06:00 07/03/2024

Samsung và Motorola chạy đua sản xuất "điện thoại đeo tay", liệu có thật sự đáng tiền?

Bảo Ngọc

Nhiều biên tập viên đến từ Android Central đang bàn tán về thiết bị điện thoại đeo tay được giới thiệu trong Triển lãm Di động Toàn cầu (MWC), và đa số khuyên người dùng không nên xuống tiền…

5 công nghệ môi trường tạo nên khác biệt của các startup tại Đông Nam Á
5 công nghệ môi trường tạo nên khác biệt của các startup tại Đông Nam Á

Samsung, Motorola và một số nhà sản xuất khác đang chạy đua để trở thành hãng đầu tiên cho ra mắt điện thoại có thể uốn cong hoặc cuộn lại được như một chiếc đồng hồ. Cả hai thương hiệu đều trình diễn bản demo điện thoại đeo tay tại MWC 2024, trước sự hào hứng của nhiều phóng viên công nghệ. Nhưng ông Michael Hicks, biên tập viên đến từ Android Central lại nhận định ngược lại: Không đời nào một chiếc điện thoại thông minh như Motorola Adaptive Display có thể thay thế những sản phẩm smartwatch hiện có trên thị trường, theo YahooTech!.

Phóng viên công nghệ này cho biết đã chuẩn bị đầy đủ bài phản biện nếu điện thoại mới trở nên phổ biến trong tương lai, như cách các công ty đang quảng bá điện thoại màn hình gập. Ông nhận thấy rằng trong danh sách những công nghệ được kỳ vọng nhất MWC năm nay đều vinh danh điện thoại mới của Motorola, nhưng cá nhân ông không đồng tình với kết quả.

CÔNG NGHỆ MỚI THU HÚT NHIỀU Ý KIẾN TRÁI CHIỀU

Một số đồng nghiệp của ông, phóng viên Nick Sutrich và Derrek Lee trực tiếp có mặt tại MWC năm nay, đã tận mắt chứng kiến “vẻ đẹp" của Adaptive Display (màn hình thích ứng) cũng như điện thoại màn hình cuộn RIZR đến từ đại gia điện thoại di động một thời Motorola. 

Điện thoại màn hình cuộn Motorola RIRZ
Điện thoại màn hình cuộn Motorola RIRZ

Theo bản demo kéo dài 10 phút, Adaptive Display của Motorola trông rất thú vị khi đeo lên tay. Phóng viên Nick Sutrich giải thích rằng anh ấy “cảm nhận tích cực hơn về khái niệm này” sau khi dùng thử: điện thoại thông minh đeo được “có thể thực sự hữu ích, đặc biệt nếu bạn sống ở thành phố” và anh ấy cho rằng Adaptive Display có nhiều tiềm năng hơn điện thoại màn hình cuộn RIZR.

Samsung và Motorola chạy đua sản xuất "điện thoại đeo tay", liệu có thật sự đáng tiền? - Ảnh 1

Phóng viên này giải thích: “Tôi không thể đếm xuể số lần mà tôi phải rút điện thoại ra khỏi túi quần rồi lại cất đi chỉ để xem chỉ đường hay thông báo nào đó”. Mặc dù đa số đồng hồ thông minh hiện tại được trang bị ứng dụng Maps (bản đồ), nhưng màn hình nhỏ và tổ hợp nút điều khiển phức tạp khiến bạn không thể vừa đi đường vừa sử dụng đồng thời; đối với nhiều tác vụ nâng cao hơn, bạn thường xuyên phải rút điện thoại ra.

Ý tưởng điện thoại thông minh có thể đeo được sẽ giải quyết vấn đề dễ dàng. Thiết bị hoạt động thông qua sự kết hợp của vải và nam châm để luôn đảm bảo được giữ trên tay, từ đó bạn đã có một màn hình để sử dụng mà không bị giới hạn kích thước. Ngay cả khi thiết bị "hơi cồng kềnh", theo như Nick đã mô tả, ông cho rằng đó vẫn là "sự kết hợp tuyệt vời nhất" giữa smartphone và smartwatch.

Nếu không cần thiết, bạn có thể tháo điện thoại ra khỏi tay và sử dụng như chiếc điện thoại thông thường — hoặc đặt thiết bị theo đường cong ở trên một mặt phẳng bất kỳ để chụp ảnh selfie rảnh tay hoặc thao tác nội dung ở nửa trên, tương tự như điện thoại màn hình gập ở chế độ để bàn.

Phóng viên Derrek Lee, người khá hứng thú với điện thoại gập Motorola Razr Plus, tỏ ra ít lạc quan hơn về ý tưởng điện thoại thông minh đeo tay, nhận xét đây là "ý tưởng thú vị nhưng có lẽ không phải là ý tưởng mà tôi sẽ cân nhắc".

Ông giải thích: “Cảm giác như nếu tôi vung tay quá mạnh, điện thoại sẽ rơi ra. Hoặc ai đó có thể dễ dàng đi từ phía sau và giật nó khỏi cổ tay tôi”. Là phóng viên từng sống và làm việc ở Thành phố New York nhộn nhịp, nhà báo công nghệ này thực sự đặt ra câu hỏi sẽ mất bao lâu trước khi có kẻ xấu cố gắng đánh cắp thiết bị này trong đám đông.

Phóng viên Derrek cũng đề cập về một mẫu điện thoại đeo tương tự của Samsung, nhưng dường như mô hình thử nghiệm đã bị hỏng trong buổi demo nên ông đã không thể tự mình trải nghiệm. Có vẻ như Samsung chưa hoàn toàn sẵn sàng cho cuộc đua.

Bản mô phỏng điện thoại đeo tay của Samsung tại MWC 2024
Bản mô phỏng điện thoại đeo tay của Samsung tại MWC 2024

HÀNG LOẠT LÝ DO KHÔNG NÊN XUỐNG TIỀN

Thành thật mà nói, thiết kế điện thoại đeo tay rất dễ “tổn thương”. Nếu bạn vấp ngã khi đang đeo thiết bị này, nửa dưới của màn hình sẽ vỡ ra do sức nặng đè lên từ chính bạn. Hay bạn cũng có thể làm xước màn hình khi vô tình va vào góc tủ hay cửa ra vào. Đây vốn đã là vấn đề nan giải đối với một số dòng đồng hồ thông minh có màn hình tràn cạnh như Pixel Watch 2 đến từ Google.

Nói về trọng lượng, nhiều người dùng phải mất thời gian để làm quen với việc đeo chiếc Apple Watch Ultra 2 khổng lồ, nặng khoảng 80g có kèm theo dây đeo. Motorola không chia sẻ trọng lượng của chiếc điện thoại mới, nhưng chuyên gia Michael Hicks cho rằng thiết bị này ít nhất phải gấp đôi trọng lượng đó. Ngay cả khi sử dụng một số vật liệu nhẹ hơn, một chiếc điện thoại 6 inch thông thường vẫn nặng gần 200g và Adaptive Display của Motorola trông có vẻ khá “dày dặn”.

Hơn nữa, liệu sự kết hợp giữa trọng lượng và chất liệu vải có khiến cổ tay bạn đổ mồ hôi và gây mùi khó chịu chỉ sau vài giờ đeo hay không? Và sẽ ra sao nếu mặt lưng điện thoại sẽ luôn tồn tại mùi hôi đó nếu không thường xuyên vệ sinh đúng cách?

Trải nghiệm tương tự như cách người dùng yêu thích những chiếc kính thực tế ảo đời mới ngay lần đầu tiên dùng thử vì sự mới lạ lấn át sự khó chịu. Sau đó, khi bạn bắt đầu đeo hàng ngày, bạn sẽ nhận ra thiết bị đang đè nặng lên đầu, gây ra cảm giác không thoải mái. Nhà báo đảm bảo điều tương tự cũng xảy ra đối với bất kỳ điện thoại đeo tay nào: Thiết bị quá nặng và không thoải mái khi sử dụng làm việc và khi đeo ra ngoài, điện thoại dễ bị hư hỏng và khiến bạn mỏi tay.

Một thách thức lớn mà vị phóng viên lo lắng, kiểu thiết kế điện thoại này khiến nhà sản xuất không thể gắn cảm biến camera phía sau vì chúng sẽ cản trở cơ chế nam châm dùng để gắn chặt thiết bị vào tay người dùng. Motorola đã phải bổ sung thêm nhiều khối pin mỏng hơn để pin không ảnh hưởng đến tính linh hoạt và dường như hãng đã phải đánh đổi nhiều yếu tố khác như hệ thống bố trí chip bên trong và hệ thống thông gió. Và cuối cùng, không có phương pháp nào có thể theo dõi dữ liệu sức khỏe khi đeo “điện thoại” - một trong những lý do chính mà nhiều người sử dụng đồng hồ thông minh.

Samsung và Motorola chạy đua sản xuất "điện thoại đeo tay", liệu có thật sự đáng tiền? - Ảnh 2

LIỆU CÓ XỨNG ĐÁNG ĐỂ ĐÁNH ĐỔI

Phóng viên Hicks chỉ ra nhiều nhà phân tích đã lo lắng về cản trở và sự đánh đổi của điện thoại màn hình gập, nhưng đa số mẫu điện thoại mới như Galaxy Z Flip 5 đã chứng minh rằng những người từng nghi ngờ nên thay đổi suy nghĩ. Nhưng đó là khi mọi người đều kỳ vọng về chiếc điện thoại chiếm ít không gian hơn trong túi hoặc màn hình có thể mở rộng rộng cỡ máy tính bảng khi cần; còn có vẻ như không một ai yêu cầu về chiếc điện thoại đeo tay…

Đó là thứ chúng ta chỉ nhìn thấy trong phim ảnh, vì các đạo diễn thường quan tâm đến phong cách hơn là tính thực tế. Nhưng ngay cả trong phim viễn tưởng, không ai sử dụng loại thiết bị đeo cồng kềnh một thời gian dài cả.

Phóng viên đến từ Android Central khẳng định vẫn sẽ chúc mừng Motorola nếu công ty tìm ra phương pháp vượt qua thách thức và thu hút đủ số người mua để biến công nghệ này thành sản phẩm bước ngoặt tiếp theo trong thị trường điện thoại thông minh. Nhưng ông không chờ đợi. Mọi người mua đồng hồ thông minh nhiều vì kiểu dáng thời trang và thu được dữ liệu về sức khỏe cũng như phản hồi các thông báo nhanh, và một chiếc điện thoại có thể đeo được ở thời điểm hiện tại không đáng để đánh đổi điều đó.