20:52 03/01/2025

Người khuyết tật gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận dịch vụ công trực tuyến

Bảo Bình

Theo các chuyên gia, trong thực hiện chuyển đổi số, cần tham vấn ý kiến người khuyết tật để tích hợp những tính năng dễ tiếp cận với người khuyết tật vào các nền tảng số...

11% người khuyết tật cảm thấy "rất khó" khi tìm kiếm thông tin và hướng dẫn trên cổng dịch vụ công trực tuyến
11% người khuyết tật cảm thấy "rất khó" khi tìm kiếm thông tin và hướng dẫn trên cổng dịch vụ công trực tuyến

Theo đánh giá chuyên đề về mức độ hòa nhập của người khuyết tật trong quản trị địa phương do Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRI) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam thực hiện, trong số những người khuyết tật thực hiện thủ tục hành chính 12 tháng qua, có đến 25,6% người cảm thấy khó khăn khi tìm kiếm thông tin trên các cổng dịch vụ công trực tuyến.

Hiện nay, nhiều cổng dịch vụ công trực tuyến chưa được thiết kế để hỗ trợ trình đọc màn hình, khiến việc tiếp cận của người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị trở nên hạn chế. 

DỊCH VỤ NGÂN HÀNG CHƯA DỄ TIẾP CẬN VỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Nghiên cứu được thực hiện với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) thông qua Chương trình nghiên cứu Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của UNDP. Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát với 2.310 người khuyết tật, bao gồm tất cả các dạng khuyết tật tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Các chuyên gia đã đưa ra khuyến nghị, cần cải thiện các cổng dịch vụ công trực tuyến, đáp ứng tiêu chuẩn và tham vấn người khuyết tật trong quá trình xây dựng cổng dịch vụ công trực tuyến để thân thiện hơn với người khuyết tật.

Theo nghiên cứu, người khuyết tật nghe nói có trải nghiệm làm thủ tục hành chính gặp khó khăn cao nhất với tỷ lệ báo cáo 46,7%. Ngoài ra, cán bộ địa phương cũng thường gặp khó khăn trong việc giao tiếp với người khuyết tật nghe nói.

Một trong những khó khăn phổ biến nhất của người khuyết tật khi nhận trợ cấp là phải phụ thuộc vào người nhà nhận hộ (52,4%). Điều này khiến người khuyết tật không hoàn toàn quyết định được việc sử dụng khoản trợ cấp này.

Bên cạnh đó, trong số người khuyết tật đang nhận trợ cấp hàng tháng tham gia khảo sát, 24,3% hiện đang nhận trợ cấp qua tài khoản ngân hàng, chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, việc chuyển sang hình thức nhận trợ cấp này còn nhiều rào cản với người khuyết tật ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, những nơi cây ATM cách UBND xã tới 20km.

Dịch vụ ngân hàng cũng chưa dễ tiếp cận với người khuyết tật, để mở được tài khoản ngân hàng người khuyết tật cần phải có người giám hộ/người làm chứng, với các giao dịch tại quầy người khuyết tật được yêu cầu phải ký các chữ ký giống nhau, các ứng dụng của ngân hàng chưa hỗ trợ trình đọc màn hình và người khuyết tật cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xác nhận sinh trắc học.

Những bất cập trên đòi hỏi sự cải thiện cả về chính sách và dịch vụ để đảm bảo sự bình đẳng và thuận tiện cho người khuyết tật trong tiếp cận trợ cấp và sử dụng dịch vụ ngân hàng. Nghiên cứu đưa ra khuyến nghị, cần cân nhắc đến khả năng và mong muốn của người khuyết tật khi triển khai cách thức nhận trợ cấp tại địa phương và xây dựng quy trình, thủ tục phù hợp để người khuyết tật có thể mở và sử dụng tài khoản ngân hàng một cách chủ động và thuận tiện hơn.

Theo bà Madeleine Plocki, Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, người khuyết tật là nhóm thiểu số lớn nhất và chịu nhiều thiệt thòi nhất trên thế giới, chiếm 15% dân số toàn cầu. Giải quyết hiệu quả nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm người khuyết tật là nền tảng cho sự gắn kết xã hội và góp phần tạo nên các quốc gia vững mạnh và thịnh vượng. 

THAM VẤN Ý KIẾN NGƯỜI KHUYẾT TẬT KHI CHUYỂN ĐỔI SỐ

Người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn với việc tiếp cận Internet vì lý do kinh tế và hạ tầng. Do đó, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người khuyết tật vẫn là một trong những hỗ trợ cần thiết, từ đó giúp người khuyết tật có đủ năng lực tài chính để tiếp cận Internet.

Ngoài ra, với các khu vực chưa đáp ứng hạ tầng kết nối Internet, cần chú trọng hơn đến các phương thức phổ biến thông tin truyền thống như loa phát thanh, chữ nổi..., đảm bảo người khuyết tật ở những khu vực này có thể tiếp cận đầy đủ thông tin.

Nguồn: Đánh giá mức độ hòa nhập của người khuyết tật trong quản trị địa phương
Nguồn: Đánh giá mức độ hòa nhập của người khuyết tật trong quản trị địa phương

Các thông tin, chính sách ngày càng đa dạng và có xu hướng chuyển sang các kênh hiện đại như cổng thông tin điện tử, trang thông tin trên mạng xã hội, nhóm Zalo…. Tuy nhiên, một số nền tảng còn chưa đủ dễ tiếp cận với người khuyết tật. Xu hướng chuyển đổi sang các nền tảng Internet vừa là thuận lợi nhưng cũng vừa gây bất lợi đối với người khuyết tật.

Theo các chuyên gia, trong thực hiện chuyển đổi số, cần tham vấn ý kiến người khuyết tật để tích hợp những tính năng dễ tiếp cận với người khuyết tật vào các nền tảng số, đồng thời vẫn cần chú trọng các phương thức phổ biến thông tin truyền thống, đảm bảo những trường hợp người khuyết tật đặc thù không bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận thông tin.

Chính quyền địa phương và Hội người khuyết tật đóng vai trò quan trọng trong phổ biến thông tin cho người khuyết tật. Bởi vậy, cần nâng cao vai trò trách nhiệm và năng lực của cán bộ địa phương trong phổ biến thông tin chính sách cho người khuyết tật; phát huy vai trò của các tổ chức Hội, nhóm của người khuyết tật trong hỗ trợ cung cấp thông tin cho người khuyết tật.