17:53 21/05/2024

Neuralink tìm kiếm bệnh nhân thứ hai thử nghiệm cấy ghép chip não

Sơn Trần

Công ty công nghệ thần kinh Neuralink của tỷ phú Elon Musk hiện đang mở đơn đăng ký tự nguyện, tìm kiếm người bệnh thứ hai trên thế giới tham gia thử nghiệm cấy ghép chip não…

Neuralink tìm kiếm người bệnh thứ hai trên thế giới tham gia thử nghiệm cấy ghép chip não.
Neuralink tìm kiếm người bệnh thứ hai trên thế giới tham gia thử nghiệm cấy ghép chip não.

Thông báo được đưa ra năm tháng sau khi Neuralink cấy ghép thành công chip não lên người trong lần thử nghiệm đầu tiên. Bệnh nhân là anh Noland Arbaugh 30 tuổi, bị liệt tứ chi từ năm 2016 sau tai nạn bất ngờ.

Thành tựu đánh dấu cột mốc quan trọng cho những nỗ lực đưa công nghệ có khả năng thay đổi cuộc sống ra khỏi phòng thí nghiệm và ứng dụng trong thế giới thực. Mặc dù sau một tuần cấy ghép, công ty thừa nhận con chip đã gặp sự cố. Neuralink cho biết các sợi kết nối chip với não của anh Arbaugh tự tách khỏi mô, gây ra một số vấn đề về hiệu suất. Tuy nhiên ngay sau đó, hãng đã nhanh chóng thực hiện điều chỉnh để cải thiện chức năng của chip.

Vui mừng sau ca cấy ghép, anh Arbaugh bày tỏ chip não giúp anh thay đổi cuộc đời, điều khiển con trỏ máy tính chỉ bằng suy nghĩ.

"Trước đây, tôi không có động lực để thức dậy vào mỗi buổi sáng, và thiết bị này đã thay đổi tôi", anh Arbaugh trả lời phỏng vấn Good Morning America. "Tôi rất vui mừng khi trở thành một phần của thứ gì đó mà tôi tin là vô cùng quan trọng. Đây là bước tiến tiếp theo trên hành trình giúp đỡ những người bị liệt".

Hiện tại, Neuralink đang tìm kiếm thêm những người như anh Arbaugh để tiếp tục thử nghiệm chip não. "Nếu bạn bị liệt tứ chi và muốn khám phá cách thức mới để điều khiển máy tính, chúng tôi mời bạn tham gia thử nghiệm lâm sàng vào thời gian tới", công ty đăng tải trên mạng xã hội X.

Tham vọng của Neuralink là sử dụng công nghệ cấy ghép để kết nối bộ não con người với máy tính, giúp bệnh nhân liệt tứ chi có thể điều khiển một số thiết bị điện tử hay giúp người mù lấy lại thị lực. Giống như giao diện não-máy tính hiện có, thiết bị của công ty thu thập tín hiệu điện não và diễn giải chúng bằng hành động.

Những người tham gia thử nghiệm hiện tại là một phần trong nghiên cứu PRIME, viết tắt của Giao diện não-Máy tính Cấy ghép Chính xác bằng Robot (Precise Robotically Implanted Brain-Computer Interface). Mục đích tiếp theo trong lần thử nghiệm này là nghiên cứu mức độ an toàn của robot cấy ghép, phẫu thuật và kiểm tra chức năng thiết bị.

Công ty đang tìm kiếm bệnh nhân thử nghiệm "hạn chế, không có khả năng sử dụng cả hai tay do chấn thương tủy sống cổ hoặc xơ cứng teo cơ bên (ALS)".

Thiết bị Neuralink ghi lại hoạt động từ điện cực đặt bên cạnh các tế bào não riêng lẻ, giúp hiểu mong muốn chuyển động của người bệnh. Khoảng một tháng sau ca phẫu thuật, Elon Musk thông báo bệnh nhân đầu tiên có thể điều khiển chuột máy tính bằng bộ não. Video mà Neuralink đăng tải cho thấy anh Arbaugh đang thoải mái ngồi chơi cờ vua chỉ với suy nghĩ.

Chia sẻ cùng Good Morning America, sau khi thiết bị gặp sự cố bất ngờ gây ảnh hưởng đến tốc độ xử lý dữ liệu và hiệu suất, anh đã “khóc sau đó” vì "thật khó để từ bỏ tất cả những điều tuyệt vời mà tôi có thể làm".

Hãng cũng giải thích một phần trong quá trình thử nghiệm lần này nhằm cải thiện sản phẩm.

"Chúng tôi thực hiện thử nghiệm lâm sàng với mong muốn phát hiện càng sớm càng tốt một số vấn đề trước khi đưa ra thị trường", đồng sáng lập Neuralink DJ Seo cho hay. "Chúng tôi đã nỗ lực hết sức và tìm nhiều cách khác nhau để bệnh nhân Noland có thể phục hồi khả năng, điều mà chúng tôi đã thành công".

Tuy nhiên, người tiêu dùng không thể sớm tiếp cận rộng rãi công nghệ này trong tương lai gần. Trước khi thiết bị cấy ghép não của Neuralink được ứng dụng đại trà, công nghệ cần được chính thức phê duyệt.