18:25 26/04/2024

Những thách thức lớn nào "cản bước" ứng dụng AI vào y tế và chăm sóc sức khoẻ tại thị trường Việt Nam?

Thanh Minh

Từ vấn đề dữ liệu, tài chính đến hành lang pháp lý, nguồn nhân lực đều là những thách thức trên con đường ứng dụng AI vào y tế tại Việt Nam…

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang phát triển mạnh mẽ và mang lại nhiều tác động tích cực cho lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu.
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang phát triển mạnh mẽ và mang lại nhiều tác động tích cực cho lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu.

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang phát triển mạnh mẽ và mang lại nhiều tác động tích cực cho lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu. Tại Việt Nam, AI trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe đang ở giai đoạn phát triển ban đầu nhưng có tiềm năng ứng dụng rất lớn.

Tuy vậy, con đường của AI trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, rào cản. Trong chương trình the WISE Talk số 11 tổ chức bởi VnEconomy và Tech Connect mới đây, các khách mời là những chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ và y tế đã nhận diện những vướng mắc cũng như cách giải quyết vấn đề, đặc biệt là cách làm táo tạo “tăng cường ứng dụng AI vào y tế để giải quyết chính những thách thức đó.

Ngoài ra, với sự đầu tư của chính phủ, sự hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp, cùng sự phát triển của nguồn nhân lực và sự góp sức của trí tuệ Việt Nam trên toàn cầu, ứng dụng AI được cho là sẽ đem lại nhiều lợi ích cho ngành y tế và chăm sóc sức khỏe Việt Nam trong tương lai.

NHẬN DIỆN THÁCH THỨC KHI ỨNG DỤNG AI VÀO Y TẾ TẠI VIỆT NAM

Ông Trịnh Hoàng Hà, Giám đốc Đối ngoại cấp cao Siemmens Healthineers, cho rằng có nhiều thách thức khi ứng dụng AI trong y tế tại Việt Nam. Đầu tiên, để tạo ra trí tuệ nhân tạo cần có một lượng lớn dữ liệu. Về vấn đề này, Việt Nam có lượng dữ liệu rất lớn, nhưng cơ sở hạ tầng để chuẩn hóa, thu thập và lưu trữ dữ liệu này vẫn còn hạn chế.

“Sự gia tăng nhanh chóng của dữ liệu càng đòi hỏi cơ sở hạ tầng thông tin phải hiện đại và mạnh mẽ. Mặc dù các bệnh viện Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, nâng cấp về công nghệ và cơ sở hạ tầng thông tin của đất nước được cải tiến, song Việt Nam vẫn chưa đạt được mức độ mạnh mẽ cần thiết để xử lý và lưu trữ lượng lớn dữ liệu này”, ông Hà cho biết.

Y tế thông minh đã được đề cập trong các dự án như thành phố thông minh, nhưng vẫn cần tìm ra hướng giải quyết cụ thể cho việc xử lý khối dữ liệu khổng lồ. Đây là thách thức đầu tiên và quan trọng nhất trong việc phát triển AI trong y tế ở Việt Nam.

Ông Trịnh Hoàng Hà cho rằng để giải quyết các thách thức tài chính, cơ sở hạ tầng và dữ liệu, “các đơn vị y tế cần tăng cường sử dụng AI hơn nữa”.
Ông Trịnh Hoàng Hà cho rằng để giải quyết các thách thức tài chính, cơ sở hạ tầng và dữ liệu, “các đơn vị y tế cần tăng cường sử dụng AI hơn nữa”.

Thách thức lớn tiếp theo là về tài chính. Theo ông Hà, các đơn vị y tế có quá nhiều vấn đề phải cân nhắc. Các nhà quản lý cũng như lãnh đạo trong các đơn vị y tế đối mặt với áp lực lớn về việc xác định thứ tự ưu tiên cho các khoản đầu tư cần thiết. Bên cạnh đó, hàng rào pháp lý cũng là một trở ngại. Đơn cử như vấn đề bảo mật thông tin. Hiện nay, việc chuyển đổi dữ liệu và bảo mật dữ liệu là một vấn đề đã được thế giới ghi nhận cần đảm bảo thực hiện. Công tác chuyển đổi dữ liệu giữa các nước đã bắt đầu diễn ra ở Việt Nam, nhưng vẫn còn sớm và còn nhiều thách thức cần giải quyết.

“Nhìn chung, từ dữ liệu, tài chính và hành lang pháp lý đều là những vấn đề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và giải quyết cụ thể để có thể phát triển, ứng dụng AI trong y tế”, ông Trịnh Hoàng Hà nói.

TĂNG CƯỜNG SỬ DỤNG AI TRONG Y TẾ ĐỂ GIẢI QUYẾT CÁC THÁCH THỨC

Để giải quyết các thách thức tài chính, cơ sở hạ tầng và dữ liệu, ông Hà cho rằng “các đơn vị y tế cần tăng cường sử dụng AI hơn nữa”. Bởi vì, theo ông Hà, “khi sử dụng nhiều AI, các đơn vị trong nước hoặc nước ngoài sẽ càng càng phát triển công nghệ này. Và một khi AI đã được sử dụng cũng như chứng tỏ giá trị, thì các bước đầu tư tiếp theo sẽ trở nên khả thi”. Thực tế, Việt Nam có thể phát triển AI với dữ liệu hiện có và một số công ty Việt Nam đã bắt đầu làm điều này.

“Khi nhận thấy giá trị của AI, các tổ chức tài chính sẽ sẵn sàng đầu tư thêm. Việt Nam có nhiều nhân lực giỏi, đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT”, ông Hà nói và khuyến khích sự kết nối, phối hợp với những người có kiến thức và kinh nghiệm, chẳng hạn như những người đã đi du học, làm việc ở nước ngoài để chia sẻ và đóng góp cho sự phát triển của AI trong y tế.

Đồng thời, theo ông Hà chúng ta cần hợp tác với các công ty công nghệ thông tin lớn tại Việt Nam như Viettel và FPT, vì họ có các đơn vị nghiên cứu và khả năng đồng hành; cũng như cần kết hợp với các đơn vị y tế chuyên ngành để tạo ra một sự hợp tác đa ngành giữa các công ty, tổ chức y tế và người sử dụng. “Khi cầu tăng, cung sẽ đáp ứng và như vậy chúng ta có thể phát triển mạnh mẽ hơn”, chuyên gia Trịnh Hoàng Hà khẳng định.

Về phần mình, ông Phan Phi Anh, Phó Giáo sư Kỹ thuật Y Sinh Đại học Oxford, CEO VentDX Ltd, cũng nhận định những thách thức khi ứng dụng AI vào y tế tại Việt Nam. Với những hạn chế về cơ sở hạ tầng, ông Phi Anh cho rằng trong chiến lược ngắn hạn, việc áp dụng AI nên tập trung vào những ứng dụng trên điện thoại để giảm nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

“Người Việt Nam, đặc biệt là dân số trung niên và lớn tuổi, thường không quan tâm đến sức khỏe như thế hệ trẻ hơn. Việc có các ứng dụng theo dõi sức khỏe hàng ngày có thể giúp nhắc nhở người dùng uống ít bia hơn, hoạt động nhiều hơn hoặc ngủ đủ giấc, từ đó nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe. Lợi ích này có tiềm năng rất lớn trong việc giữ bệnh nhân tránh khỏi bệnh viện”, ông Phi Anh cho biết.

Ngoài ra, để có nguồn nhân lực đủ tốt và mạnh nhằm phát triển AI trong ngành y tế tại Việt Nam, ông Phan Phi Anh cho rằng cần tập trung vào việc đẩy mạnh đào tạo, tạo ra những diễn đàn và sân chơi khuyến khích mọi người tham gia, kết hợp giữa doanh nghiệp và chính phủ. Bên cạnh đó, nguồn vốn và nhân tài trong khối tư nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển AI.

Tôi nghĩ rằng về mặt công nghệ, kỹ thuật thì không có khó khăn lớn. Vấn đề chính là làm sao trình bày cho các nhà đầu tư hiểu được tiềm năng và lợi ích kinh tế mà AI mang lại, không chỉ về mặt y khoa. Đưa AI về Việt Nam cần sự hiểu biết về văn hóa Việt Nam của các nhà đầu tư trong nước. Cuối cùng, vấn đề chính vẫn là thuyết phục đầu tư”, ông Phan Phi Anh nói.

“VIỆC TRIỂN KHAI AI RỘNG RÃI VÀ LỚN HƠN TRONG NGÀNH Y TẾ SẼ CẦN THÊM THỜI GIAN”

Nói về vai trò của chính phủ, ông Phan Phi Anh cho rằng chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sử dụng AI trong lĩnh vực y tế thông qua việc tạo ra các chính sách hỗ trợ, đào tạo bác sĩ, khuyến khích bệnh viện cung cấp vốn để mọi người ứng dụng AI, và tạo ra sân chơi, năng lượng cho các doanh nghiệp nhận thấy chính phủ rất muốn họ tham gia vào lĩnh vực này.

 
Đưa AI về Việt Nam cần sự hiểu biết về văn hóa Việt Nam của các nhà đầu tư trong nước", ông Phan Phi Anh nói
 

Đưa AI về Việt Nam cần sự hiểu biết về văn hóa Việt Nam của các nhà đầu tư trong nước", ông Phan Phi Anh nói

Về phía doanh nghiệp, cần có đam mê về công nghệ và mong muốn đóng góp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thường lo ngại về mức độ rủi ro và lợi nhuận, chưa đủ tự tin để đầu tư vào AI vì nó có đặc điểm lợi nhuận cao đi kèm với rủi ro cao. Do đó, việc tạo ra sân chơi thúc đẩy phát triển AI cũng như những câu chuyện thành công, truyền cảm hứng sẽ rất quan trọng.

Thực tế, chính phủ Việt Nam đã và đang có nhiều chương trình động viên và hỗ trợ, thúc đẩy phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin và AI. Bằng chứng là Thủ tướng Chính phủ đã tham dự nhiều diễn đàn về công nghệ, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp và tổ chức để phát triển mạnh mẽ hơn. Đây được coi là một lợi thế của Việt Nam, và AI là một phần trong lĩnh vực này. Sự động viên và thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam phát triển các sản phẩm thử nghiệm là rất tích cực.

Ông Trịnh Hoàng Hà cho biết trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh y tế đã phát triển mạnh mẽ ở khu vực tư nhân tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn một số rào cản như thói quen làm việc và sự cần thiết đầu tư vào công nghệ mới. Trong vòng 2-3 năm tới, ông dự đoán ứng dụng AI trong y tế sẽ phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong các ứng dụng AI quy mô nhỏ.

“Việc triển khai AI rộng rãi và lớn hơn trong ngành y tế sẽ cần thêm thời gian”, ông Hà nói và nhấn mạnh rằng AI sẽ không thể thay thế hoàn toàn vai trò của bác sĩ hay kỹ thuật viên, nhưng nó có thể cải thiện tốc độ và chất lượng của việc chăm sóc y tế. Ông cũng lưu ý rằng các diễn đàn và hội nghị về thiết bị y tế và trí tuệ nhân tạo đang ngày càng được chú trọng, và điều này phản ánh sự quan tâm đến việc ứng dụng AI trong ngành y tế.