Khai thác hiệu quả các FTA, mở rộng thị trường để đưa xuất khẩu tăng trưởng trở lại trong năm 2024
Dựa trên mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2024 tăng khoảng 6% (tương ứng 377 tỷ USD) so với năm 2023…
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm trước. Trong đó, có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%).
Dựa trên mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2024 ở mức 6 - 6,5%, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% (tương ứng 377 tỷ USD). Cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư khoảng 15 tỷ USD.
"Đơn hàng xuất khẩu đang dần phục hồi kể từ quý 4/2023 là một trong những yếu tố để các doanh nghiệp xuất khẩu tin tưởng bức tranh thị trường 2024 sẽ khởi sắc hơn năm 2023", Bộ Công Thương nhận định, đồng thời cho biết nhìn chung, áp lực bên ngoài đối với sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024 đến từ cả 3 kênh
Thứ nhất: Kênh thương mại quốc tế. Nhiều nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam tăng trưởng chậm, dẫn đến tổng cầu khó phục hồi mạnh, từ đó tác động đến kết quả xuất khẩu.
Thứ hai: Kênh đầu tư quốc tế. Mặt bằng lãi suất thế giới nhìn chung còn neo ở mức cao, khó thu hút vốn cho đầu tư nói chung và trực tiếp tạo áp lực không nhỏ trong việc giữ vốn đã đầu tư ở lại Việt Nam, cũng như thu hút thêm vốn đầu tư mới.
Thứ ba: Kênh tài chính tiền tệ với áp lực mất giá đồng nội tệ so với đồng USD, tuy thuận lợi phần nào cho xuất khẩu nhưng sẽ khiến chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao và làm tăng quy mô thanh toán của các khoản nợ nước ngoài.
Để đạt được mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 tăng khoảng 6% so với năm 2023, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các Hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại.
Năm 2024, bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam không thể tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của những biến động từ bên ngoài trong bối cảnh rủi ro, thách thức còn rất lớn đối với triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2024.
Do đó, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp không được lơ là, chủ quan, mà phải theo dõi chặt chẽ tình hình biến động sản xuất, cung cầu, giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước để kịp thời có các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra trong năm 2024 cũng như giai đoạn 2021-2025.