Tiếp tục giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu và tận dụng hiệu quả các FTA
Việt Nam đã ký kết và cơ bản kết thúc đàm phán 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy vậy, hoạt động xuất khẩu, khai thác ưu đãi từ các FTA vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng...
Theo báo của Bộ Công Thương, tính đến nay, Việt Nam đã ký kết và cơ bản kết thúc đàm phán 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; đang đàm phán, chuẩn bị khởi động đàm phán 3 Hiệp định và 1 khung khổ kinh tế (Khung khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF).
Tổng kim ngạch xuất khẩu sang các nước đối tác tham gia các Hiệp định FTA chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2023 đạt trên 86 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2022, chưa kể kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác tham gia các FTA đã xóa bỏ thuế quan về 0%.
Mặc dù vậy, hoạt động xuất khẩu và khai thác ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, chưa tận dụng tối đa các cơ hội có được, tính chuyên nghiệp và bền vững của một bộ phận doanh nghiệp chưa cao.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả khai thác ưu đãi từ các Hiệp định FTA, như: khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu; nâng cao năng lực cạnh tranh, xuất khẩu các ngành hàng; cung cấp thông tin thị trường, nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu; tổ chức phổ biến, hướng dẫn về nội dung các cam kết và cách thức tận dụng ưu đãi từ các FTA đến các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng; hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ lợi ích hợp pháp tại nước ngoài; đơn giản hóa thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ, đẩy mạnh chuyển đổi số cấp chứng nhận xuất xứ điện tử.
Bộ Công Thương cho biết từ ngày 01/01/2024, Việt Nam đã thực hiện việc cấp C/O điện tử cho doanh nghiệp bao gồm các mẫu C/O: AANZ, AJ, E, AHK, RCEP, CPTPP, VJ, VC, VN-CU và S. Đối với C/O mẫu D (sang các nước ASEAN) và C/O mẫu AK, VK (sang Hàn Quốc), Việt Nam đã thực hiện việc truyền dữ liệu C/O điện tử.
Bên cạnh các giải pháp đã và đang thực hiện trên, để xuất khẩu tận dụng được các FTA, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ nắm bắt khó khăn, vướng mắc về sản xuất, xuất khẩu hàng hoá thông qua mối liên hệ chặt chẽ với các Hiệp hội ngành hàng để kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Bám sát tình hình thực tế, chỉ đạo kịp thời, điều hành linh hoạt công tác xuất khẩu gạo và các nông sản khác. Định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các cuộc đấu thầu nhập khẩu gạo của Chính phủ các nước nhằm khai thác tối đa cơ hội thuận lợi trên thị trường thế giới, đồng thời, đảm bảo tuyệt đối an ninh năng lượng quốc gia.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Ngoại giao đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, đặc biệt cho các mặt hàng trái cây và sản phẩm trồng trọt.
Phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan triển khai chỉ đạo của Chính phủ liên quan đối thuế tối thiểu toàn cầu nhằm duy trì sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam, qua đó củng cố năng lực xuất khẩu bền vững.
Đồng thời, nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước. Hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp trong nước với các tập đoàn đa quốc gia, với các doanh nghiệp FDI để nâng cao khả năng tham gia chuỗi cung ứng, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước.
Theo dõi sát biến động chính sách của các đối tác thương mại, nhất là các đối tác thương mại lớn để tham mưu, đề xuất với Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời để thúc đẩy xuất khẩu.
Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên liên tục cập nhật các thông tin về quy định, chính sách của thị trường sở tại, kịp thời thông tin, khuyến nghị đối với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu.
Phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng nhằm tháo gỡ khó khăn liên quan đến chi phí vận chuyển hàng hoá khi tình hình căng thẳng xảy ra tại Biển Đỏ; kịp thời có khuyến cáo các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh diễn biến bất ổn tại Israel.
Điều tiết tốt tốc độ thông quan tại các cửa khẩu biên giới, khuyến cáo doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển sang thương mại chính ngạch.
Mặt khác, triển khai vận hành tốt hệ thống cấp Giấy chứng nhận xuất xứ qua Internet và cơ chế Tự chứng nhận xuất xứ; rà soát, đơn giản hóa quy trình cấp C/O; áp dụng khai báo C/O điện tử.
Cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu khi làm thủ tục đề nghị cấp C/O. Kịp thời giải đáp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất xứ hàng hoá.