Nhà khoa học và giấc mơ kiến tạo tương lai cho ngành gỗ
8h sáng một ngày đầu xuân tại một xưởng gỗ gần Tam Đảo, Vĩnh Phúc, không khí làm việc rất khác với những xưởng gỗ truyền thống khác. Tại đây yên tĩnh hơn và có nhiều máy móc khá đặc thù giống như ở một cơ sở nghiên cứu…
Vừa tập trung đôn đốc nhóm thợ đưa gỗ vào lò biến tính, ông Trần Hoài Nam, nhà sáng lập Công ty Chon Tech và Công ty CP XWood vừa giải thích những công dụng mà một công nghệ biến tính gỗ do mình phát triển. “Mình có đam mê với gỗ và xuất phát từ ý tưởng làm sao để gỗ tốt hơn thôi. Cứ đưa cho mình một mẫu gỗ tự nhiên, mình sẽ phân tích ra và sẽ làm ra chất lượng gỗ tốt hơn thế”, ông Nam giải thích.
ĐAU ĐÁU VỚI MỤC TIÊU “LÀM CHO GỖ TỐT HƠN”
Mười mấy năm rồi là khoảng thời gian ông Trần Hoài Nam đã bỏ ra để nghiên cứu một công nghệ luyện gỗ “không tưởng” và “không có lý thuyết cơ bản” nào để luyện các loại gỗ rừng trồng (gỗ tạp, mềm) thành gỗ cứng. “Ví dụ, từ gỗ thông (nhóm 5), cao su (nhóm 8), mình có thể tuỳ biến cơ lý tính lên nhóm 1,2,3 do nhu cầu sử dụng”, ông Nam giải thích.
Chinh phục từng cột mốc, từng bài toán, và vô số thí nghiệm, nhà khoa học này đã làm chủ công nghệ và được cấp bằng độc quyền sáng chế của Mỹ số 10,486,329.B2 năm 2019. “Các công nghệ khác từ trước đến giờ khó phát triển vì phát thải và khó giải quyết các vấn đề về môi trường do đưa monome hay hoá chất vào gỗ. Còn đưa polyme thì giải quyết triệt để các vấn đề này”, nhà khoa học này chia sẻ và thừa nhận lợi thế của bản thân chính là không dựa vào lý thuyết cơ bản và dám khám phá và thực nghiệm, lắp ghép kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau.
Cụ thể, công nghệ luyện gỗ này dựa trên nguyên tắc sấy khô phôi gỗ tự nhiên, tạo không gian mở và đưa polyme xâm nhập vào các lỗ rỗng của gỗ. Gỗ sau khi “luyện” xong, có tên là Thạch Vân, được ghi nhận đã cải thiện hơn nhiều về cơ lý tính, có tỷ trọng, cường độ cao, có khả năng chịu uốn, chống mối mọt, chịu nước, ổn định nhiệt, chống cháy, ngăn cháy lan…Thạch Vân cũng đặc chắc và bền, có màu sắc, vân thớ nguyên bản của gỗ tự nhiên hoặc màu sắc linh hoạt theo nhu cầu…Đặc biệt, loại keo thế hệ mới được nhóm nghiên cứu cho ra đời được ghi nhận là hoàn toàn an toàn và không tìm thấy dư lượng độc hại là một bước tiến lớn.
Bà Nguyễn Thị Trịnh, Phó trưởng phòng thí nghiệm Vật liệu và Công nghệ gỗ (VILAS 971), Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng, trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, người trực tiếp phân tích các mẫu gỗ Thạch Vân của ông Trần Hoài Nam cũng cho biết, đơn vị này đã phân tích 5 chỉ tiêu của các mẫu gỗ này. Các chỉ tiêu này bao gồm Khối lượng thể tích; độ bền nén song song thớ, độ bền trượt dọc thớ, độ bền uốn tĩnh và chỉ tiêu cuối cùng liên quan đến hóa học, đó là hàm lượng formaldehyde phát tán trong gỗ.
Sau khi thử nghiệm thì qua các lần kiểm tra, kết quả đạt được của mỗi tính chất thử ấy, chúng tôi xếp nhóm theo TCVN 1072:1971 của Bộ Xây dựng ban hành, xếp nhóm cho những loại gỗ sử dụng trong công trình xây dựng. “Với mỗi một tính chất ấy các mẫu gỗ đã biến tính theo công nghệ của ông Trần Hoài Nam được xếp vào nhóm tương đương với nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3, tùy từng đợt mẫu thử”, bà Trịnh cho biết.
Về hàm lượng formaldehyde phát tán thì thử nghiệm theo phương pháp chiết cho ra kết quả là E0, nghĩa là không gây độc hại cho người sử dụng, vì vậy gỗ luyện đạt chất lượng toàn cầu, kể cả những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Úc, Nhật hay EU…
NÂNG CAO GIÁ TRỊ CHO GỖ RỪNG TRỒNG
Khi được hỏi vì sao quyết tâm theo đuổi và phát triển sáng chế về công nghệ gỗ đến vậy, ông Trần Hoài Nam chia sẻ, gỗ là vật liệu gần gũi với con người từ khi là đứa trẻ sơ sinh đến khi chết đi. “Không kể là văn hóa châu Á hay châu Âu, người ta đều dùng gỗ như những thứ thiết yếu để tạo ra thế giới”, nhà sáng chế thuộc thế hệ 7X chiêm nghiệm.
Dù mỗi nơi có một văn hóa dùng gỗ khác nhau, ví như người Việt Nam thì thấy gỗ nặng là gỗ quý gỗ tốt còn châu Âu thì người ta thích gỗ vì những cảm nhận về màu sắc hay tính năng sử dụng. “Cũng giống như sở thích ăn uống, người thích món này người yêu món nọ. Nhưng để tốt được là cả một câu chuyện”, ông Nam chia sẻ.
Trên thực tế ở nhiều công trình, nhu cầu dùng gỗ rất lớn cả trong nhà và ngoài trời nhưng bởi những hạn chế của gỗ nên nhiều người phải dùng bằng cái khác. “Bạn có thể thấy gỗ nhựa, gỗ nhôm vốn là các vật liệu khác được phun lên các lớp sơn giả gỗ. Gỗ đáng để tồn tại và được dùng nhiều hơn nữa”, người đứng đầu Chon Tech nói thêm.
Công nghệ biến tính gỗ bằng polyme của nhà khoa học này đã giúp xử lý xong phần cơ lý tính cho gỗ, nghĩa là có thể biến gỗ mềm thành gỗ cứng, đến cấp độ nào cũng được và dùng phục vụ mọi nhu cầu của người dân, từ gỗ xây dựng, gỗ đóng tàu hay cả gỗ có chất lượng ngang và tốt hơn gỗ tự nhiên thuộc hàng tứ thiết như “đinh, lim, sến, táu” với giá thành rẻ hơn nhiều. Nghiên cứu này cũng mở ra kỳ vọng sẽ giúp nâng cao giá trị cho gỗ rừng trồng của Việt Nam.
Theo TS. Nguyễn Bảo Ngọc, Trưởng phòng thí nghiệm Vật liệu và Công nghệ gỗ (VILAS 971), hiện nay, ở Việt Nam, công nghệ biến tính gỗ đang ở giai đoạn sơ khai, mới chỉ bước đầu ở các nghiên cứu khoa học và chưa có bất kỳ công nghệ hay sản phẩm biến tính nào được thương mại hóa. “Với các sản phẩm biến tính từ Công ty Chon Tech của anh Trần Hoài Nam, tôi thấy đây cũng là một trong những sản phẩm có đặc tính cơ lý rất tốt, đặc biệt là tính chất vật lý, độ bền sinh học, cũng như khả năng chống chịu thời tiết tốt”, TS. Ngọc chia sẻ.
Cũng theo chia sẻ của TS. Ngọc, công nghệ biến tính trên thế giới hiện nay rất đa dạng và có rất nhiều phương pháp biến tính khác nhau như phương pháp biến tính hóa học, biến tính nhiệt, hóa-nhiệt-cơ…TS. Ngọc cũng cho rằng, công nghệ biến tính gỗ nói chung hiện nay mang lại hiệu quả rất lớn.
Đặc biệt là ở Việt Nam, nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng rất lớn, tuy nhiên phần lớn sản lượng gỗ tròn từ rừng trồng được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất dăm gỗ. “Các giá trị mang lại chưa thật sự tương xứng với tiềm năng nguyên liệu gỗ rừng trồng Việt Nam. Công nghệ biến tính gỗ là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả rất cao, làm thay đổi đáng kể các tính chất vật lý và cơ học của gỗ, góp phần đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu và gia tăng giá trị của sản phẩm từ gỗ biến tính", TS. Ngọc đánh giá.
Không những hoàn thành công nghệ một cách xuất sắc, ông Trần Hoài Nam còn cùng các cộng sự hàng đầu ở nhiều ngành đã phát triển thành công thiết bị luyện, thiết bị sấy, chiết suất polyme… và các quy trình điều chế nguyên liệu để đi vào sản xuất ở quy mô công nghiệp.
Ông Nguyễn Thế Ngọc, Tổng giám đốc Công ty Gemmy Wood, nơi đặt thiết bị luyện gỗ và gia công gỗ cho XWood đánh giá, gỗ biến tính phát triển bởi công nghệ của ông Trần Hoài Nam thực sự là một sản phẩm mang tính mới trong ngành vật liệu gỗ.
“Mình cho rằng sản phẩm này khá hay và có cơ hội phát triển rất lớn vì có những ưu thế về mặt chất lượng và đã được xác nhận bởi các cơ quan chức năng của Việt Nam. Về cơ hội về mặt thị trường, gỗ biến tính polyme này có thể thay thế cho các loại gỗ tự nhiên hiện nay, ví dụ đinh, lim, và có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn cho kể cả nội thất trong nhà hoặc ngoài trời do chịu được các điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt”, ông Ngọc cho biết.
Hiện nay, Thạch Vân đã được dùng để chế biến ra các sản phẩm như ván sàn ngoài trời và ván sàn cho các bể bơi, các khu resort, ván sàn trong nhà cũng như là một số các loại ghế ngoài trời.
“Tuy nhiên, các loại gỗ biến tính polyme này mới được sử dụng giới hạn ở mức độ là làm cho một số công trình mang tính chất cá nhân, còn lại là để làm cho những đơn hàng lớn để xuất khẩu thì cũng đang trong quá trình tìm kiếm và khai thác khách hàng vì sản phẩm còn khá mới”, ông Nguyễn Thế Ngọc chia sẻ thêm.
XWood hiện cũng đang thực hiện một đơn hàng lớn xuất khẩu đi Úc để phục vụ cho một nhà phát triển dự án lắp đặt khoảng 3.000 căn nhà gỗ ngoài trời. Ông Nam hy vọng trong tương lai, Thạch Vân sẽ được nhiều người biết đến và được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày, từ đó giúp giảm thiểu nạn chặt phá rừng.
“Khi đó, người ta sẽ không cần phải khai thác những cây gỗ hàng chục, hàng trăm năm trong rừng già, cũng không cần chặt đi những cây gỗ quý nữa”, ông Trần Hoài Nam chia sẻ và cho biết, chắc chắn đây là một chặng đường dài và cần sự chung tay của nhiều người.
“Ở Việt Nam cần có văn hoá về tôn trọng sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, hợp tác văn minh cùng phát triển là những tiêu chí và điều kiện cần trong công cuộc này", ông Nam nói thêm. Nhà khoa học này và các cộng sự kỳ vọng sẽ có nhiều nhà đầu tư cũng như các đơn vị sản xuất bắt tay để cùng nhân rộng quy mô sản xuất và thúc đẩy ứng dụng Thạch Vân vào trong cuộc sống trong tương lai và cùng hiện thực hóa giấc mơ “trả lại màu xanh” cho những cánh rừng nguyên sinh.