ứng viên nộp đơn xin việc và một thành viên trong nhóm tuyển dụng đánh giá phù hợp, họ sẽ liên lạc để bắt đầu quá trình tuyển dụng.

Theo hướng dẫn của Google, bước đầu tiên thường liên quan đến việc thực hiện bài đánh giá tuyển dụng nhằm kiểm tra kỹ năng. Nếu ứng viên nộp đơn trong vai trò kỹ thuật, họ phải hoàn thành bài kiểm tra lập trình.

Giai đoạn tiếp theo, một hoặc hai cuộc trò chuyện trực tuyến được thiết lập với nhà tuyển dụng, quản lý tuyển dụng và đồng nghiệp trong nhóm để đánh giá kỹ năng ứng viên.

Sau đó, một số ứng viên có thể được yêu cầu thực hiện dự án nhỏ, nghiên cứu hoặc mã hoá trước khi phỏng vấn chuyên sâu nhằm giúp công ty hiểu cách ứng viên giải quyết vấn đề.

Giai đoạn phỏng vấn thực tế sẽ có từ 3 đến 4 cuộc phỏng vấn trong ngày, có thể trực tiếp hoặc trực tuyến. Giai đoạn này bao gồm các cuộc phỏng vấn theo cấu trúc, nơi ứng viên được hỏi những câu hỏi mở để nhà tuyển dụng xác định điểm mạnh và nhìn thấy cách họ tương tác với nhóm.

Nếu ứng viên không nhận được phản hồi trong vòng hai tháng, thì có khả năng đã không vượt qua vòng phỏng vấn.

NVIDIA

Quy trình tuyển dụng của Nvidia có ba giai đoạn:

Giai đoạn 1: Nộp đơn trực tuyến vào vị trí mà bạn quan tâm. Ứng viên có thể đăng ký tối đa 5 vai trò phù hợp với kiến thức và kinh nghiệm bản thân.

Giai đoạn 2: Nếu Nvidia cảm thấy phù hợp, ứng viên sẽ được gặp gỡ nhà tuyển dụng, các thành viên nhóm qua điện thoại, trực tiếp hoặc gọi video.

Giai đoạn 3: Ứng viên tham dự một số cuộc phỏng vấn. Các buổi phỏng vấn thường kéo dài từ 30 đến 60 phút, có thể theo hình thức nhóm nhỏ hoặc với hội đồng phỏng vấn. Sau phần quan trọng nhất, ứng viên có 15 phút trao đổi với thành viên nhóm cộng đồng để tìm hiểu về văn hóa Nvidia. Ngoài ra, người ứng tuyển ở vị trí kỹ thuật có thể được yêu cầu thực hiện bài kiểm tra lập trình HackerRank trên bảng trắng hoặc máy tính xách tay. 

Ứng viên sẽ nhận kết quả tuyển dụng trong vài tuần. Lúc này, nhà tuyển dụng có thể đưa ra thêm một số đề nghị. Kỹ sư phần mềm giấu tên của Nvidia cho biết các buổi phỏng vấn kỹ thuật có thể "khá khó" và điều quan trọng là "phải tập trung vào việc xây dựng cấu trúc dữ liệu và kiến thức thuật toán".

MICROSOFT

Quy trình tuyển dụng của Microsoft hoàn toàn trực tuyến.
Quy trình tuyển dụng của Microsoft hoàn toàn trực tuyến.

Quy trình tuyển dụng của Microsoft hoàn toàn trực tuyến. Khi ứng viên nộp đơn, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá kiến thức chuyên môn, kỹ năng giải quyết vấn đề và một số câu hỏi khác dựa trên năng lực.

Thông thường, các cuộc phỏng vấn kéo dài 45 phút và kỹ sư Microsoft tương lai được đánh giá qua bốn lĩnh vực:

Lĩnh vực 1: Giải quyết vấn đề. Người phỏng vấn muốn xem ứng viên đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề như thế nào.

Lĩnh vực 2: Thiết kế. Ứng viên được đánh giá có đủ kiến thức để tạo, thiết kế nền tảng hoặc hệ thống mới hay không.

Lĩnh vực 3: Mã hóa. Ứng viên được yêu cầu code bằng ngôn ngữ tự chọn, miễn sao phần code phải sạch, gọn và không có lỗi.

Lĩnh vực 4: Kiểm thử. Ứng viên thực hiện kiểm tra mã xem có lỗi hay không và đề xuất giải pháp.

META

Quy trình phỏng vấn kỹ sư phần mềm của Meta tương tự như Microsoft.

Chủ sở hữu Facebook và Instagram biên soạn sẵn những hướng dẫn toàn diện về quy trình "Phỏng vấn vòng tròn", bao gồm ba đến năm cuộc trò chuyện. Ứng viên sẽ tham gia phỏng vấn về lập trình, thiết kế và kỹ năng mềm, mỗi cuộc kéo dài 45 phút.

Riêng phần lập trình diễn ra trong hơn hai phiên, mỗi phiên 45 phút. Phần phỏng vấn thiết kế cũng có thể diễn ra hai phiên và người phỏng vấn sẽ những câu hỏi mở nhằm đánh giá những giải pháp mà ứng viên đưa ra.

Cuối cùng, phiên "làm quen" kéo dài 45 phút, trong đó ứng viên được hỏi về lý lịch, sở thích và kinh nghiệm.