13:55 10/05/2024

Khởi nghiệp trò chơi có nhiều tiềm năng phát triển tại Đông Nam Á

Ngô Huyền

Lĩnh vực trò chơi di động đang mở rộng nhanh chóng tại Đông Nam Á, trong đó Viêt Nam là một trong những thị trường chiến lược hàng đầu khu vực, mang đến nhiều tiềm năng để các công ty trong lĩnh vực khởi nghiệp và mở rộng hoạt động…

Khởi nghiệp trò chơi có nhiều tiềm năng phát triển tại Đông Nam Á
Khởi nghiệp trò chơi có nhiều tiềm năng phát triển tại Đông Nam Á

Trước đại dịch COVID-19, Đông Nam Á được đánh giá là khu vực có đóng góp quan trọng vào thị trường trò chơi toàn cầu, với dữ liệu từ GWI nhấn mạnh 86% người dùng Internet (khoảng 584 triệu người) chơi trò chơi trên thiết bị di động và 46% có sự quan tâm tích cực đến trò chơi trên PC hoặc console. Bên cạnh đó, thị trường thể thao điện tử tại ASEAN cũng ngày càng mở rộng được dự đoán sẽ tiếp cận 250 triệu người chơi trong vài năm tới.

VIỆT NAM NẰM TRONG NHỮNG QUỐC GIA CÓ NHIỀU NGƯỜI CHƠI TRÒ CHƠI DI ĐỘNG NHẤT KHU VỰC

Châu Á Thái Bình Dương là thị trường trò chơi di động lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, với mức tăng trưởng hơn 26%, đạt 70 tỷ USD vào năm 2022. Theo dự đoán của Trackier, đến năm 2025, thị trường sẽ tăng vọt và đạt doanh thu 87 tỷ USD, trong đó Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc mang đến những cơ hội tăng trưởng đáng kể nhờ mức độ thâm nhập internet và điện thoại thông minh cao cũng như dân số đông đảo, am hiểu công nghệ.

Riêng tại Đông Nam Á, mức độ phổ biến của trò chơi ngày càng được mở rộng nhờ khả năng chi trả của người dùng ngày càng tăng. Trong đó, những thị trường phát triển lĩnh vực này nhất khu vực bao gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Singapore và Philippines. 

TRÒ CHƠI ĐIỆN TỬ ĐÓNG GÓP VÀO NỀN KINH TẾ SỐ SÁNG TẠO 

Sự phổ biến của điện thoại thông minh và Internet tốc độ cao, khiến trò chơi trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết. Các yếu tố nhân khẩu học như dân số đông, trẻ với 61% dân số khu vực ASEAN dưới 35 tuổi và tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng cũng là những động lực thúc đẩy sự tăng trưởng này. 

Tech Collective nhận định trò chơi điện tử không chỉ là một phương tiện giải trí, mà sẽ còn là một phần không thể thiếu của văn hóa đại chúng hiện đại, ảnh hưởng đến các tương tác xã hội và thúc đẩy sự phát triển công nghệ.

Các trò chơi trực tuyến như “Mobile Legends: Bang Bang” và “PUBG Mobile” đã tạo ra những mối quan hệ xuyên biên giới, thúc đẩy tinh thần đồng đội và nuôi dưỡng tinh thần cạnh tranh lành mạnh. Nền văn hóa này đã dẫn đến sự phát triển của các giải đấu thể thao điện tử và phát trực tiếp trò chơi, đồng thời tạo ra một cộng đồng sôi động. 

Các trò chơi như loạt game “DreadOut” của Indonesia, “Midwest 90: Rapid City” của Malaysia và “Skull and Bones” của Ubisoft ở Singapore đã cho thấy trình độ sản xuất và phát triển trò chơi vượt bậc của các nhà phát triển khu vực, đồng thời cho thấy khả năng phát triển của thị trường trò chơi trong khu vực, để từ đó đóng góp vào nền kinh tế sáng tạo của Đông Nam Á.

Sự tăng trưởng của ngành cũng đã mở ra nhiều cơ hội việc làm và kinh doanh. Ví dụ, ở Indonesia, thị trường trò chơi và ứng dụng trực tuyến đã đóng góp gần 2 tỷ USD vào GDP của đất nước với khoảng 140.000 việc làm được tạo ra vào năm 2021. Thị trường Đông Nam Á được định vị là thị trường tạo ra nhiều cơ hội hơn trong các lĩnh vực như phát triển trò chơi, quản lý thể thao điện tử , dịch vụ phát trực tiếp và sản xuất phần cứng.

XU HƯỚNG TIÊU DÙNG CỦA THỊ TRƯỜNG TRÒ CHƠI ĐIỆN TỬ ĐÔNG NAM Á 

Theo Tech Collective, để nâng cao chiến lược tiếp thị, các thương hiệu nên tạo các buổi phát trực tiếp (Livestream) giới thiệu hay tạo ra những chiến dịch thu hút cộng đồng theo những cách hấp dẫn. Các buổi phát trực tiếp sẽ là cách để nâng cao khả năng hiển thị thương hiệu và tăng tương tác của người tiêu dùng với tựa game một cách hiệu quả.

Cheeri Leo, Giám đốc Tiếp thị Bán hàng APAC tại Twitch, nhấn mạnh vai trò quan trọng của phát trực tiếp là như một công cụ chuyển đổi mạnh mẽ trong ngành trò chơi. Theo nghiên cứu của Twitch, game thủ ở ASEAN có xu hướng mua hoặc tải xuống trò chơi mà họ đã chứng kiến ​​người khác chơi, điều này nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của việc phát trực tiếp.

Hơn nữa, theo các chuyên gia, các công ty khởi nghiệp phải điều chỉnh chiến lược kiếm tiền phù hợp với các mô hình kinh doanh cụ thể với từng trò chơi, cho dù thông qua mua hàng trong ứng dụng, quảng cáo hay phiên bản cao cấp. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc SEA, Rishi Bedi nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc lập kế hoạch chiến lược để quảng cáo trong trò chơi. 

Quảng cáo là phương tiện kiếm tiền chủ yếu của các trò chơi miễn phí   
Quảng cáo là phương tiện kiếm tiền chủ yếu của các trò chơi miễn phí   

Theo đó, ông chỉ ra rằng quảng cáo và trò chơi có mối quan hệ độc đáo, chủ yếu là do sự phổ biến của các mô hình chơi miễn phí khiến các nhà phát triển kiếm tiền từ nội dung của họ thông qua không gian quảng cáo, tuy nhiên trong thời gian tới các nhà phát triển cũng cần xem xét và đổi mới cách thức kiếm tiền này sao cho phù hợp để tăng trải nghiệm người dùng. 

Đông Nam Á đã chứng tỏ là một mảnh đất màu mỡ cho ngành công nghiệp trò chơi di động đang phát triển mạnh mẽ. Với cơ sở người tiêu dùng đa dạng và ngày càng mở rộng, thị trường sôi động này mang đến nhiều cơ hội cho các công ty khởi nghiệp về trò chơi đổi mới và phát triển.

Tương lai của ngành được nhiều chuyên gia mô tả là “đầy hứa hẹn”, với các xu hướng như chơi game trên nền tảng đám mây và sự nổi lên của AR/VR gợi ý những lĩnh vực mới để phát triển. Bằng cách khai thác sở thích và hành vi của người chơi địa phương, các công ty khởi nghiệp có thể định vị bản thân một cách chiến lược để thoả mãn thậm chí vượt qua sự mong đợi của nhóm nhân khẩu học năng động này.