Mỹ đưa hai công ty lớn của Trung Quốc vào danh sách đen

Bình Minh
Chia sẻ

Đây là động thái bất ngờ, diễn ra chỉ 2 tuần trước ngày nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump và có khả năng đẩy leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 6/1 đưa hai doanh nghiệp lớn của Trung Quốc là hãng game lớn nhất thế giới Tencent và hãng pin xe điện Contemporary Amperex Technology Co. Ltd (CATL) vào danh sách đen vì cho rằng hai công ty này có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc. Đây là động thái bất ngờ, diễn ra chỉ 2 tuần trước ngày nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump và có khả năng đẩy leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo hãng tin Bloomberg, CATL - một nhà cung cấp chính của hãng xe điện Mỹ Tesla - cùng với Tencent bị bổ sung vào danh sách đen bao gồm các thực thể bị cho là có mối liên hệ với Quân đội Nhân dân giải phóng Trung Quốc (PLA). Cả hai công ty này đều lên tiếng phản đối động thái của Mỹ, khẳng định không có quan hệ với PLA. Cổ phiếu Tencent có lúc giảm hơn 7% trong phiên giao dịch ngày 7/1 tại thị trường Hồng Kông, đánh dấu cú giảm nội phiên mạnh nhất từ tháng 10/2024. Cổ phiếu CATL giảm hơn 5%, cũng là mức giảm mạnh nhất hơn 3 tháng.

Việc đưa hai công ty trên vào danh sách đen có thể khiến mối quan hệ Mỹ-Trung thêm phần căng thẳng. Mặc dù việc có tên trong danh sách đen không đồng nghĩa bị áp biện pháp trừng phạt cụ thể nào, nhưng doanh nghiệp Mỹ ngại giao dịch với các công ty mà Chính phủ nước này đưa vào danh sách đó.

CATL không chỉ cung cấp cho Tesla mà còn cho nhiều nhà sản xuất ô tô thuộc hàng lớn nhất thế giới, từ Stellantis NV đến Volkswagen AG. Bởi vậy, việc CATL bị đưa vào danh sách đen của Mỹ có nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái đó, đúng vào lúc Mỹ và châu Âu đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc về xe điện - một lĩnh vực công nghiệp quan trọng.

Nhà phân tích Alicia Yap của Citigroup nhận định trong một báo cáo: “Chúng tôi hiểu phản ứng hoảng loạn của thị trường, nhưng chúng tôi cũng tin rằng việc đưa các công ty này vào danh sách đen không nhất thiết cho thấy đã có đủ bằng chứng để chứng minh quyết định này là đúng đắn”.

Về phần mình, Tencent - công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất Trung Quốc - có những khoản đầu tư lớn hoặc mối quan hệ sâu sắc với các nhà phát triển game từ Fortnite Epic Games Inc. đến Activision Blizzard Inc. Do tỷ phú Pony Ma sáng lập, Tencent được coi là một trong những công ty tiên phong về internet và trong khu vực tư nhân ở Trung Quốc, đồng thời đã sáng tạo ra WeChat - một ứng dụng bao gồm mọi thứ mà tỷ phú Mỹ Elon Musk lấy làm hình mẫu cho mạng xã hội X. Trong nhiệm kỳ trước của ông Trump, Chính phủ Mỹ đã tìm cách cấm WeChat - một dịch vụ nhắn tin đã phát triển thành nền tảng thanh toán, mạng xã hội và dịch vụ trực tuyến - vì cho rằng ứng dụng này gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Mỹ.

Danh sách đen của Lầu Năm Góc được thiết kế để phát hiện các công ty do quân đội Trung Quốc kiểm soát hoặc phục vụ cho thứ mà Mỹ gọi là “phức hợp quân sự-dân sự” - hay sự kết hợp giữa PLA và các lợi ích kinh doanh để củng cố cơ sở công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc.

Không rõ liệu hai công ty này có giao dịch thường xuyên với PLA hay không. Ngoài mối quan hệ trực tiếp với chính phủ, giới chức Mỹ còn đề cập đến các điều luật của Trung Quốc yêu cầu các công ty trong nước chia sẻ thông tin với Bắc Kinh về các vấn đề được coi là liên quan đến an ninh quốc gia.

Hồi tháng 8/2024, nghị sỹ Marco Rubio - người đã được đề cử cho cương vị Ngoại trưởng Mỹ trong chính quyền Trump 2.0 - đã yêu cầu Lầu Năm Góc nhắm đến CATL, cho rằng công ty này có tiềm năng trở thành nhà cung cấp quan trọng cho PLA.

CATL nói việc công ty này bị đưa vào vào danh sách của Bộ Quốc phòng Mỹ là một “sai lầm”. Công ty cho biết trong một tuyên bố rằng họ không tham gia vào các hoạt động liên quan đến quân sự, hoàn toàn là một công ty được thành lập tư nhân và trở thành doanh nghiệp niêm yết đại chúng vào năm 2018.

Về phía Tencent, một người phát ngôn của công ty nói: “Chúng tôi không phải là công ty quân sự hay nhà cung cấp quân sự. Không giống như các lệnh trừng phạt hoặc kiểm soát xuất khẩu, danh sách này không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Quốc phòng Mỹ để giải quyết mọi hiểu lầm”.

Một số công ty Trung Quốc đã đấu tranh thành công để được đưa ra khỏi danh sách đen của Mỹ. Vào năm 2021, hãng điện thoại thông minh Xiaomi Corp. đã đạt được thỏa thuận với Chính phủ Mỹ về việc xóa tên công ty này khỏi danh sách đen. Năm ngoái, một công ty khác Advanced Micro-Fabrication Equipment Inc. cũng được đưa ra khỏi danh sách này.

Việc Tencent bị đưa vào danh sách đen của Mỹ diễn ra sau một vài năm khó khăn đối với các công ty công nghệ Trung Quốc. Ban đầu, các công ty này phải trải qua một chiến dịch siết chặt kiểm soát lĩnh vực Internet do Bắc Kinh triển khai, và tiếp đó đương đầu với sự giảm tốc nghiêm trọng của nền kinh tế trong nước. Tuy nhiên, Tencent - công ty dẫn đầu về truyền thông xã hội và giải trí - đạt kết quả kinh doanh tốt hơn so với các đối thủ, một phần nhờ vào lĩnh vực kinh doanh game và sự phát triển của bộ phận fintech. Cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của Tencent đã tăng hơn 42% trong năm ngoái.

Bản danh sách đen các công ty quân sự Trung Quốc bắt nguồn từ một sắc lệnh được ông Trump ký vào cuối năm 2020 cấm việc đầu tư của Mỹ vào các công ty Trung Quốc do quân đội sở hữu hoặc kiểm soát. Đó là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm kiềm chế những gì mà Mỹ coi là lạm dụng hoạt động kinh doanh lạm dụng của Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ rằng các công ty được bị dưa vào danh sách đen có quyền đề nghị xem xét lại. Trong tuyên bố ngày 6/1, Lầu Năm Góc cũng tuyên bố xóa tên một loạt công ty khỏi danh sách này, gồm Beijing Megvii Technology Co., China Marine Information Electronics Co., China Railway Construction Corp., China State Construction Group Co., China Telecommunications Corp. và ShenZhen Consys Science & Technology Co.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con